Sa sút vì Covid-19, May mặc Bình Dương vẫn tăng cổ tức gấp 10 lần

Admin

03/11/2020 10:47

Việc một công ty có doanh thu giảm 53%, lợi nhuận giảm 96%, bất ngờ thông báo tăng tỉ lệ chia cổ tức lên 50%, thay vì mức dự kiến ban đầu chỉ 5%, là điều bất thường.

Nghịch lý: Công ty sa sút, cổ đông hưởng lợi

Công ty CP May mặc Bình Dương (mã chứng khoán: BDG) vừa công bố Nghị quyết thông qua Đại hội đồng cổ đông trước khi lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, về việc thay đổi tỉ lệ chia cổ tức năm 2020.

Theo đó, Nghị quyết do Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) BDG – ông Nguyễn An Định – ký, có nội dung xin ý kiến cổ đông về việc tăng tỉ lệ chia cổ tức năm 2020 từ mức dự kiến 5%/vốn điều lệ lên mức 50%/vốn điều lệ.

Việc lấy ý kiến này sẽ được thực hiện trong tháng 11/2020 và nếu thành công thì trước mắt, mọi cổ đông của BDG sẽ được tạm ứng 40%/vốn điều lệ vào tháng 12/2020.

Một doanh nghiệp (DN) bất ngờ tăng tỉ lệ chia cổ tức lên gấp 10 lần là câu chuyện hi hữu trên thương trường, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, DN làm ăn bết bát, thì lại càng không bình thường.

Điều đáng nói, mới đây, May mặc Bình Dương công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 với những con số khá ảm đạm. Cụ thể, doanh thu thuần quý 3/2020 của BDG đạt 327,4 tỷ đồng, giảm 20,5% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên chi phí giá vốn giảm tới 24% nên lợi nhuận gộp có xu hướng “đi ngang”, xấp xỉ cùng kỳ năm trước, ở mức 61,3 tỷ đồng.

Tài chính - Ngân hàng - Sa sút vì Covid-19, May mặc Bình Dương vẫn tăng cổ tức gấp 10 lần

Trụ sở công ty May mặc Bình Dương 

Kết thúc quý 3/2020, BDG đạt lợi nhuận sau thuế 25,6 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ 2019. Nguyên nhân không phải do kinh doanh thuận lợi mà do “thắt lưng buộc bụng”. Cụ thể là, trong kỳ, DN điều chỉnh được chi phí quản lý DN giảm mạnh 60%, chi phí bán hàng giảm khoảng 40%.

Từ đầu năm đến nay, giống như nhiều DN may mặc nói riêng và DN nói chung, tình hình sản xuất kinh doanh của BDG cũng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, BDG ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 899 tỷ đồng và 78 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 10,7% so với cùng kỳ 2019.

Đáng lưu ý, trong khi (dự kiến) mạnh tay chi trả cổ tức tới 50%, thì bảng cân đối kế toán hợp nhất của BDG, được lập ngày 30/9/2020, lại “tố cáo” chất lượng tài sản không mấy lành mạnh của công ty này.

Cụ thể, vào thời điểm nói trên, tổng tài sản của DN có hơn 575 tỷ đồng, trong đó 485 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn. Tuy nhiên, chiếm phần lớn trong tài sản ngắn hạn lại là hàng tồn kho trị giá gần 172 tỷ đồng, tiếp đó 149 tỷ đồng là các khoản nợ ngắn hạn đang bị khách hàng chiếm dụng. (So với giá trị hàng tồn kho thời điểm 1/1/2020 là gần 178 tỷ đồng, có thể hiểu rằng 9 tháng nay tình trạng không bán được hàng của công ty hầu như không được cải thiện).

Với chất lượng tài sản như trên, công ty lại đang phải gánh khoản nợ 260 tỷ đồng, trong đó có tới 252 tỷ đồng là nợ ngắn hạn. Như vậy, dễ dàng nhìn ra vấn đề là công ty có thể rơi vào tình trạng mất cân đối dòng tiền bất cứ lúc nào, nếu như hàng tồn kho không bán được mà nợ ngắn hạn đến kỳ phải trả.

Nghị quyết đề cập việc tăng tỉ lệ chia cổ tức nói trên không thấy đề cập là cổ tức được chi trả bằng cổ phiếu hay bằng tiền mặt. Nếu trong bối cảnh vừa kinh doanh sa sút vừa khan hiếm dòng tiền thế này mà DN vẫn trả cổ tức “khủng” như vậy bằng tiền mặt thì là điều hết sức khó hiểu.

Lý do thật sự đằng sau bản báo cáo

Giải thích về con số lợi nhuận quý 3/2020 tăng 10,5% so với cùng kỳ 2019, Tổng Giám đốc BDG – ông Phan Thành Đức – cho hay, “do tình hình dịch bệnh Covid 19 nên chính sách thưởng của Công ty có giảm trích tiền lương tháng 13 trong quý 3 năm nay nên chi phí giảm so với cùng kỳ và làm tăng lợi nhuận”.

Trước đó, báo cáo bán niên của công ty cũng ghi nhận lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 giảm 14% và ông Đức thừa nhận nguyên nhân là “do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại thị trường tiêu thụ chủ yếu của công ty là Mỹ và châu Âu nên doanh số tiêu thụ bị giảm”.

Như vậy có thể kết luận lợi nhuận BDG quý 3/2020 tăng, có nguyên nhân từ việc công ty cắt giảm thu nhập của nhân sự. Còn việc cắt giảm được chi phí bán hàng – như đã nói ở trên - cũng không nói lên năng lực điều hành của lãnh đạo mà thực chất là do tồn kho quá lớn nên đương nhiên giảm chi cho khâu bán hàng.

Đáng lưu ý, trước đó, HĐQT BDG đặt ra mục tiêu cho năm 2020 rất khiêm tốn là doanh thu 712 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4 tỷ đồng, lần lượt giảm 53% và 96% so với kết quả đạt được năm 2019.

Như vậy, bằng việc “kéo tụt” doanh thu xuống thấp hơn 53% và lợi nhuận thấp hơn 96%, kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, hiển nhiên DN vượt 26% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận thì cao gấp 19,5 lần kế hoạch đã đề ra.

Và phải chăng đây chính là nguyên nhân khiến DN hào hứng chi cổ tức “khủng” cho cổ đông, bất chấp tồn kho lớn, doanh số và lợi nhuận sụt giảm mạnh, dòng tiền đe dọa mất cân đối?

M.M

Công ty CP May mặc Bình Dương có địa chỉ tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương, vốn điều lệ 120 tỷ đồng; hoạt động theo giấy phép kinh doanh công ty cổ phần do sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp ngày 1/12/2015. Đây là công ty kinh doanh lĩnh vực may mặc quần áo và phụ kiện ngành may.

Hiện, 12 triệu cổ phiếu BDG đang niêm yết trên sàn chứng khoán UPCoM của sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Căn cứ mức thị giá BDG lúc đóng cửa giao dịch hôm thứ sáu (23/10/2020) là 34.600 đồng/CP thì vốn hóa thị trường của DN hiện đạt 415,2 tỷ đồng.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 26/9/2018, sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông tin, Tổng Giám đốc BDG – ông Phan Thành Đức – bị phạt 25 triệu đồng vì giao dịch mua 56,1 nghìn cổ phiếu BDG trước thời hạn được Sở này công bố (thời gian giao dịch từ 27/9 đến 15/10/2018 nhưng vào ngày 21/9/2018, ông Đức đã mua xong 23 nghìn cổ phiếu) và báo cáo không đúng thời hạn về kết quả giao dịch nói trên.