Quyền Bộ trưởng Y tế: 'Tập trung chống dịch bạch hầu như Covid-19'

Admin

08/07/2020 05:34

Ông Long cho biết số mắc đã gấp 3 lần năm ngoái, bạch hầu có khả năng lan rộng do tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở những vùng có dịch rất thấp.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bạch hầu, cuối giờ chiều 7/7, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn.

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tình hình bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng và có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đây.

Theo GS Long, diện mắc bạch hầu năm nay rộng hơn, nhiều địa bàn mắc, đối tượng nhiễm rải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em, đặc biệt, tỷ lệ tử vong do bệnh này đến thời điểm hiện nay khá cao (3 ca).

Ca mac Covid-19 moi tai Viet Nam anh 1

GS.TS Nguyễn Thanh Long - quyền Bộ trưởng Y tế - phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: T.B.

Tuy nhiên, bạch hầu có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện, bạch hầu nhạy cảm với kháng sinh điều trị thông thường. Do đó, GS Long yêu cầu các cơ quan tâp trung nỗ lực khống chế, kiểm soát bệnh này.

"Cần tập trung hết sức phòng chống bệnh bạch hầu như từng cố gắng phòng chống dịch Covid-19", ông Long nhấn mạnh.

GS Nguyễn Thanh Long giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng, cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên.

“Đây là việc cấp bách” - quyền Bộ trưởng nhấn mạnh. Với trẻ em từ 2-4 tháng tuổi, tiêm rộng rãi vaccine phòng bệnh và tiêm nhắc lại vaccine 3 trong 1 đối với trẻ từ 18 -24 tháng, sau đó tiếp tục tiêm cho đến 5- 7 tuổi. Người lớn tiêm vaccine Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu).

Ông Long cho hay Việt Nam đảm bảo được vaccine phòng bạch hầu, tuy nhiên, hiện nay cần tiêm cho người dân ở vùng có dịch trước (4 tỉnh Tây Nguyên), sau đó tính tới các tỉnh có nguy cơ.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay từ đầu năm tới chiều 7/7, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 63 ca dương tính với bạch hầu (tăng 10 ca so với ngày 6/7). Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên.

Tỉnh Đắk Nông có thêm 4 ca bệnh, nâng tổng số ca mắc ở đây lên 25 người; tỉnh Gia Lai có thêm 5 ca, tổng ở đây có 15 ca; riêng tỉnh Kon Tum vẫn giữ nguyên số ca mắc là 22.

“Đa số trường hợp mắc bệnh không được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ khoảng 6%”, ông Tấn nói.

Riêng về trường hợp tử vong, ông Tấn cho hay cả 3 trẻ đều ở vùng sâu, vùng xa, là ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại các địa bàn đó do phát hiện muộn (có tới 16 năm tại đây không hề có ca bệnh).