Dịch bệnh ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế nên tác động tới tâm lý khách hàng đầu tư và người có nhu cầu mua để ở (Ảnh: TC)
Tỷ lệ hấp thụ thấp
Các thống kê thị trường bất động sản (BĐS) quý III/2020 cho thấy, lượng hấp thụ các sản phẩm giảm sút, có những khu vực chỉ còn hơn 20%, nơi cao nhất chỉ là 60%. Tâm lý khách hàng lo ngại một cuộc khủng hoảng mới trên thị trường BĐS, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng sẽ không có khủng hoảng mà chỉ là tâm lý nhất thời của khách hàng.
Tại Hà Nội, chị Hoàng Thu Ngân rao bán căn hộ chung cư 130 m2 ở Mỹ Đình với giá 18 triệu đồng/m2 đã 4 tháng nhưng vẫn chỉ có khách hỏi, không có khách chốt mua.
Tương tự, do dịch nên căn hộ cao cấp tại khu vực Mỹ Đình của anh anh Phan Văn Tiến (Cầu Giấy) không có khách thuê, rao bán đến hơn 4 tháng mới chốt được khách mua.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Kinh Doanh, nhân viên môi giới Phạm Phương của trang Batdongsan.com.vn cho biết, kể từ sau Tết Nguyên đán 2020, thị trường trầm lắng. Anh Phương phân phối sản phẩm cho một số dự án mới và bán nhà riêng lẻ cho khách hàng, đa phần là nhu cầu mua để ở. Hơn nữa, một số dự án đã có giá bán khá cao, nếu đầu tư cũng sẽ khó có lời, nên tỷ lệ giao dịch thành công thấp.
Theo anh Tuấn Tú, Giám đốc sàn giao dịch BĐS ABLand, thực tế nguồn cung căn hộ và nhà đất ra thị trường khan hiếm, cả thành phố chỉ có một vài dự án đủ điều kiện bán hàng, các chủ đầu tư cũng tung ra nhiều gói khuyến mãi “khủng”, nhưng lượng giao dịch vẫn hạn chế. Trong cả hai tháng 7 và 8 vừa qua, sàn ABLand chỉ giao dịch được 4 căn, hiện tượng này chưa bao giờ xảy ra từ khi sàn được thành lập.
Những "khoảng lặng" của thị trường thời gian vừa qua cũng phù hợp với số liệu thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam. Theo đó, trong quý III/2020, cả nước có 73.933 sản phẩm BĐS nhà ở được bán trên toàn thị trường. Sản phẩm được chào bán chủ yếu là hàng tồn từ các quý trước (chiếm khoảng 70%). Giao dịch trên toàn thị trường đạt 26.299 căn, tỷ lệ hấp thụ ở mức 35,5%; riêng Hà Nội, tỷ lệ hấp thụ chỉ tương đương 22,3%.
Báo cáo thị trường quý III/2020 của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, lượng tin đăng rao bán toàn trang tăng 12%, trong khi lượng quan tâm tiếp tục sụt giảm khoảng 2% so với quý II.
Một điều dễ nhận thấy là, thị trường khu vực nào có mức giá trở về mức hợp lý thì lượng giao dịch tăng. Điều này chứng tỏ ngoài yếu tố về dịch Covid-19 thì giá bán có tác động rất lớn đến tỷ lệ giao dịch. Chính giá không giảm như kỳ vọng, nên người mua nhà càng thờ ơ.
Người mua thận trọng
Đơn cử như tại Hạ Long (Quảng Ninh), mức giá chung cư trước dịch khoảng 26-28 triệu đồng/m2, sau dịch giảm còn 23-27 triệu đồng/m2. Một dự án ở đây vừa mở bán, ngay lập tức giao dịch thành công 500/600 căn.
Một số địa phương có tỷ lệ giao dịch khá như Hải Phòng, Bắc Ninh đạt 50% do thị trường không tăng giá. Nhưng tại miền Đông Nam Bộ, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt hơn 25% do giá đất tại khu vực này đã tăng khoảng 15% so với năm 2019.
Tại một số tỉnh Nam Trung Bộ, lượng hấp thụ khá, có nơi đạt 60% như ở Đà Nẵng, do giá BĐS đang trở về mức hợp lý từ khi dịch Covid-19 lần thứ 2 bùng phát. Riêng Nha Trang có giao dịch ảm đạm, giá đất giảm sâu do thị trường ở đây có tính đầu cơ lớn.
Một số chuyên gia BĐS phân tích, bên cạnh do giá không giảm, nhóm các nhà đầu tư (nhóm khách hàng chủ lực dùng đòn bẩy tài chính mua BĐS) khi chưa xác định được mức độ tác động của đại dịch với nền kinh tế đã quyết định bảo toàn dòng tiền thay vì lao vào thị trường. Chưa kể nhiều nhà đầu tư vẫn đang mắc kẹt dòng tiền trong các suất đầu tư trước đó hoặc các kế hoạch kinh doanh.
Lãnh đạo kênh thông tin Batdongsan.com.vn cho rằng, sở dĩ người mua nhà vẫn thờ ơ là do họ nhìn nhận giá chưa thể tăng ít nhất trong 1-2 năm tới, do dịch vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều nhà đầu tư “ăn xổi” muốn mua một vài tháng là có lãi ngay, nhưng đầu tư BĐS không thể nóng vội, đặc biệt là đầu tư đất nền. Đầu tư chung cư cũng phải từ giai đoạn đầu tiên cho đến giai đoạn hoàn thiện mới có cơ hội tăng giá.
Đối với những người mua ở thực không dám mạo hiểm trong thời điểm này. Hơn nữa, giá nhà vẫn ở mức cao nên lãi suất ngân hàng dù có giảm thấp hơn nữa thì nhiều người cũng không đủ tiền để mua. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân, khiến họ có xu hướng giữ cuộc sống ổn định hơn là "xuống tiền" với một tài sản lớn như BĐS.
Ông Nguyễn Văn Đính, chuyên gia BĐS cho rằng, mặc dù dịch bệnh, nhưng các chủ đầu tư không giảm giá bán, mà chỉ có nhiều chương trình khuyến mại như tặng quà gói nội thất, phí dịch vụ, phí trông xe ô tô... và hỗ trợ cho vay lãi suất. Chính vì thế nên nhiều người có nhu cầu ở thực vẫn chưa sẵn sàng "xuống tiền".
Hải Sơn