Để xử lý hàng ngàn tấn rác mỗi ngày, năm 2017, UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch thu hút đầu tư, xây dựng 5 nhà máy đốt rác phát điện, phấn đấu đến năm 2021 đi vào hoạt động, trong đó có dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn.
Dự án điện rác Sóc Sơn (Hà Nội) có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, được xây dựng bằng 100% vốn đầu tư nước ngoài do CTCP Môi trường năng lượng Thiên Ý là chủ đầu tư, Tổng thầu là MCC (Trung Quốc) đang được đốc thúc tiến độ, dự kiến đưa vào vận hành tháng 12/2020.
Theo đại diện ban quản lý, dự án đã hoàn thành khoảng hơn 65% các hạng mục chính. Hiện đơn vị đang thi công tường bao khu vực; sàn đổ rác nhà máy chính; bể rác số 1; bể rác số 2; sàn sau lò nhà máy chính; phòng tua bin hơi; nhà hành chính; tường bao phía Nam; trạm tăng áp; trạm xử lý nước thải; lắp đặt cẩu tháp số 1 và số 2; lắp đặt hệ thống lò đốt số 2 và số 3…
Dự án có quy mô xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công suất phát điện lớn hàng đầu thế giới đang được xây dựng (Ảnh Infornet).
Đặt nhiều kỳ vọng khi dự án trên hoàn thành và đi vào hoạt động, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết, với công suất xử lý rác thải sinh hoạt 4.000 tấn/ngày đêm, chiếm 50-60% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của thành phố Hà Nội nhà máy sẽ giúp giải quyết căn bản những yêu cầu bức thiết về rác thải của Hà Nội.Trao đổi với PV, ông Lý Ái Quân (đại diện Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý) cho biết: "Dự án này được Nhà nước phê duyệt quy hoạch vào điện 7. Dự kiến nguồn điện năng làm ra sẽ sử dụng chính cho công ty; một phần còn lại chúng tôi sẽ phát vào mạng lưới điện quốc gia. Công ty Thiên Ý cũng đã ký hợp đồng với Công ty điện lực Việt Nam".
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách toàn diện vị chuyên cũng bày tỏ không ít những băn khoăn.
Thứ nhất, ông cho biết dự án có quy mô, công suất quá lớn, trong khi chủ đầu tư mới thực hiện được 65% các hạng mục chính, còn rất nhiều phần việc phải làm, nếu đặt mục tiêu đến tháng 12/2020 phải hoàn thành toàn bộ dự án và đưa vào hoạt động là hơi khó.
Lấy ví dụ với dự án xử lý rác điện tại Cần Thơ, có tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ, công suất đốt 400 tấn rác/ngày/đêm nhưng cũng phải thi công kéo dài cả một năm mới xong.
Với công suất 4000 tấn rác/ngày/đêm tức là gấp 10 lần so với nhà máy xử lý rác điện tại Cần Thơ. Trong khoảng thời gian 3 tháng còn lại, có thể sẽ có một vài mô-đun được đưa vào hoạt động trước, chứ rất khó đưa toàn nhà máy vào hoạt động ngay cùng lúc.
Thứ hai, phân tích về tổng thầu thi công dự án, PGS.TS Phùng Chí Sỹ đánh giá Trung Quốc hiện là quốc gia phát triển rất nhanh trong lĩnh vực xây dựng nhà máy điện rác. Hiện quốc gia này cũng có nhiều nhà máy xử lý rác điện nhiều nhất thế giới.
Tại Việt Nam, nhà thầu Trung Quốc cũng đã thi công nhà máy xử lý rác điện tại Cần Thơ và đã đưa vào hoạt động được khoảng 2 năm nay.
Trong thời gian đầu, nhà máy đang hoạt động tốt, chưa ghi nhận những vấn đề bất thường. Tuy nhiên, vị chuyên gia vẫn bày tỏ lo lắng bởi, công nghệ quốc gia này sử dụng là công nghệ được cải tiến từ công nghệ của Đức, Nhật Bản (công nghệ của Đức, Nhật nhưng thiết bị, chế tạo được sản xuất tại Trung Quốc -PV) vì thế, chưa thể đánh giá được về hiệu quả cũng như độ bền của thiết bị.
