Rõ dần hình hài cao tốc Bắc - Nam

Admin

01/10/2020 12:04

TTO - Nếu cả ba dự án đầu tư công này hoàn thành theo kế hoạch vào tháng 12-2022, Việt Nam sẽ có thêm 260km đường cao tốc được đưa vào khai thác.

Rõ dần hình hài cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.
 

Hôm nay (30-9), Bộ GTVT khởi công đồng loạt ba dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm: Mai Sơn - quốc lộ 45 (Ninh Bình - Thanh Hóa), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận), Phan Thiết - Dầu Giây (Bình Thuận - Đồng Nai).

Nếu cả ba dự án đầu tư công này hoàn thành theo kế hoạch vào tháng 12-2022, Việt Nam sẽ có thêm 260km đường cao tốc được đưa vào khai thác. Trong đó có 200km nối từ Bình Thuận đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Nối dài một dải đường cao tốc

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông có điểm đầu tại Hà Nội, điểm cuối tại Cần Thơ. Đến nay, đoạn cao tốc dài 80km có 4 đến 6 làn xe từ Hà Nội đến Ninh Bình đã đưa vào khai thác.

Đoạn tiếp theo là Cao Bồ - Mai Sơn dài 15km đi qua địa phận Nam Định và Ninh Bình đang được thi công và dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Hôm nay, các đoạn cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 63,4km từ Ninh Bình đến Thanh Hóa tiếp tục được khởi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.

Ở chiều ngược lại, đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn đã hoàn thành và đưa vào khai thác 167km (4 làn xe) từ Hà Nội đến Chi Lăng (Lạng Sơn). Phần còn lại 43km từ Chi Lăng đến cửa khẩu Hữu Nghị chưa đầu tư.

Ngoài ra, cũng trong hôm nay, hai dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía đông cũng được khởi công xây dựng là đoạn Vĩnh Hảo (Bình Thuận) - Phan Thiết (Bình Thuận) dài 100,8km và đoạn Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai) dài 99km.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2022 hai dự án này hoàn thành sẽ có 200km nối thông tuyến từ Bình Thuận đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay nhằm kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Ngoài các dự án trên, hiện còn 5 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía đông đang đấu thầu nhà đầu tư thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Và nếu cuối năm 2020 chọn được nhà đầu tư thực hiện các dự án này thì trong năm 2023, Việt Nam sẽ có tất cả 654,3km đường cao tốc của toàn bộ 11 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía đông kéo dài từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh và từ Nha Trang đến TP.HCM được đưa vào khai thác.

Riêng chiều cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ, ngoài đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã hoàn thành, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2 đang thi công.

Dự kiến cuối năm 2020 Bộ GTVT sẽ khởi công đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Theo kế hoạch, các đoạn cao tốc trên và cầu Mỹ Thuận 2 cùng đưa vào khai thác sẽ nối thông toàn bộ đường cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ.

Rõ dần hình hài cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 2.

Hai dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây khởi công hôm nay khi hoàn thành (cuối năm 2022) sẽ nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (ảnh) - Ảnh: QUAN G ĐỊNH

Nâng vận tốc lưu thông Nam - Bắc

Theo ông Lê Kim Thành - vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP), Bộ GTVT, những năm qua năng lực lưu thông của quốc lộ 1 được cải thiện khi mở rộng lên 4 làn xe.

Nhưng có hơn 800km quốc lộ 1 đi qua khu vực đông dân cư nên làm giảm năng lực lưu thông khi tốc độ trung bình chỉ đạt 40-60km/h. Bên cạnh đó, quốc lộ 1 có làn hỗn hợp cho xe máy, xe thô sơ đi lại nên gây hạn chế về lưu thông và an toàn giao thông.

"Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam hình thành sẽ giải quyết được toàn bộ những hạn chế của quốc lộ 1 hiện nay. Bởi vì đường cao tốc song hành với quốc lộ 1 từ Bắc vào Nam có tốc độ thiết kế từ 80km/h đến 120km/h và không có giao cắt cùng mức, không có dòng xe máy, xe thô sơ đi trộn lẫn ôtô nên năng lực lưu thông sẽ tăng lên.

