Bắt giữ hàng trăm nghìn khẩu trang
Tính đến thời điểm này, Nghị Quyết 20/NQ-CP ngày 28/02/2020 về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 ban hành chưa đầy nửa tháng mà các lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng trăm nghìn khẩu trang được tổ chức xuất lậu, đặc biệt là qua khu vực biên giới Tây nam.
Ngày 09/3, tại cửa khẩu Tân Nam, huyện Tân Biên, Bộ đội biên phòng Tây Ninh phát hiện 527.000 khẩu trang y tế mang các thương hiệu gồm PANDA, EURO và FAMAPRO trên xe tải 76C-027.02 chuẩn bị đi qua biên giới.
Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương, Cục Hải quan An Giang phối hợp đồn biên phòng Sông Tiền bắt giữ 16.000 chiếc khẩu trang chuẩn bị đưa sang Campuchia
Cùng ngày, trong lúc tiến hành khám đồ vật, hàng hóa tập kết tại khu vực bờ kênh Vĩnh Tế , Đội QLTT số 2, Cục QLTT An Giang và Chi cục Hải quan Tịnh Biên phát hiện và tạm giữ 29.950 khẩu trang y tế các loại mang các nhãn hiệu Tuấn Phương (sản phẩm của Công ty TNHH TP Mask, địa chỉ 29/12/25 đường số 8, KP 16, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh); Vinapro (sản phẩm của Công ty TNHH TMSX Thiết bị Vinapro T-T, 87/8, đường số 3, Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh); LEHACo (sản phẩm của Công ty TNHH SX TM DV Lê Hằng, địa chỉ tại 55/3A, Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6, TP Hồ Chí Minh).
Ngoài ra còn có 2.394 chai gel rửa tay khô diệt khuẩn hiệu Dcare (sản phẩm của Công ty TNHH Mỹ phẩm Hoa Mai Vàng, ở 60/41/31 Nguyễn Văn Cự, KP5, phường Tân Tạo A, Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh). Lô hàng này đang chuẩn bị vận chuyển sang Campuchia.
Cùng lúc này, tại km 643 Quốc lộ 1A xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Đội QLTT số 5, phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh, cũng lập biên bản thu giữ 75.000 khẩu trang y tế hiệu FORTURE khi khám xét xe tải 29C-752.56 do có dấu hiệu vi phạm.
Trước đó, ngày 04/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương, Cục Hải quan An Giang phối hợp đồn biên phòng Sông Tiền bắt giữ 16.000 chiếc khẩu trang. 20.000 chiếc khẩu trang y tế khác không rõ nguồn gốc, không hóa đơn, chứng từ cũng bị lượng Biên phòng và Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang bắt giữ khi các chủ hàng đang vận chuyển theo đường mòn dân sinh ven biên giới để đưa sang Campuchia.
QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra kho hàng tại số 4 đường Lương Thế Vinh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú
Trong khi đó, ngày 03/3 Đội QLTT số 14, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh phối hợp với Phòng PC03, Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra kho hàng tại số 4 đường Lương Thế Vinh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, cũng đã thu giữ chờ xử lý 973.950 khẩu trang, hóa đơn chứng từ không đầy đủ và vi phạm về nhãn hàng hóa.
Trước đó, 7.500 khẩu trang tại Công ty TNHH TM DV SX thiết bị y tế Cửu Long, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú cũng bị Cục QLTT TP Hồ Chí Minh tạm giữ do không có bao bì, nhãn hàng hóa, chưa có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. 104.820 khẩu trang khác cũng bị Cục QLTT TP Hồ Chí Minh lập biên bản khi tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH MTV TM DV Đức Việt ở phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú. Số khẩu trang này ghi nhãn sản xuất tại Công ty CP SX & XNK Thiết bị y tế Khang Việt MST 1101931818, ở 147A tỉnh lộ 830, ấp 9, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
75.000 khẩu trang y tế hiệu FORTURE bị Đội QLTT số 5, phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình thu giữ
Xử lý mạnh để ổn định thị trường
Như vậy, tính từ ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 173/QĐ-TTg để công bố dịch Covid-19, và sau khi Chính phủ phủ ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/02/2020 quy định về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, thì hành vi tổ chức sản xuất khẩu trang không đăng ký với Bộ y tế, đầu cơ vận chuyển, buôn bán qua biên giới đã là hành vi vi phạm pháp luật.
Xử lý triệt để các hành vi này như thế nào?
Điểm c khoản 2 Điều 10 Luật Giá 2012 quy định cấm lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Đồng thời, theo khoản 1 Điều 11 và điểm b khoản 5 Điều 12 Luật này thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế phải niêm yết giá bán khẩu trang và không được bán cao hơn mức giá này.
Theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật giá, thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng; vi phạm nhiều lần, tái phạm sẽ bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng.
Khoản 3 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, thì với hành vi bán khẩu trang cao hơn giá niêm yết mà tổ chức, cá nhân định giá cũng bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng
Ngoài ra, hành vi đẩy giá khẩu trang lên cao hay găm hàng khi dịch bệnh đang hoành hành có thể bị xử lý theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nếu có căn cứ để xác định khẩu trang y tế là hàng giả, hàng nhái.T
hậm chí có thể xử lý hình sự người nào có hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, đến việc phòng ngừa dịch bệnh theo Điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015 “Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị phạt tiền từ 30 đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Với diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, cả nước đang chung sức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, thì vẫn còn không ít người phá vỡ trật tự thị trường, cố tình vi phạm pháp luật để thu lợi bất chính qua việc tổ chức xuất khẩu lậu mặt hàng khẩu trang, một mặt hàng đang được nhà nước quản lý theo tinh thần Nghị quyết 20 của chính phủ cần được xử lý thích đáng.
Cùng với việc xử lý những đối tượng mua gom, đầu cơ, nâng giá, vận chuyển lậu qua biên giới, dư luận cũng đòi hỏi xem xét trách nhiệm pháp lý với chủ sở hữu các thương hiệu PANDA, EURO, FAMAPRO, LEHACo, Vinapro, Tuấn Phương, FORTURE… và hàng loạt các nhà sản xuất như Công ty TNHH TP Mask, Công ty TNHH TMSX Thiết bị Vinapro T-T, Công ty TNHH SX TM DV Lê Hằng, Công ty TNHH Mỹ phẩm Hoa Mai Vàng, Công ty CP SX & XNK Thiết bị y tế Khang Việt, Công ty TNHH MTV TM DV Đức Việt, Công ty TNHH TM DV SX thiết bị y tế Cửu Long, và kho hàng tại số 4 đường Lương Thế Vinh ở phường Tân Thới Hòa- quận Tân Phú…
Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước). Không áp dụng quy định trên đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và doanh nghiệp gia công khẩu trang y tế cho thương nhân nước ngoài đã ký hợp đồng gia công trước ngày 01 tháng 3 năm 2020. (Điều 1 Nghị Quyết 20/NQ-CP ngày 28/02/2020). “Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Bộ TCVN 8389:2010 khẩu trang y tế. Nếu có căn cứ để xác định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế không bảo đảm chất lượng thì tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa”. |