“Tân binh” Vietravel Airlines và cuộc chiến mới chia lại bầu trời

Admin

11/11/2020 08:42

Niềm tin của Vietravel Airlines là gì khi gia nhập vào thời điểm toàn ngành đang bết bát vì Covid-19, trong khi chỉ có lãi quý 3/2020 vẻn vