Theo New York Times, trong nhiều tháng qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump và các nhà đầu tư hi vọng nền kinh tế Mỹ sau quãng thời gian suy thoái hồi mùa xuân sẽ gượng dậy trong mùa hè và lao nhanh về phía trước trong mùa thu.
Giới chuyên kinh tế mường tượng đến viễn cảnh các biện pháp hạn chế thương mại bị gỡ bỏ, người tiêu dùng Mỹ chi tiền trở lại. Các báo cáo về thị trường việc làm đầy tích cực hồi tháng 5 và 6 càng khiến niềm tin dâng cao.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang tái bùng phát tại nhiều bang, đe dọa bóp nghẹt quá trình phục hồi kinh tế và đẩy nước Mỹ lún sâu vào suy thoái. Ngày 14/7, hàng loạt tập đoàn lớn công bố dự báo ảm đạm. Delta Air Lines cho biết sẽ cắt giảm kế hoạch tăng chuyến trong tháng 8 và các tháng sau đó vì nhu cầu yếu ớt. Các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cảnh báo nguy cơ lỗ do khách hàng không thể trả nợ.
Đóng cửa trong mùa thu
“Chúng ta đang đối mặt với thời khắc của sự thật, đặc biệt trong những tháng tới”, New York Times dẫn lời bà Jennifer Piepszak, Giám đốc Tài chính của JPMorgan Chase, khẳng định. Còn CEO Jamie Dimon nhận định tác dụng của gói cứu trợ 2.000 tỷ USD đang cạn dần. “Chúng ta sẽ chứng kiến hậu quả của tình trạng suy thoái”, ông nhấn mạnh.
Một số công ty từng nhận hỗ trợ chính phủ để giữ hoặc tuyển mới lao động giờ bắt đầu sa thải lao động vì cạn vốn. Các chương trình hỗ trợ người lao động mất việc làm sẽ kết thúc vào cuối tháng 7 trong khi 18 triệu người Mỹ vẫn đang xin trợ cấp thất nghiệp.
Hàng loạt bang đã áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách xã hội. Chính quyền California ra lệnh đóng cửa quán bar, nhà hàng, phòng gym… Các trận đấu bóng bầu dục mùa thu bị hủy, kế hoạch lưu diễn của nhiều nghệ sĩ bị xếp xó. “Việc một số bang mở cửa trở lại quá sớm làm số ca nhiễm virus tăng mạnh”, bà Lael Brainard, thành viên Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang (FED), giải thích.
Một số nhà kinh tế nổi tiếng nhận định nền kinh tế Mỹ không thể phục hồi theo kiểu “hình chữ V” và cảnh báo tình trạng suy thoái sẽ kéo dài, gây tác động lâu dài. “Có thể chúng ta sẽ phải đóng cửa trở lại trong mùa thu”, chuyên gia Karl Smith, Phó chủ tịch Tổ chức Thuế ở Washington, bi quan.
Trước đó, ông Smith đã vận động các quan chức chính phủ và Quốc hội Mỹ chấm dứt chương trình hỗ trợ 600 USD/tuần cho người lao động mất việc và thay thế bằng một sáng kiến giảm thuế, kích thích công ăn việc làm.
“Chúng ta cần phải quay trở lại với các chương trình đó. Tôi biết Quốc hội không muốn điều đó, nhưng mùa thu sắp tới có thể sẽ rất khủng khiếp”, ông Smith nhấn mạnh. Một số quan chức chính quyền Tổng thống Trump tỏ ý sắn sàng đàm phán với đảng Dân chủ về các gói hỗ trợ người lao động mất việc làm và doanh nghiệp nhỏ, thậm chí cả hỗ trợ tiền mặt cho người dân.Tuy nhiên, việc dịch Covid-19 diễn biến đầy phức tạp trong 2 tuần qua khiến ông thay đổi quan điểm. Giờ ông kêu gọi chính quyền Washington thông qua một gói cứu trợ mới, bao gồm mở rộng chương trình hỗ trợ người lao động mất việc làm và doanh nghiệp nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ cho biết sẽ đối mặt với nguy cơ sụp đổ nếu các bang tiếp tục đóng cửa nền kinh tế và Quốc hội không đưa ra những chương trình hỗ trợ mới.
Sợ hãi và thất vọng
Chuỗi phòng gym Sonoma Fit ở bắc California của Jennifer và Adam Kovacs đang gượng dậy trong tháng 7 sau quãng thời gian tê liệt. Nhiều khách hàng cũ đã quay trở lại. Nhưng hôm 13/7, bà Kovacs biết tin thống đốc California vừa ra lệnh đóng cửa các phòng gym.
“Tôi choáng váng. Tôi không muốn báo thông tin tồi tệ đó cho con gái”, bà Kovac đau khổ nói. Cô con gái 17 tuổi của bà làm lễ tân ở phòng gym. Bà lo sợ sẽ mất nửa số khách vì đợt giãn cách này.
Bà cũng lo ngại tình trạng phập phù, không biết lúc nào bị đóng cửa bất ngờ trong thời gian tới. “Tôi không dùng từ ngữ gì để mô tả sự sợ hãi, thất vọng và bất lực lúc này”, bà than thở.
Hiện, các cố vấn của Tổng thống Trump vẫn dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi nhanh chóng trong những tháng tới. Ông Trump cũng liên tục kêu gọi mở cửa lại trường học trong mùa thu. Nhiều nhà kinh tế cũng đồng ý rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không thể phục hồi nếu hàng triệu trẻ em tiếp tục ở nhà.
Nhưng nước Mỹ vẫn chưa kiềm chế được đại dịch, và mọi biện pháp mở cửa đều dẫn đến rủi ro. Một số địa phương có nhiều trường học như Los Angeles và San Diego cho biết chưa có kế hoạch mở cửa các lớp học khi năm học mới bắt đầu. Ngoài ra, không ít trường đang gặp khó khăn về tài chính.
Nền kinh tế Mỹ sẽ còn tiếp tục bế tắc nếu nước này không thể kiềm chế được đại dịch Covid-19. Các bang như Florida và Texas nhanh chóng mở cửa kinh tế trở lại hồi tháng 5 khi dịch còn diễn biến phức tạp, giờ buộc phải áp dụng các biện giáp giãn cách do số ca nhiễm virus tăng vọt. Các nhà hàng, hãng bán lẻ, công ty xuất khẩu… có thể sẽ tiếp tục lay lắt trong vài tháng tới.“Hàng triệu người lao động sẽ không thể làm việc trở lại nếu con cái họ không đến trường. Chúng ta cần phải tìm ra cách mở cửa trường học an toàn”, nhà kinh tế Melissa S. Kearney thuộc Đại học Maryland nhấn mạnh. Kể cả những người có thể làm việc tại nhà cũng sẽ gặp khó khăn khi phải trông con.
“Tôi là người rất lạc quan, nhưng tôi chưa từng chứng kiến cảnh cả nền công nghiệp âm nhạc Mỹ lao đao như hiện tại. Tình hình thật quá kinh khủng”, bà Audrey Fix Schaefer, một doanh nhân hoạt động trong ngành âm nhạc Mỹ, than thở.