Phụ huynh than nhiều truyện trong Tiếng Việt 1 không rõ tính giáo dục

Admin

10/10/2020 10:10

Nhiều phụ huynh than phiền sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 (thuộc bộ sách giáo khoa Cánh diều) sử dụng từ khó hiểu, ít thông dụng cùng các mẩu truyện không phù hợp với trẻ.

Mấy ngày nay, nghe nhiều người nói sách Tiếng Việt lớp 1 có nhiều từ khó hiểu, chị T.L. (Hà Nội) tranh thủ đọc hết sách của con trai.

Kết quả, bà mẹ trẻ phải lên mạng tra nghĩa không ít từ. Chị cũng cảm thấy khó hiểu trước một số câu chuyện được đưa vào sách.

Nhiều từ làm khó cả người lớn

Chị L. cho biết ngay khi đọc đến bài 10, chị đã phải tra cứu xem lồ ô là cây nào. “Tôi hiểu là với bài học chữ ‘l’, ví dụ cần đến chữ này. Nhưng rõ ràng, tác giả có thể thay bằng cây phổ biến hơn như lan hoặc từ nào đó có chữ ‘l’, không nhất thiết dùng từ mà đến nhiều người lớn cũng chưa nghe bao giờ”, phụ huynh nêu quan điểm.

Đây không phải từ khó hiểu duy nhất trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 bộ Cánh Diều.

“Gà nhép”, “gà nhí”, “nhá” (nhá dưa, nhá cỏ) đều không thông dụng. Chị L. lo lắng nếu con đột nhiên hỏi, chị không biết giải thích nghĩa ra sao.

Trong khi đó, chị cho rằng những từ trên hoàn toàn có thể thay thế bằng từ phổ biến hơn như “gà con”, “gặm cỏ”.

Sach Tieng Viet dung tu kho hieu anh 1

Từ "chăm múa" được cho rằng khó hiểu. Ảnh: Sách Cánh diều.

Bài tập đọc ở bài 29 cũng khiến phụ huynh này khó chịu với câu “Ở nhà trẻ, Chi nhớ mẹ. Chị Trà dỗ: “Bé nhè thì cô chê đó”.

Đương nhiên, đặt vào ngữ cảnh đó, người lớn đều hiểu “nhè” là gì. Nhưng nếu có thêm từ “khóc”, câu từ sẽ đơn giản hơn nhiều với trẻ nhỏ.

Tương tự, ở bài 11, câu “Bờ đê có cả bê. Bê be be” cũng có thể thêm từ “kêu”. Có thể, trẻ chưa học đến chữ đó nhưng theo chị L., tác giả không nên cứng nhắc như vậy.

“Thở hí hóp” cũng là từ làm khó cả chị L. Phụ huynh cho biết từ này được dùng trong hai bài đọc: “Vì cố quá, lừa ngã ra bờ cỏ, thở hí hóp” (tập đọc bài 47) và “Rô con vọt lên bờ. Chả ngờ, bờ hồ khô cạn. Nó nằm thở hí hóp" (tập đọc bài 68).

Từ “tợp” cũng khiến chị L. bối rối, phải tra mạng, phòng khi con trai hỏi còn biết để giải thích.

Dù bực mình nhưng khi nhìn đến hình ảnh miếng dưa hấu được ghi là “dưa đỏ”, chị cũng bật cười về “sự ngô nghê” của người viết sách. Rõ ràng, với bài học về vần “ưa”, họ hoàn toàn nên dùng từ “dưa hấu” - từ mà người Việt vẫn sử dụng để nói về loại dưa này.

“Tôi đưa hình cho con trai xem, bảo con người ta gọi nó là “dưa đỏ”. Thằng bé hỏi lại thế dưa lưới là dưa vàng, dưa bở là dưa xanh hay sao? Tôi không biết nên cười hay mếu nữa”, chị L. kể.

Chị nói thêm một số từ cũng nằm ngoài khả năng nắm bắt của trẻ như “cố đô”, “đồ cổ” dù nó phổ biến với người lớn.

Dành khoảng 2 tiếng đọc hết cuốn Tiếng Việt lớp 1 để xem có gì mà mọi người chê nhiều như vậy, chị T.L. cho rằng sách có nhiều từ không nên đưa vào. Theo bà mẹ này, việc dạy chữ cho trẻ nên thông qua từ đơn giản, thông dụng để trẻ dễ nhớ.

