![]() |
Một số khách hàng phản ánh việc có kẻ gian mạo danh shipper của một số công ty vận chuyển để lừa đảo. Ảnh minh họa: Việt Hà. |
Thời gian gần đây, một số người sử dụng dịch vụ giao hàng của Viettel Post phản ánh tình trạng bị kẻ gian mạo danh shipper để lừa đảo.
Thủ đoạn chung của các đối tượng là giả danh shipper làm việc tại công ty vận chuyển để gọi điện thoại cho nạn nhân, thông báo có đơn hàng cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán khi nhận hàng.
Shipper giả nắm rõ thông tin đơn hàng
Đáng chú ý, các đối tượng này nắm rõ nhiều thông tin quan trọng của đơn đặt hàng, từ giá trị đơn hàng, cửa hàng bán hàng cho đến số điện thoại của người mua. Điều này khiến nạn nhân mất cảnh giác, dễ dàng bị thuyết phục để chuyển tiền.
Sau khi nhận được tiền thanh toán mua hàng, kẻ gian sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc nếu đó là số tiền lớn.
![]() |
Một nạn nhân nhận được tin nhắn lừa tiền từ shipper giả mạo. Ảnh: NVCC. |
Còn nếu giá trị thấp, các đối tượng sẽ thông báo có sự nhầm lẫn, số tài khoản trên là số tài khoản đăng ký làm hội viên shipper, khi chuyển tiền đến số tài khoản đó thì hệ thống sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ hàng triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của khách hàng.
Khi nạn nhân yêu cầu lấy lại tiền và hủy đăng ký thành viên, đối tượng sẽ gửi tin nhắn chứa đường link dẫn đến website giả mạo của đơn vị giao hàng để yêu cầu nhập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, mã OTP.
Thực tế, sự việc không chỉ xảy đến với khách hàng Viettel Post mà còn xuất hiện tại nhiều đơn vị giao vận thương mại điện tử khác như Giao Hàng Tiết Kiệm, J&T Express, VNPost...
Tình trạng này khiến nhiều người dùng lo ngại dữ liệu thông tin khách hàng của các đơn vị vận chuyển đã bị rò rỉ.
Công ty vận chuyển có bị lộ thông tin?
Trao đổi với Tri Thức - Znews, đại diện Viettel Post thừa nhận đã được một số khách hàng phản ánh về trường hợp này.
Tuy nhiên, hãng khẳng định toàn bộ dữ liệu quan trọng của khách hàng như số điện thoại, địa chỉ, số tiền thu hộ (COD) đều được mã hóa, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn bảo mật quốc tế, ngăn chặn mọi hành vi truy cập trái phép từ bên ngoài.
Hiện, đơn vị này chỉ sử dụng duy nhất đầu số điện thoại chứa brandname "Viettel Post" - 0862526888 khi liên hệ giao hàng. Đây là một trong những giải pháp để khách hàng dễ dàng nhận diện bưu tá Viettel Post và hạn chế nguy cơ bị các đối tượng xấu giả mạo.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo minh bạch, Viettel Post áp dụng hình thức chuyển khoản qua mã QR trực tiếp vào tài khoản doanh nghiệp, thay vì tài khoản cá nhân của bưu tá. Cách thức này giúp loại bỏ hoàn toàn nguy cơ gian lận trong thu hộ tiền hàng.
"Viettel Post đã chủ động liên hệ và làm việc chặt chẽ với Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông để điều tra, truy vết nguồn gốc các vụ việc giả mạo, xử lý và ngăn chặn hành vi gian lận. Mọi kết quả điều tra sẽ được Viettel Post công bố minh bạch, ngay cả trong trường hợp không có vi phạm từ phía doanh nghiệp", đại diện đơn vị chia sẻ.
![]() |
Viettel Post khẳng định bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của khách hàng. Ảnh: Việt Hà. |
Trong khi đó, Bưu điện Việt Nam (VNPost) khẳng định đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ dữ liệu, đặc biệt là các hệ thống chứa dữ liệu đơn hàng. Thông tin khách hàng đều được khai báo ẩn trên các hệ thống nội bộ nhằm tăng cường khả năng bảo mật thông tin.
VNPost cũng thường xuyên phối hợp với Cục An toàn thông tin, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an để tư vấn hỗ trợ phòng ngừa các phương thức tấn công trên không gian mạng trong hoạt động bưu chính, thương mại điện tử. Các hệ thống được giám sát để phát hiện sớm, kiểm soát, ngăn chặn các truy cập trái phép, phòng chống mã độc, đảm bảo an toàn dữ liệu.
"Đối với các đơn hàng thu hộ COD, VNPost đã triển khai gửi thông báo tình trạng giao hàng qua tin nhắn điện thoại và ứng dụng Zalo cho người nhận", đại diện hãng lưu ý.
Trong khi đó, Giao Hàng Tiết Kiệm chưa phản hồi về vấn đề này. Nhưng gần đây, hãng cũng phát cảnh báo về các hành vi lừa đảo mới.
Ngoài thủ đoạn nói trên, công ty còn ghi nhận các hình thức khác như mạo danh nhân viên tuyển dụng của Giao Hàng Tiết Kiệm yêu cầu nộp tiền làm hồ sơ hoặc làm nhiệm vụ cộng tác viên trên các ứng dụng giả mạo; mạo danh nhân viên của người bán thông báo chưa nhận được tiền thu hộ đơn hàng để yêu cầu chuyển khoản lại và gửi kèm các link để hủy giao dịch trước đó.
Bên cạnh đó, còn có hình thức mạo danh cán bộ chi cục thuế để yêu cầu người bán kê khai hoặc chuyển khoản thuế tiền COD gửi qua các đơn vị vận chuyển.
Để bảo vệ mình, các công ty giao hàng khuyến nghị người dùng không nên truy cập vào các đường link và ứng dụng lạ; không cung cấp thông tin, giấy tờ cá nhân, mật khẩu/mã OTP cho người lạ; sử dụng dịch vụ trên ứng dụng hoặc liên hệ kênh chính thống; kiểm tra lại thông tin đơn hàng nhận được.
Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân chỉ chuyển tiền khi đã trực tiếp nhận hàng, đồng thời kiểm tra hàng trước khi thanh toán, không nên chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc những tài khoản không rõ ràng.
Ngoài ra, người dân cần bảo mật, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các buổi livestream. Khi nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ giải quyết.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.