Bộ phận điều tra của hãng tin Al Jazeera đã tiếp cận hơn 1.400 đơn đăng ký cho Chương trình Đầu tư Cyprus (CIP), Al Jazeera cho biết ngày 23/8. Số hồ sơ rò rỉ này được gọi là “Cyprus Papers”.
CIP là chương trình cho phép mua hộ chiếu Cyprus, quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), bằng cách đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (2,5 triệu USD) vào quốc gia này.
Người sở hữu hộ chiếu Cyprus có thể đi lại tự do đến 174 quốc gia. Do đó, chương trình đầu tư này trở nên phổ biến với người dân từ các quốc gia không được hưởng chương trình đi lại không cần thị thực.
Trong những ngày tới, Al Jazeera sẽ tiết lộ danh tính của hàng chục người đã nhập quốc tịch Cyprus và những người lẽ ra không được nhập quốc tịch Cyprus theo quy định hiện tại của nước này.Cyprus Papers là số hồ sơ được nộp trong giai đoạn 2017-2019. Một số hồ sơ còn bao gồm thành viên trong gia đình, nâng tổng số người được cấp hộ chiếu châu Âu lên gần 2.500.
Chương trình đầu tư gây tranh cãi
Chương trình CIP cho phép người dân khắp thế giới mua quyền công dân của Cyprus, hay nói rộng ra là công dân của EU, với quyền sinh sống, đi lại và làm việc tại 27 quốc gia thành viên EU.
Việc nhập quốc tịch mới không có gì là bất hợp pháp và một số quốc gia, bao gồm cả các đảo Caribbean, cung cấp dịch vụ này.
Vấn đề của việc biến quyền công dân thành thứ có thể mua bán nằm ở nguy cơ mọi người sẽ lạm dụng quyền công dân mới để trốn tránh trách nhiệm ở quê nhà.
Bộ phận điều tra của Al Jazeera xác định có một số người lấy được hộ chiếu Cyprus ngay trước khi bị cáo buộc phạm tội. Một số người khác lấy được quốc tịch Cyprus khi đang sống lưu vong và bị buộc tội vắng mặt.
Với nhiều doanh nhân và những người giàu trong Cyprus Papers, 2,5 triệu USD để mua hộ chiếu Cyprus chỉ là phần nhỏ trong tổng tài sản của họ.
Trong số 2.500 cái tên xuất hiện trong các tài liệu bị rò rỉ, có hàng chục cá nhân mà các nhà vận động chống tham nhũng cho rằng lẽ ra không được cấp quốc tịch Cyprus, hoặc có thể bị tước quyền công dân Cyprus vì hoạt động tội phạm sau khi được cấp hộ chiếu.
Từ khi CIP bắt đầu vào năm 2013, người nộp đơn phải chứng minh rằng họ có lý lịch tư pháp trong sạch, mặc dù người nộp đơn phải tự xác minh điều này.
Để đáp lại những lời chỉ trích, chính phủ Cyprus đã thông báo những thay đổi trong quy tắc của chương trình vào tháng 2/2019.
Các ứng viên bị cấm nhập quốc tịch Cyprus nếu họ từng bị điều tra, đối mặt với các cáo buộc hình sự hoặc có tiền án. Các cá nhân bị EU hoặc các quốc gia như Mỹ, Nga hoặc Ukraine, cũng như những người làm việc cho một tổ chức bị trừng phạt, cũng không được cấp hộ chiếu Cyprus.
Bên cạnh đó, các quan chức chính phủ được bầu hoặc bổ nhiệm - thường được gọi là những cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEP) - cũng không được nhập quốc tịch. Tuy nhiên, những quy tắc này không có tính chất hồi tố nên những người đã mua quốc tịch trước đó vẫn được giữ lại hộ chiếu.
Các chuyên gia về tham nhũng cho rằng các PEP - ngay cả khi không bị cáo buộc về bất kỳ hành vi sai trái nào - có rủi ro tham nhũng cao do họ có quyền tiếp cận các quỹ công và tham gia quá trình ra quyết định trong việc giải ngân các khoản tiền đó.
Mở đường cho tội phạm tham nhũng vào châu Âu
Theo Al Jazeera, các cá nhân nộp đơn xin quốc tịch Cyprus đến từ khắp nơi trên thế giới với tổng số hơn 70 quốc gia. Các quốc gia có số lượng người nộp đơn cao nhất là Nga (1.000 người), Trung Quốc (500 người) và Ukraine (100 người). Tuy nhiên, cũng có những người đến từ Anh, Mỹ, Mali, Morocco, Israel, Palestine, Nam Phi, Hàn Quốc và Saudi Arabia.
Al Jazeera cũng cho biết có một số doanh nhân Việt Nam nổi tiếng nằm trong danh sách những người mua hộ chiếu Cyprus.
Chương trình cấp hộ chiếu của chính phủ Cyprus gây nhiều nghi vấn vì Cyprus bị phát hiện đã cấp quyền công dân châu Âu cho tội phạm, những người đang bị điều tra tội phạm và những người được coi là có nguy cơ tham nhũng cao - trên quy mô mà các những người chỉ trích nói là có hệ thống.
Cyprus là thành viên của Liên minh châu Âu, vì vậy, người sở hữu hộ chiếu nước này có quyền sinh sống, đi lại và làm việc tại 27 quốc gia thành viên EU. Ảnh: Reuters. |
Ủy ban châu Âu, cũng như các tổ chức chống tham nhũng như Global Witness và Transparency International, đã chỉ trích CIP và muốn loại bỏ dần chương trình này.
Họ cho rằng chương trình này đã tạo điều kiện cho việc tẩu tán tài sản từ Nga và hơn thế nữa. Họ cũng nói CIP và đã làm xói mòn lòng tin vào các tổ chức tài chính ở EU.
Đáp lại, chính phủ Cyprus cho biết họ đã thắt chặt các quy tắc của mình và mỗi đơn đăng ký được nộp theo chương trình CIP đều phù hợp với các quy định tại thời điểm đó.
Cyprus cũng tuyên bố sẽ tước quyền công dân của một số người nhập tịch Cyprus nếu họ phạm tội nghiêm trọng.
Vào tháng 7, Cyprus đã thông qua một điều luật để thực hiện điều này.