Trong khi đó, chị T.H. (Hà Nội) lại khó chịu với việc dùng từ không thống nhất, dùng lẫn cả “mẹ” và “má”. Ngoài ra, chị cũng không hài lòng khi nhiều câu ở phần tập đọc không có đủ chủ ngữ, vị ngữ.

Truyện dạy trẻ gian lận, khôn lỏi?

Tuy nhiên, điều khiến chị T.H. bực bội nhất với sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều là những câu chuyện vô bổ, thiếu tính giáo dục.

Ví dụ, ở bài tập đọc Ve và gà, ve vì không làm việc mà không có gì cho mùa đông. Khi ve xin gà, gà dặn ve chăm múa chăm làm. Chị H. không hiểu “chăm múa” liên quan gì đến thức ăn cho mùa đông.

Sự vô lý này cũng xuất hiện trong bài đọc về việc bé Hà nói với bà bé bị ho. Thay vì quan tâm Hà, bà bảo để bế bé Lê đã. Sau đó, ba về và bế cả hai chị em.

“Dù truyện chỉ nhằm mục đích cho học sinh tập đọc, nó cũng nên hợp lý”, chị H. nhấn mạnh.

Cũng nhân vật Hà và bà, trong một bài tập đọc khác, thấy cháu chăm chỉ, bà nói “Hà của bà ngộ quá”. Chị H. băn khoăn tại sao tác giả không dùng từ “chăm chỉ”, “chăm”, “giỏi” khi nhân vật bà nói với Hà mà lại dùng từ “ngộ” không ăn nhập gì với ngữ cảnh.

Nhưng nếu những mẩu tập đọc kia chỉ làm chị H. khó chịu, những truyện được đánh giá rất dở khác lại khiến chị bức xúc và lo lắng.

Phụ huynh này chỉ trích sách đang dạy trẻ thái độ không biết xin lỗi, lười biếng, khôn lỏi và gian lận.

Ở nhà, chị luôn dạy con biết cảm ơn, xin lỗi. Nhưng khi con trai lên lớp 1, thứ con sắp được học ở lớp là khi hổ nhờ thỏ bê đồ, thỏ lỡ xô đổ ghế, hổ la, thỏ chỉ nói “tớ lỡ tí ti” mà.

“Tớ lỡ mà” cũng là câu nói của Kiên khi xô bàn làm chữ của Hà xiên đi ở phần tập đọc bài 65.

Ở cả hai câu chuyện, khi phạm lỗi, hai nhân vật đều không xin lỗi. Chị H. cho rằng điều này thiếu tính giáo dục. Trẻ con nên biết xin lỗi kể cả với những lỗi trẻ vô ý gây ra.

Về lời chỉ trích sách dạy trẻ gian lận, chị H. giải thích bằng câu chuyện Hà nhắc Sơn trong giờ kiểm tra ở bài 71.

Trong khi đó, phần 1 của truyện Hai con ngựa ở bài 88 lại tiêm nhiễm vào trẻ thói lười biếng.

Cụ thể, ở bài 53, khi thấy quạ ngậm khối mỡ, chó lừa quạ hát. Quạ tin, há mỏ nên khối mỡ rơi xuống rồi chó “tợp mỡ tha đi”.Nhưng theo người này, nguy hiểm hơn cả là những câu chuyện về thói tinh vi, khôn vặt.

Phần 1 của truyện Cua, cò và đàn cá, cò cũng lừa đưa cá đến xóm bên rồi ăn sạch đàn cá.

Trong truyện Lừa, thỏ và cọp, thỏ cũng tinh ranh lừa gạt, buộc chân cọp để lừa tha cọp về nhằm chứng minh trí khôn của lừa với ông chủ.

“Tôi không hiểu tác giả đưa những câu chuyện trên vào làm gì. Chẳng lẽ, học sinh lớp 1 chỉ cần học chữ, bất chấp việc những chuyện đó ảnh hưởng ra sao tới tâm trí trẻ”, chị H. đặt câu hỏi, đồng thời khẳng định hành vi của nhân vật chó, cò hay thỏ không đại diện cho trí khôn mà là biểu hiện của thói khôn lỏi.