Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (NH) phải liên tục đầu tư hạ tầng công nghệ để đáp ứng nhu cầu hoạt động nhưng phải đến cuối năm 2019, khi dịch Covid-19 bùng phát và Chính phủ đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, nền kinh tế số thì việc chuyển đổi số (CĐS) giữa các NH mới thực sự bước vào cuộc đua mạnh mẽ. Thời gian gần ây, số lượng và giá trị giao dịch trên các kênh NH số tăng đột biến, giao dịch cho các khoản tiền nhỏ tăng mạnh.
Duyệt cấp thẻ dưới 30 phút
Thường xuyên dùng dịch vụ NH điện tử như Mobile Banking, Internet Banking từ nhiều năm, chị Ngọc Khanh, nhân viên văn phòng ở quận 1, TP HCM, đánh giá phân khúc này ngày càng phát triển và có nhiều sự lựa chọn cho người dùng. Theo chị Khanh, khi mua hàng ở siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, gọi xe công nghệ, trả tiền giao hàng nhanh… chị có thể thanh toán bằng thẻ ATM, thẻ tín dụng hoặc ví điện tử. "Thời gian thanh toán hóa đơn hiện chỉ tính bằng phút, tiện lợi và ít bị lỗi khi giao dịch so với trước đây" - chị Khanh nói.
Robot OPBA phục vụ khách hàng tại Ngân hàng Nam Á .Ảnh: TẤN THẠNH
NH TMCP Quốc tế (VIB) cũng vừa công bố là NH đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ AI và dữ liệu lớn, cho phép người dùng mở thẻ tín dụng trực tuyến với thời gian duyệt cấp thẻ được rút ngắn, chưa đầy 30 phút. Quy trình này đã được VIB áp dụng thành công cho dòng thẻ tín dụng Online Plus. Bà Trần Thu Hương, Giám đốc chiến lược và phát triển kinh doanh, kiêm Giám đốc Khối NH Bán lẻ VIB, cho biết ứng dụng dữ liệu lớn và AI vào việc phát hành thẻ tín dụng là dự án lớn của VIB. Sau Online Plus, VIB sẽ mở rộng dự án đến các sản phẩm dịch vụ NH khác. Công nghệ cho phép khách hàng chỉ mất 5 phút điền thông tin qua điện thoại thông minh hoặc máy tính là có ngay thẻ tín dụng với hạn mức lên đến 200 triệu đồng. Trước đây, người dùng phải mất từ 3-10 ngày làm việc mới có thể nhận được thẻ tín dụng. NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng đưa robot, trợ lý ảo phục vụ khách hàng tại quầy giao dịch từ cuối năm ngoái. Robot có khả năng chào hỏi, nhận diện khách hàng, từ đó robot thu thập, lưu trữ thông tin của khách hàng đang tương tác, đưa ra những tư vấn, hướng dẫn phù hợp về các sản phẩm, dịch vụ tài chính theo nhu cầu của khách hàng.
Theo số liệu của NH Nhà nước, hiện khoảng 94% NH đã bước đầu triển khai hoặc xây dựng chiến lược CĐS, trong đó, khoảng 59% NH đang áp dụng CĐS thông qua các nền tảng tự phát triển hoặc bắt tay với một số công ty fintech.
Dịch vụ không nhân viên
Hiện BIDV đang cùng một đơn vị tư vấn xây dựng chiến lược NH số để chuyển quy trình thủ công tại quầy lên quy trình tự động và đang triển khai công nghệ Robotic cho nghiệp vụ thanh toán bảng kê; triển khai Samsung Pay, QR Pay, rút tiền ATM bằng điện thoại qua mã QR, ứng dụng Blockchain. Hiện hơn 80% giao dịch thanh toán của khách hàng BIDV đã thực hiện trên các kênh NH điện tử.
Cuối năm ngoái, NH TMCP Quân đội (MB) cũng công bố nền tảng số dành cho doanh nghiệp là ứng dụng "MB App Business & eMB new" với nhiều tính năng hạn mức giao dịch lớn đáp ứng nhu cầu giao dịch của doanh nghiệp; đa kênh liền mạch như: lập giao dịch trên eMB, duyệt trên app và ngược lại…
Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Theo Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng, ngành NH đang xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và chỉ đạo các tổ chức tín dụng thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, thúc đẩy phát triển dịch vụ NH số và khẩn trương mở rộng thanh toán qua NH đối với dịch vụ công, đặc biệt là y tế, giáo dục. Hiện NH Nhà nước tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) để trình Thủ tướng Chính phủ.