Quảng Ninh đặt mục tiêu khôi phục nuôi trồng thuỷ sản trong năm 2025

Admin

24/01/2025 05:30

Sau bão số 3, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề, với nhiều khu vực gần như mất trắng. Tuy nhiên, năm 2025, Quảng Ninh tham vọng khôi phục mạnh mẽ hoạt động nuôi trồng thủy sản của địa phương.

Kiên cường phục hồi sau thiên tai

Là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 (Yagi), vì vậy, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã hứng chịu thiệt hại to lớn, ước tính thiệt hại lên tới 10.000 tỷ đồng. Trong đó, một số ngành đặc thù như nuôi trồng thủy sản (NTTS) gần như bị mất trắng "cả chì lẫn chài" khi có khoảng 3.108 cơ sở NTTS bị thiệt hại, 150 tàu cá bị chìm.

Quảng Ninh đặt mục tiêu khôi phục nuôi trồng thuỷ sản trong năm 2025- Ảnh 1.

Lồng bè bị sóng đánh tan nát, trôi dạt trên biển sau bão số 3.

Anh Đỗ Anh Tuấn, một hộ nuôi hàu có thâm niên tại huyện đảo Vân Đồn, Quảng Ninh với hàng chục ha hàu thương phẩm cùng toàn bộ hệ thống nuôi thả đều mất trắng trong cơn bão số 3.

Theo chủ cơ sở, con số thiệt hại ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng, đây là toàn bộ vốn liếng mà gia đình tích cóp được sau nhiều năm vất vả lênh đênh trên biển.

"Cơn bão số 3 khiến đứt, trôi hết toàn bộ các dây néo hàu, chẳng còn gì, thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng. Tuy vậy, gắn bó rồi nên giờ chuyện cũ gạt sang bên làm lại, hiện tại, chúng tôi đã và đang tiến hành mua con giống, đầu tư bè, dây phao... để thả lại với diện tích khoảng 40% so với trước bão. Con hàu từ lúc nuôi tới lúc thu hoạch khoảng 2 tháng, dự kiến phải mất khoảng 10 tháng nữa mới bắt đầu cho thu hoạch trở lại", anh Đỗ Anh Tuấn cho biết.

Tương tự tình cảnh thiệt hại, anh Nguyễn Văn Phú (sinh năm 1998, thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn) là chủ cơ sở nuôi cá lồng bè cũng bị mất trắng hoàn toàn sau bão số 3. Hiện, cơ sở của anh đang từng bước khôi phục sản xuất.

"Nhà tôi nuôi cá lòng khoảng 20 năm. Lồng bè nuôi cách bờ khoảng 6 hải lý, sau bão mất trắng, tổng tài sản ước tính khoảng trên 15 tỷ đồng. Hiện tại vay mượn mới khôi phục được khoảng 30% lồng bè và thả được khoảng 10% con giống. Giá trị đầu tư ước tính khoảng 3 tỷ đồng. Mình còn trẻ nên làm lại được, đây xem như bài học kinh nghiệm", anh Tuấn lạc quan cho biết. 

Quảng Ninh đặt mục tiêu khôi phục nuôi trồng thuỷ sản trong năm 2025- Ảnh 2.

Cơ sở lồng bè của anh Nguyễn Văn Phú thời điểm trước cơn bão.

Cũng theo 2 chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, ở lần xây dựng lại này họ được các cơ quan chức năng hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục và quy trình tiến hành nuôi trồng một cách bài bản và có chiến lược hơn. Cụ thể như: hướng dẫn thủ tục, tiến hành bàn giao mặt nước, khuyến khích thành lập tổ chức kinh tế, tham gia mô hình hợp tác xã...

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, do thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3, nên tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản cả năm ước đạt 0,08%, tuy chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (4,56%), nhưng đã cao hơn so với mục tiêu của kịch bản tăng trưởng điều chỉnh là 0,04%. 

Tính chung giai đoạn 2021-2024, tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3,8%/năm, đạt mục tiêu phấn đấu đề ra (3,2%/năm).

Tham vọng hồi phục năm 2025 

Bước sang năm 2025, nông nghiệp Quảng Ninh đặt chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành đạt 3%. Riêng sản lượng khai thác thủy sản 77.000 tấn và sản lượng NTTS mục tiêu 98.000 tấn. 

Ông Đào Văn Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết, địa phương đang tích cực đẩy mạnh việc phục hồi, tái thiết sản xuất và chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại vùng NTTS theo đề án và diện tích đã được quy hoạch. Tiến hành tạm giao vị trí, diện tích mặt nước trên cơ sở hiện trạng các hộ đã nuôi cho người dân. 

Tới nay, đã thực hiện giao khu vực biển cho 5 hộ gia đình NTTS diện tích dưới 1ha trong vùng 3 hải lý thuộc thẩm quyền của cấp huyện, với tổng diện tích 2,6ha. 

Thực hiện xác nhận khu vực biển để khôi phục sản xuất cho 85 HTX, với tổng số 1.208 thành viên, tổng diện tích tạm giao khoảng 8.589ha. Đồng thời, đã thả phao nuôi hàu được khoảng 3.791ha, xuống giống mới được 2.116ha. Đối với nuôi cá, đã khôi phục với số lượng 3.750 ô lồng. 

Quảng Ninh đặt mục tiêu khôi phục nuôi trồng thuỷ sản trong năm 2025- Ảnh 3.

Người dân thả phao nuôi hàu trên biển.

Theo Sở NN&PTNT Quảng Ninh, hiện các địa phương đã ban hành 326 quyết định giao mặt nước biển trong thẩm quyền cho hộ NTTS, với tổng diện tích 196,4ha. 

Đến thời điểm này hầu hết các địa phương đã hoàn thành phê duyệt đề án, phương án chi tiết NTTS, hoạt động tổ chức sản xuất nuôi biển được nâng lên rõ rệt khi đã có 1.339 cơ sở, với hơn 150 tổ chức kinh tế, trong đó có 60 HTX thành lập mới. 

Bên cạnh đó, các linh vực kinh tế nông nghiệp khác cũng có bước phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, quy mô sản xuất hàng hóa lớn và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Sức sống mới cho ngành nuôi thủy sản ven sông Hồng sau cơn bão lũNâng cao giá trị và chiến lược phát triển bền vững ngành thủy sản

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để đảm bảo các chỉ tiêu thực hiện trong năm 2025, sở đã xây dựng kế hoạch phát triển chi tiết để triển khai thực hiện. 

Trong đó, sẽ chú trọng tập trung việc đẩy mạnh cơ cấu lại, nhanh chóng phục hồi sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp sau bão số 3 và thực hiện việc phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. 

Đồng thời, tập trung triển khai quy hoạch và thực hiện các cơ chế, chính sách, đề án, dự án trong phát triển sản xuất phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển chuỗi nông sản chủ lực cấp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, các hoạt động chế biến nông sản, sản phẩm OCOP, cơ giới hóa nông nghiệp và phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hướng tới phát triển nông nghiệp Quảng Ninh ngày càng phát triển mạnh mẽ, bền vững.