Với sự khác biệt như vậy, đường cao tốc sẽ phát huy hiệu quả đầu tư, mang lại lợi ích rút ngắn thời gian đi lại, tăng năng lực lưu thông hàng hóa" - ông Thành phân tích.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng chỉ rõ sự thuận tiện của đường cao tốc khi so sánh: Nếu ôtô đi theo đường cao tốc tuyến Hà Nội - Quảng Ninh thì chỉ mất từ 1 giờ 45 phút đến 2 giờ sẽ tới được Hạ Long. Trong khi đó cũng ôtô nếu đi theo quốc lộ 5 (đúng tốc độ) thì phải mất từ 4 giờ 30 phút đến 5 giờ mới có thể đi từ Hà Nội tới Hạ Long.

"Việc ôtô chạy thông suốt, không có giao cắt cùng mức với đường khác, không có xe máy đi chung sẽ tăng tốc độ lưu thông. Đó là ưu thế của đường cao tốc nên được người dân chấp thuận trả phí để đi dù trong tương lai quốc lộ 1 sẽ miễn phí khi các dự án BOT đã hết thời gian thu phí" - ông Đông nói thêm.

Rõ dần hình hài cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 3.

Xe cộ chạy trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (cao tốc Bắc - Nam) đoạn qua huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC

Sẽ thu phí trên cao tốc Bắc - Nam

Ông Lê Kim Thành cho biết theo nghị quyết 52 của Quốc hội, các đường cao tốc đầu tư theo hình thức PPP sẽ thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư theo mức phí và lộ trình đã được xác định trong nghị quyết.

Còn các dự án đường cao tốc đầu tư bằng 100% vốn ngân sách, Quốc hội và Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Tài chính xây dựng đề án thu phí hoàn vốn cho Nhà nước.

Do đó hiện tại Bộ GTVT đang xây dựng đề án để trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nhằm bổ sung vào danh mục thu phí sử dụng đường bộ dự án đường cao tốc đầu tư bằng vốn nhà nước. "Mục tiêu đầu tiên là thu phí các dự án đường cao tốc đầu tư bằng vốn nhà nước và có sự lựa chọn cho người dân" - ông Thành lý giải.

Lý giải cho việc đề xuất thu phí đường cao tốc được đầu tư bằng vốn ngân sách để có tiền bảo trì, tái đầu tư đường khác, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: "Việc thu phí trên đường cao tốc sẽ có nguồn lực tốt để đầu tư tiếp các tuyến đường khác cùng với ngân sách nhà nước.

Nếu không làm thì bước đi của ta sẽ chậm hơn vì vẫn còn khó khăn trong huy động nguồn lực. Chúng tôi muốn phân loại những đường cao tốc đi tốt hơn thì phải trả phí và mong các luật khác đồng bộ về hành lang pháp lý".

Ông Đông nêu ví dụ: Hiện nay nước Anh cũng thu phí đường bộ qua xăng dầu để cân đối ngân sách. Riêng tại Mỹ, một số bang đã bỏ dần thu phí đường cao tốc nhưng một số bang vẫn thu. Còn tại Nhật vẫn tiến hành thu phí đường cao tốc để lấy nguồn lực đầu tư vào những con đường khác.

Do đó, theo ông Đông, việc thu phí các đường cao tốc đầu tư bằng vốn nhà nước sẽ được xây dựng dựa theo Luật quản lý tài sản công với các hình thức nhượng quyền thu phí cũng như dựa trên các văn bản pháp luật liên quan để có hành lang pháp lý thực hiện.

Trong Luật giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT cũng đề xuất đường cao tốc đầu tư công vẫn thu phí nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc thu phí đường cao tốc đầu tư công.

Liệu việc thu phí bảo trì đường bộ theo đầu xe rồi nhưng khi đi trên đường cao tốc (do Nhà nước đầu tư) vẫn phải nộp phí, vậy có việc phí chồng phí không?

Trả lời vấn đề này, ông Đông cho rằng: Phí đóng theo đầu ôtô hằng tháng cho quỹ bảo trì đường bộ là để bảo trì hệ thống, mạng lưới đường huyện, tỉnh, quốc lộ (trừ đường đầu tư BOT).

