Siêu hạn hán kéo dài 1000 năm từng xảy ra tại Việt Nam: Nguyên nhân chính biến Đông Nam Á thành 'tử địa' suốt một thiên niên kỷ

Admin

31/08/2020 11:37

Các nhà khảo cổ học tin rằng, các khu định cư tại lục địa Đông Nam Á đã bị tàn phá nặng nề bởi một trận siêu hạn hán, buộc con người phải di cư tới những khu vực khác để tìm nguồn nước.

5000 năm về trước, một trận siêu đại hạn hán kéo dài tới 1000 năm đã xảy ra tại khu vực Đông Nam Á, gây ảnh hưởng nặng nề tới các nền văn minh trong khu vực, theo một nghiên cứu vừa được công bố bởi một nhóm các nhà khảo cổ học Mỹ. Nhóm này đã tiến hành phân tích mẫu đá trong các hang động tại phía Bắc của Lào trước khi đưa ra kết luận trên, tạp chí Science Magazine đưa tin.

Trong suốt nhiều năm, các nhà khảo cổ học nghiên cứu lục địa Đông Nam Á - một khu vực bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam ngày nay – luôn cảm thấy bối rối trước một giai đoạn lịch sử được gọi là "thiên niên kỷ mất tích". Theo đó, trong khoảng thời gian từ 6000 cho đến 4000 năm trước, các nhà khảo cổ học tìm thấy rất ít bằng chứng về các khu định cư của con người tại lục địa Đông Nam Á.

Ban đầu, các nhà khảo cổ học cho rằng họ chưa xác định được chính xác vị trí nơi con người thời đó sinh sống. Tuy nhiên, với các bằng chứng vừa tìm thấy được, các nhà khảo cổ học tin rằng các khu định cư tại lục địa Đông Nam Á đã bị tàn phá nặng nề bởi một trận siêu hạn hán, buộc con người phải di cư tới những khu vực khác để tìm nguồn nước.

Siêu hạn hán kéo dài 1000 năm từng xảy ra tại Việt Nam: Nguyên nhân chính biến Đông Nam Á thành tử địa suốt một thiên niên kỷ - Ảnh 1.

Đất nước Lào ngày nay ẩm ướt và xanh tươi, nhưng một trận siêu hạn hán kéo dài 1.000 năm từng xảy ra tại đây 5.000 năm trước - Ảnh: Science Magazine

Đi tìm bằng chứng cho thấy lượng mưa suy giảm suốt 1000 năm

Để có thể tìm hiểu kĩ hơn về khí hậu giai đoạn đó, nhà khảo cổ Joyce White (ĐH Pennsylvania, Mỹ) và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu măng đá trong hang động Tham Doun Mai ở miền bắc Lào.

Măng đá là một dạng trầm tích hang động phát triển từ nền hang động, được tạo thành do kết tủa cacbonat canxi (CaCO3) từ nước chảy qua đá vôi ở trần hang động – thường là sau khi mưa. Sau khi phân tích thành phần của măng đá, các nhà nghiên cứu có thể biết được tuổi cũng như độ ẩm ướt của đá vào thời điểm cách đây hàng nghìn năm.

Siêu hạn hán kéo dài 1000 năm từng xảy ra tại Việt Nam: Nguyên nhân chính biến Đông Nam Á thành tử địa suốt một thiên niên kỷ - Ảnh 2.

Bên trong hang Tham Doun Mai

Kết quả, nhóm nghiên cứu phát hiện lượng mưa trong hang tương đối ổn định trong hơn 4.000 năm, trước khi đột ngột giảm mạnh trong giai đoạn từ 5.100 - 3.500 năm trước. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy khu vực Đông Nam Á đã trải qua một trận siêu hạn kéo dài hơn 1.000 năm.

Tuy nhiên, trận hạn hán này chỉ là một phần trong chuỗi các trận siêu hạn kéo dài xảy ra tại châu Phi và châu Á từ 5000 đến 4000 năm trước, theo nhà cổ sinh học Kathleen Johnson (Đại học California, Irvine). Vào thời điểm đó, một loạt các nền văn minh từ Tây Á đến Trung Đông đã bị ảnh hưởng nặng nề bơi hạn hán, dẫn đến sự sụp đổ của Đế chế Akkadian ở Mesopotamia hay nền văn minh lưu vực sông Ấn.

Đáng chú ý, thời điểm các trận hạn hán diễn ra cũng trùng hợp với sự kết thúc của thời kỳ "Sahara Xanh", khi vùng bắc Phi từng xanh tươi bỗng chốc trở thành sa mạc khô cằn như hiện nay. Các nhà khoa học cho rằng, hiện tượng sa mạc hóa tại khu vực Sahara đã làm gián đoạn mưa gió mùa, gây ra hạn hán trên khắp phần còn lại của châu Á và châu Phi.

Sa mạc Sahara là thủ phạm gây ra siêu hạn hán ở Đông Nam Á?

Để xác định xem liệu hiện tượng sa mạc hóa châu Phi có thể liên quan đến siêu hạn hán Đông Nam Á hay không, các nhà nghiên cứu đã tiến hành mô phỏng đặc điểm khí hậu cách đây hàng nghìn năm, đồng thòi cho tương tác với nhiều yếu tố như đại dương, khí quyển, bụi và thảm thực vật.

Siêu hạn hán kéo dài 1000 năm từng xảy ra tại Việt Nam: Nguyên nhân chính biến Đông Nam Á thành tử địa suốt một thiên niên kỷ - Ảnh 3.

Trước khi trở thành sa mạc khô cằn như hiện nay, Sahara từng được bao phủ bởi thảm thực vật cực kỳ đa dạng

Kết quả mô phỏng cho thấy, sự khô hạn của khu vực Sahara có thể đã làm tăng lượng bụi trong không khí, đẩy Thái Bình Dương vào một chu kỳ giống như El Niño kéo dài, vô hình trung gây ra sự gián đoạn mùa mưa ở lục địa Đông Nam Á.

Chính sự thay đổi về mặt khí hậu này được cho là đã gây ra một trận siêu hạn hán trên nhiều vùng rộng lớn ở Đông Nam Á. Trong khi đó, lũ lụt lại xảy ra khắp khu vực Đông Á. Về bản chất, đây là "sự tái phân bố độ ẩm trên toàn châu Á", theo Michael Griffiths, nhà cổ sinh vật học tại Đại học William Paterson và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Raymond Bradley, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Massachusetts, Amherst, cho biết, sự thay đổi khí hậu đột ngột nói trên có thể là một phần của một xu hướng lớn hơn đã bắt đầu khoảng 800 năm trước đó. Ông hy vọng kết quả nghiên cứu mới được công bố này sẽ thúc đẩy các nhà khoa học tìm thêm các bằng chứng về sự thay đổi khí hậu tương tự xảy ra tại các khu vực khác trên khắp Châu Á.

Được biết, Michael Griffiths và nhóm của ông đang lên kế hoạch khám phá các hang động ở Việt Nam và Thái Lan để có cái nhìn rõ hơn về thời kỳ này. Và câu trả lời của họ cũng có thể cung cấp thêm thông tin cho công tác dự báo khí hậu ngày nay.

Tham khảo Science Mag