Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, HoSE: GEX) vừa thông báo ông Nguyễn Hoa Cương sẽ đảm nhận chức danh Chủ tịch HĐQT thay thế cho ông Nguyễn Văn Tuấn kể từ ngày 20/8.
Đồng thời, công ty còn ra 2 thông báo bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Hiền và ông Lương Thanh Tùng giữ chức danh Phó Chủ tịch HĐQT Gelex kể từ ngày 20/8.
Việc ông Nguyễn Văn Tuấn rời ghế Chủ tịch HĐQT cũng không gây bất ngờ khi mới đây, Gelex là 1 trong những doanh nghiệp bị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) nhắc nhở về việc chưa thực hiện tách bạch 2 chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc theo quy định Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty đại chúng trước ngày 1/8.
Tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoa Cương sinh năm 1961, có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh và kỹ sư chế tạo máy. Ông Cương là một trong những nhân sự điều hành có thâm niên lâu nhất tại Gggex với hơn 30 năm làm việc ở doanh nghiệp này. Ông từng có 8 năm làm chủ tịch HĐQT Gelex trước khi chuyển giao vị trí cho người kế nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1984, làm tổng giám đốc Gelex từ năm 2016. Năm 2018, ông Tuấn được bổ nhiệm làm chủ tịch Gelex thay chính ông Cương có đơn từ nhiệm. Thời điểm này, ông Tuấn là một trong những chủ tịch trẻ nhất của các công ty đại chúng đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Hiện tại, doanh nhân 36 tuổi này còn làm lãnh đạo hàng loạt doanh nghiệp khác như chủ tịch Công ty Dây cáp điện Việt Nam, chủ tịch Công ty TNHH Thiết bị điện, phó chủ tịch Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD, phó chủ tịch Công ty Hạ tầng Fecon.
Vừa qua, ông Nguyễn Văn Tuấn cũng đã chi 400 tỷ đồng mua 20 triệu cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn thứ hai tại doanh nghiệp này với tỷ lệ sở hữu tương ứng là 7,4% vốn điều lệ.
Cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp này hiện tại là Công ty TNHH MTV Đầu tư GEX sở hữu 15,7% vốn điều lệ doanh nghiệp.
20 triệu cổ phiếu Gelex được ông Tuấn mua khớp lệnh và thỏa thuận từ ngày 15/7 đến 12/8. Tạm tính theo thị giá cổ phiếu trong giai đoạn này, số tiền chủ tịch kiêm CEO của Gelex chi ra để gom khối cổ phiếu trên khoảng 370 - 430 tỷ đồng.
Trước đó, ông Tuấn đã chi trên dưới 250 tỷ để mua vào 15 triệu cổ phiếu Gelex hồi tháng 6 để tăng lượng cổ phần nắm giữ từ con số 0 lên 3,2%. Như vậy, chỉ trong chưa đầy 3 tháng, chủ tịch Gelex đã móc hầu bao hơn 600 tỷ đồng gom 35 triệu cổ phiếu.
Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm Gelex ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 7.312 tỷ đồng và 529 tỷ đồng, tương ứng tăng 3% và giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2020, Gelex đặt ra kế hoạch kinh doanh dựa trên việc hợp nhất Tổng công ty Viglacera. Cụ thể, nếu hợp nhất Viglacera, doanh thu và lợi nhuận trước thuế mục tiêu của Gelex kỳ vọng lần lượt đạt 19.600 tỷ đồng và 975 tỷ đồng. Nếu không hợp nhất Viglacera, Gelex dự kiến doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 17.500 tỷ đồng và 735 tỷ đồng.
Mai Hoa