Quảng Nam: Điểm danh đơn vị, địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp

16/12/2023 12:31

Trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, một số chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy định đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu khiến dự án chậm…

Vốn đầu tư công giải ngân chưa đạt yêu cầu

Ngày 16/12, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã có báo cáo tình hình thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư công kỳ tháng 12.

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh tại Báo cáo số 676/BC-KBQN ngày 5/12, tính đến hết ngày 30/11, vốn đầu công năm 2023, không bao gồm các dự án do trung ương quản lý, giải ngân 5.529,72 tỷ đồng, đạt 55,2% so tổng vốn đầu tư công năm 2023 sau điều chỉnh.

Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân 4.613,25 tỷ đồng, đạt 53,9%; kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân 916,47 tỷ đồng, đạt 62,1%.

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân 4.613,25 tỷ đồng, đạt 53,9% so với kế hoạch vốn sau điều chỉnh, đạt 59,3% so với kế hoạch vốn UBND tỉnh giao từ đầu năm, đạt 66,4% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn so với cùng kỳ 30/11/2022.

Kinh tế vĩ mô - Quảng Nam: Điểm danh đơn vị, địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. 

Đồng thời, theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh và báo cáo của các đơn vị, địa phương, tính đến hết ngày 30/11, có nhiều đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 60%.

15 Sở, Ban, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 60% gồm Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công ty TNHH MTV Khai thác Thuỷ lợi Quảng Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh.

Bên cạnh đó, 11/18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60%, gồm: Hội An, Điện Bàn, Quế Sơn, Núi Thành, Tiên Phước, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Trà My, Tây Giang, Phú Ninh, Nông Sơn.

Nhìn thẳng vào nguyên nhân

Ông Quang nhìn nhận, kết quả giải ngân 11 tháng năm 2023 của tỉnh Quảng Nam chưa đạt yêu cầu so với Kế hoạch số 1118/KH-UBND ngày 3/3 của UBND tỉnh về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Giai đoạn này trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thường xảy ra các đợt mưa dông, bão lũ nên tiến độ thi công các dự án liên quan đến hồ chứa nước và kè bị gián đoạn kéo dài.

Nguồn vốn phân bổ vào đầu năm 2023 lớn và bằng với tổng mức đầu tư dự án. Trong khi đó, các dự án có quy mô lớn (3/5 dự án là nhóm B) và triển khai trên địa bàn rộng, nhiều công trình ở vùng sâu, vùng xa và đa số các hạng mục công việc phải đấu thầu qua mạng nên mất nhiều thời gian.

Kinh tế vĩ mô - Quảng Nam: Điểm danh đơn vị, địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp (Hình 2).

Công trình đường ĐH5, huyện Phú Ninh quá hạn vẫn nham nhở, chưa thi công xong.

Một số dự án không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập dự án, thiết kế nên phải điều chỉnh, bổ sung dự án, thiết kế cho phù hợp với thực tế.

Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giải ngân chậm do: vướng bồi thường giải phóng mặt bằng nên việc thi công chậm, chưa có khối lượng để giải ngân; việc gia hạn hiệp định vay đến nay vẫn chưa hoàn thành, nên chưa đủ cơ sở để giải ngân mặc dù đã có khối lượng nghiệm thu hoàn thành.  

Khan hiếm nguồn nguyên vật liệu đất đắp, cát xây dựng và biến động đơn giá xăng, sắt, thép đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Trong quá trình xây dựng giá nguyên vật liệu một số địa phương lập đơn giá chưa đảm bảo sát với thực tế dẫn đến khó khăn cho các đơn vị thi công và thi công cầm chừng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân chung.

Trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu một số chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy định đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu, dẫn đến các đơn vị dự thầu kiến nghị trong quá trình đấu thầu và qua nhiều cấp (chủ đầu tư và cấp thẩm quyền).

Việc giải quyết kiến nghị phải thực hiện đúng quy trình mất nhiều thời gian và một số dự án phải thực hiện hủy thầu để tổ chức đấu thầu lại làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thi công xây dựng công trình làm chậm quá trình giải ngân chung của dự án.

Bạn đang đọc bài viết "Quảng Nam: Điểm danh đơn vị, địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.