Huyện Ứng Hòa được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đề xuất làm địa điểm quy hoạch sân bay thứ 2. |
Một vùng quê yên bình bỗng chốc xôn xao bởi thông tin Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất xây dựng sân bay thứ hai tại Hà Nội. Giới đầu cơ đã bắt đầu tìm về các thôn làng ở các xã thuộc huyện Ứng Hòa nhờ các môi giới bất động sản tại đây mua gom đất ruộng.
Giới đầu cơ rục rịch gom đất
Bài học vẫn còn nguyên vẹn khi vị trí quy hoạch chưa rõ, giới đầu cơ đẩy các khách hàng có lòng tham khác cũng “lao” vào cuộc gom đất ruộng, để rồi nếu mảnh đất đó nằm trong quy hoạch thì sẽ "trắng tay".
Sau khi có thông tin đề xuất quy hoạch xây dựng sân bay, phóng viên đã tìm về huyện Ứng Hoà. Mất khoảng gần 2 tiếng đồng hồ cho hơn 40 km vừa đi vừa hỏi đường cũng về được đến trung tâm huyện.
Liên hệ với một số số điện thoại của lãnh đạo huyện Ứng Hòa không được, phóng viên lân la bắt chuyện với những người dân sinh sống ngay sát trụ sở UBND huyện và tìm vào một số văn phòng môi giới bất động sản.
Khi được hỏi về quy hoạch sân bay, những người dân ở đây cho biết đã nắm được thông tin đăng tải trên mạng từ 5 - 6 ngày trước.
Anh Nguyễn Văn Chiến, trưởng bộ phận môi giới của một văn phòng bất động sản cho biết, sân bay dự kiến đề xuất tại 3 xã của huyện Ứng Hòa là Trầm Lộng, Đại Hùng và Đại Cường với diện tích 136 ha. Mấy ngày qua, một số nhà đầu tư nhỏ lẻ từ Hà Nội đã về đây nhờ các văn phòng môi giới săn lùng đất ruộng xung quanh khu vực 3 xã này. Giá đất ruộng khoảng 20 - 30 triệu đồng/sào, đất thổ cư 2 triệu đồng/m2.
Một môi giới bất động sản tại huyện Ứng Hoà cho hay, Đại Hùng là một trong những xã được chọn làm vị trí quy hoạch xây sân bay. |
Khi phóng viên nêu vấn đề người mua có lo ngại về lô đất sẽ bị vào quy hoạch của sân bay nếu được phê duyệt hay không? Anh Chiến cho hay, đa phần sẽ gom đất giáp ranh khu vực dự định quy hoạch sân bay. Trường hợp nếu gom phải đúng vị trí quy hoạch thì cũng sẽ được đền bù khá nhiều. Bởi hiện đất ruộng đang có giá 20 - 30 triệu đồng/sào (360 m2), trong khi giá đền bù đất nông nghiệp của Nhà nước đối với trồng lúa và nuôi trồng hàng năm là 135.000/m2 (tính ra mỗi sào được đền bù 48,6 triệu đồng/m2).
Anh Chiến khẳng định: "Giá đất hiện giờ chưa tăng nhiều. Những nhà đầu cơ đất không thể biết nhà nào, chỗ nào có đất để gom, mà phải nhờ môi giới ở địa phương. Những môi giới này lại nhờ chân rết sống tại 3 xã đó thì mới có giá mới hợp lý, chứ còn đi ô tô vào gom thì giá sẽ khác. Tôi cũng đang cho nhân viên liên hệ với người dân trong các xã để gom đất ruộng, đất thổ cư".
Còn một số người dân sống ngay cạnh UBND huyện cho hay, giá đất ruộng đang rục rịch nhích lên. Mới đây có một số khách hàng từ Hà Nội về thông qua người quen cũng nhờ người dân gom đất ruộng tại xã Đại Hùng, Đại Cường. Trước khi có thông tin đề xuất xây dựng sân bay, giá đất nông nghiệp chỉ 20 triệu đồng/sào, nay đã tăng lên 30 triệu đồng/sào.
Cẩn trọng đầu cơ đẩy giá đất
Liên quan đến hạ tầng cho sân bay, anh Chiến cho hay, nghe thông tin ngoài lề từ huyện thì sân bay sẽ tận dụng luôn con đường Cienco 5 sẵn có là con đường chính nối với trung tâm. Còn tới đây, Quốc lộ 21B xuyên qua trung tâm huyện cũng sẽ được mở rộng và khả năng sẽ nối với địa điểm dự kiến chọn làm sân bay.
“Nếu đề xuất xây dựng sân bay Ứng Hòa được phê duyệt thì tôi tin rằng ngay đất ở trung tâm huyện cũng tăng giá, không còn mức giá 30 triệu đồng/m2 đối với dự án đấu giá đất như hiện nay”, anh Chiến khẳng định.
Đường Cienco 5 đoạn đi qua huyện Ứng Hòa. |
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh về thị trường bất động sản tại vị trí đề xuất quy hoạch sân bay, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, tư vấn phát triển và thẩm định giá của CBRE Việt Nam (chi nhánh Hà Nội) cho rằng, quy hoạch sân bay là câu chuyện dài hạn, có thể 10 năm hoặc vài chục năm.
Vị trí đề xuất làm sân bay nằm trong khu vực gần như chưa hình thành thị trường mua bán bất động sản rõ rệt. Tuy nhiên, theo thời gian, thị trường bất động sản ở đó sẽ phát triển dần dần.
"Đầu tư bất động sản phải dài hạn, hiện khu vực này vẫn chỉ là đồng không mông quạnh và khu dân cư thưa thớt, chưa có gì phát triển thì các dự án quy mô hàng chục, hàng trăm héc ta sẽ phải mất nhiều năm để đầu tư xây dựng", bà An nói.
Theo bà An, khi muốn đầu tư ở khu vực nào thì nhà đầu tư phải chú ý đến vấn đề thanh khoản. Nếu đầu tư vào những khu vực không có thanh khoản cao, sản phẩm kén người mua, gặp thị trường tốt sẽ không sao, nhưng chẳng may thị trường khó khăn, khủng hoảng thì các nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu rủi ro.
Chưa kể các vấn đề liên quan đến pháp lý: không biết vị trí đất có có nằm trong quy hoạch hay không, thông tin có thể hiện thực hóa đến đâu, tài chính của nhà đầu tư có đủ vững hay không?...
“Do đó, các nhà đầu tư cần nắm rõ, chắc chắn trước khi quyết định đầu tư, "lướt sóng" có thể có rủi ro, thậm chí rơi vào giảm giá sâu, nhưng nếu chấp nhận thì cũng có thể có cơ hội tăng giá”, bà An nhấn mạnh.
Một số chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, bài học nhãn tiền "sốt đất" ở sân bay Long Thành (Đồng Nai), khu vực huyện Thạch Thất và Ba Vì (Hà Nội) hay TP Vũng Tàu mấy năm qua đã cho thấy nhiều nhà đầu tư bị mắc kẹt. Nếu không kiểm soát tốt, thị trường bất động sản tại Ứng Hòa cũng rất có khả năng rủi ro như vậy, khi giới đầu cơ "ăn theo" thông tin đề xuất xây dựng sân bay.
Phạm Minh