"Còn đi đường cao tốc nhanh hơn, an toàn hơn thì phải trả phí để thu hồi vốn cho nhà đầu tư. Chúng tôi cho rằng không có việc phí chồng phí" - ông Đông nói.

* PGS.TS Nguyễn Quang Toản (nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ, Đại học GTVT):

Còn 1% mặt bằng cũng gây hệ lụy lớn

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được 93% cũng chưa nói lên được nhiều điều. Bởi nếu còn 1-2% mặt bằng chưa giải tỏa xong mà tạo hình thế "xôi - đỗ" đan xen cũng khó đưa máy móc vào thi công.

Với những hệ thống điện nước, xăng dầu, nếu các cơ quan liên quan không quyết liệt thì việc di dời sẽ rất lâu. Do vậy, ngoài địa phương, Bộ GTVT, Chính phủ cần vào cuộc thúc các bộ chủ quản của mấy anh điện, đường ống, cáp viễn thông di dời. Nếu đến thời hạn không di dời phải cưỡng chế.

Cần có quy định ban quản lý dự án của Bộ GTVT phải ký hợp đồng với chủ đầu tư tiểu dự án GPMB là địa phương về việc GPMB.

Trong đó nêu rõ thời hạn đó nếu không giải phóng được, phát sinh chi phí bao nhiêu thì địa phương phải chịu, phải đền tiền thiệt hại vì chậm giao mặt bằng cho nhà thầu. Những việc này phải lường hết và đưa vào hợp đồng, cam kết hẳn hoi thì thực hiện mới dễ.

* Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):

Nên triển khai nhanh nhất có thể

Chủ trương xây dựng các tuyến cao tốc xuyên suốt khắp mọi miền đất nước sẽ góp phần hiệu quả trong giảm thiệt hại tiền bạc, thời gian, kéo giảm tai nạn giao thông.

Việc xây dựng cao tốc phải dựa trên những tiêu chí nhất định, đảm bảo hoàn thành nhanh chóng, chất lượng. Các bộ ngành nghiên cứu, xây dựng cao tốc cần căn cứ trên các dự báo về nhu cầu đi lại trong 20 năm..., thậm chí hàng trăm năm.

Khi các tuyến cao tốc trên được đưa vào hoạt động sớm thì cả người dân và doanh nghiệp vận tải được hưởng lợi rất nhiều. Theo đó, doanh nghiệp vận tải có nhu cầu đi qua cao tốc sẵn sàng chi trả thêm chi phí, đóng góp các quỹ để được đi lại tiện lợi hơn.

trung luong my thuan 2 1(read-only)

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được gấp rút thi công, dự kiến Tết Nguyên đán năm nay sẽ hoàn thành cơ bản - Ảnh: CHÍ QUỐC

* TS Chung Thành Tiến (chuyên gia kinh tế):

Cao tốc càng nhiều càng lợi kinh tế

Việc đầu tư các tuyến cao tốc trong bất kỳ giai đoạn nào đều là cần thiết và cần làm thật sớm tránh đi nhiều thiệt hại. Các tuyến cao tốc trên sẽ góp phần to lớn trong phát triển công nghiệp, thương nghiệp, đầu tư..., giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo tôi, sau khi đầu tư xong ở các tuyến cao tốc nói trên, Bộ GTVT nên xem xét để bổ sung và thúc đẩy tiến độ các tuyến cao tốc ở miền Tây. Bởi lợi thế và nhu cầu vận chuyển ở khu vực này rất lớn. Do vậy, phát triển đường bộ, cụ thể là thêm vài tuyến cao tốc là việc rất gấp gáp.

Để có thể làm được những điều này, các bộ ngành cũng phải tạo hành lang pháp lý cho việc giải ngân vốn trôi chảy, có phân công trách nhiệm triển khai, giám sát rõ ràng hơn.

Các bộ ngành như Bộ Công an, Bộ Tài chính cùng giám sát triển khai dự án sẽ tăng hiệu quả, đảm bảo chất lượng. Các vấn đề khó khăn trong quá trình làm cũng dễ dàng được giải quyết công khai, minh bạch.

THU DUNG ghi

Bạn đang đọc bài viết "Rõ dần hình hài cao tốc Bắc - Nam" tại chuyên mục ĐẦU TƯ.