Sau cái bắt tay với SK Group, Tập đoàn Masan kinh doanh ra sao?

25/06/2024 16:56

Sau thương vụ đầu tư nghìn tỷ đến từ SK Group, Tập đoàn Masan chứng kiến nhiều biến động trong hoạt động sản xuất kinh doanh - khi tăng mạnh, lúc giảm sâu...

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 1/2024, Việt Nam thu hút được 9.891 dự án đầu tư từ doanh nghiệp Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký gần 86 tỷ USD, chiếm 25% tổng số dự án và 18,25% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam.

Với kết quả trên, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có đầu tư vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Nhờ tăng cường đầu tư, sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc ngày càng rõ rệt tại Việt Nam với những cái tên nổi tiếng như SK Group thông qua các thương vụ M&A tại các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, trong đó có Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN).

Năm 2023, tại cuộc tọa đàm bàn tròn giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc, ông Chey Taewon – Chủ tịch Tập đoàn SK cho biết, Hàn Quốc hiện đang hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam, đồng thời xúc tiến đầu tư về năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.

Hồ sơ doanh nghiệp - Sau cái bắt tay với SK Group, Tập đoàn Masan kinh doanh ra sao?

Ông Chey Taewon – Chủ tịch Tập đoàn SK.

Từ đó ông Chey Taewon bày tỏ mong muốn trong thời gian tới có những chính sách để đối phó với biến đổi khí hậu, đóng góp cho phát triển, bảo vệ môi trường.

Tháng 8/2018, SK Group thành lập công ty con, SK South East Asia Investment có trụ sở tại Singapore, với mục đích đầu tư vào các doanh nghiệp đang phát triển nhanh ở Đông Nam Á. Cũng trong năm 2028, SK Group đã chi ra 530 tỷ Won (khoảng 11.000 tỷ đồng), nâng sở hữu lên 9,5% vốn của Tập đoàn Masan.

Lợi nhuận tăng mạnh - giảm sâu

Sau khi bắt tay với SK Group, trong giai đoạn 2018-2019, lợi nhuận của Masan ghi nhận tăng trưởng 13% so với năm 2018 lên 6.364 tỷ đồng. 

Đang trên đà tăng trưởng, bước sang giai đoạn từ 2020-2023, kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Masan lại chứng kiến nhiều biến động, với doanh thu, lợi nhuận đạt đỉnh nhưng vẫn không giữ được sự ổn định.

Theo đó, năm 2020 doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang giảm lãi xuống còn 1.395 tỷ đồng, “bốc hơi” tới 78% so với cùng kỳ năm 2019 dù doanh thu tăng gấp đôi.

Sang năm 2021, nhờ ghi nhận doanh thu tài chính tăng cao do chuyển nhượng mảng thức ăn chăn nuôi vào quý IV/2021, Tập đoàn Masan nâng lợi nhuận lên 10.101 tỷ đồng, gấp 7,2 lần cùng kỳ năm trước đó. Đây cũng là năm Tập đoàn Masan ghi nhận doanh thu đạt đỉnh lịch sử kinh doanh với 88.628 tỷ đồng. 

Cũng trong năm trên, SK South East Asia Investment - công ty con của SK Group đã mua lại 16,3% cổ phần của WinCommerce - mảng bán lẻ của Tập đoàn Masan với giá 460 tỷ Won (tương đương 9.430 tỷ đồng). 

Sau khi vụ hợp tác trên, tình hình kinh doanh của Tập đoàn Masan tiếp tục “rung lắc" với lợi nhuận liên tục sụt giảm. Theo đó, năm 2023, Masan ghi nhận doanh thu đạt 78.252 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3% so với năm 2022, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 61%, còn 1.870 tỷ đồng.

Theo Masan, lợi nhuận sau thuế năm 2023 giảm chủ yếu do không có khoản thu nhập phát sinh một lần trong năm 2022, lợi nhuận sụt giảm từ Masan High-Tech Materials và Techcombank, đồng thời chi phí tài chính tăng cao.

Trong khi EBIT của mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi cải thiện đáng kể đạt 1.396 tỷ đồng, thì lợi nhuận của Masan High-Tech Materials và Techcombank giảm lần lượt còn 1.433 tỷ đồng và 484 tỷ đồng.

Nợ phải trả gấp đôi vốn chủ sở hữu

Sau năm 2023 với nghịch lý doanh thu tăng - lợi nhuận giảm, quý I/2024, Tập đoàn Masan đã ghi nhận đà tăng trưởng trở lại. Theo đó, doanh thu trong quý của công ty đạt 18.854 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, Masan báo lãi gần 479 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm 2024, Masan phải trả gần 1.622 tỷ đồng lãi vay, tương ứng mỗi ngày phải trả khoảng gần 18 tỷ đồng. Nguyên nhân phần lớn đến từ khoản tiền vay nợ lớn của Masan.

Theo đó, tính đến cuối tháng 3/2024, nợ phải trả của Masan đạt 107.688 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay tài chính tại Masan ghi nhận hơn 69.653 tỷ đồng, chiếm gần 48% nguồn vốn. Như vậy, hệ số nợ phải trả gấp 2,77 lần vốn chủ sở hữu.

Mới đây, Tập đoàn Masan đã công bố thông tin phản hồi về những tin tức mới đây từ nguồn báo Hàn Quốc liên quan đến khoản đầu tư của SK Group vào Masan.

Masan cho biết, theo bài báo từ Hàn Quốc đưa tin, SK Group “đã thực hiện quyền chọn bán (quyền bán cổ phiếu) để bán 9% cổ phần sở hữu tại Masan”. Tập đoàn Masan khẳng định, thông tin này là không chính xác. Cho đến nay, SK chưa thực hiện quyền chọn bán.

Masan thông tin thêm, hiện tại cả 2 doanh nghiệp hiện đang trong giai đoạn cuối cùng về một lộ trình cụ thể theo điều kiện thuận lợi của thị trường để SK Group giảm cổ phần sở hữu tại Masan.

SK đã xác định được các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có quy mô tầm vóc quốc tế và am hiểu hoạt động kinh doanh của Masan để chuyển nhượng cổ phần sở hữu tại Masan. Lộ trình này được xây dựng để bảo vệ và giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai doanh nghiệp.