"Công nghệ của Nhật, Đức có tuổi thọ trung bình có thể là 20-30 năm, nhưng công nghệ của Trung Quốc thì vẫn phải chờ đợi mới đánh giá được. Việc đánh giá tuổi thọ công nghệ cũng rất quan trọng bởi nếu không cẩn thận thì thi công rẻ nhưng lại hóa đắt", vị chuyên gia nêu quan điểm.
Mặt khác, chuyên gia cho biết tại nhà máy xử lý rác điện Cần Thơ hiện cũng đang còn nhiều vấn đề trong phân loại, xử lý rác thải.
Chủ đầu tư dự án cho biết với dây chuyền công nghệ hiện đại, nhà máy sẽ không phải phân loại rác thải từ đầu nguồn mà tất cả rác thải đều đốt được ( Ảnh Infornet).
Như vậy, nếu với công suất đốt rác dự tính khoảng 4.000 tấn/ngày/đêm của nhà máy Sóc Sơn thì khối lượng tro xỉ đáy lò ước tính sẽ khoảng 1.000 tấn/ngày/đêm. Với khối lượng rất lớn này, rất có thể vẫn phải xử lý bằng cách chôn lấp, chứ không thể thu hồi hết được.Cụ thể, tại nhà máy rác điện Cần Thơ chưa phân loại được rác thải từ nguồn, công thêm công nghệ được cải tiến còn chưa thật sự phù hợp do đó, chất thải tro xỉ đáy lò tạo ra thấp (15-18%), tỉ lệ tro bay có nguy cơ gây nguy hại tới sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường còn cao (chiếm khoảng 35%).
Mặc dù có ý kiến cho rằng nên tận dụng tro xỉ đáy lò đề sản xuất vật liệu xây dựng nhưng đó mới chỉ là ý tưởng, bởi hiện nay vẫn chưa có nhu cầu, chưa tìm được thị trường để tiêu thụ. Vì vậy, đây cũng là vấn đề rất băn khoăn, bởi nếu không có biện pháp tái thu hồi lượng chất thải sau đốt rác mà phải chôn lấp sẽ không giảm được chi phí vận hành, hiệu quả hoạt động của nhà máy không cao.
Còn với khối lượng tro bay, vẫn phải áp dụng các biện pháp xử lý khác nếu không lại dẫn tới những nguy cơ gây nguy hại tới môi trường và sức khỏe của người dân thành phố.
Một vấn đề nữa PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho biết, ở các nước vấn đề xử lý rác thải phát điện đơn giản hơn do được phân loại từ đầu, chất thải cháy nhiều, thành phần hữu cơ trong rác thấp, không bị ẩm, trong khi ở Việt Nam thành phần hữu cơ trong rác cao lại có mùa mưa nên rất khó xử lý.
Để xử lý được rác thải hữu cơ bắt buộc cần thêm nguyên liệu như than, điện hoặc phải chôn lấp... do đó chi phí rất cao. Vì thế, vị chuyên gia đề xuất nên nghiên cứu tận dụng chất thải hữu cơ đưa vào phục vụ chế biến phân bón sẽ là hiệu quả nhất.
Để khắc phục được những hạn chế trên đồng thời cũng giúp Hà Nội nâng cao được hiệu quả sản xuất điện từ rác, PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho biết, điều quan trọng nhất là phải phân loại được rác thải từ nguồn.
Chủ đầu tư dự án cho biết với dây chuyền công nghệ hiện đại, nhà máy sẽ không phải phân loại rác thải từ đầu nguồn mà tất cả rác thải đều đốt được. Nhiệt độ trong lò đốt luôn được đảm bảo ổn định theo tiêu chuẩn nên có ưu điểm rất lớn về bảo vệ môi trường, độ bền của lò đốt được ổn định lâu dài. Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ cũng được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng (đóng gạch không nung) hoặc san lấp mặt bằng.
Phương pháp xử lý rác mới này hứa hẹn sẽ dần thay thế phương pháp chôn lấp vốn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, đồng thời lãng phí một nguồn tài nguyên rất lớn để chuyển hóa thành năng lượng là rác.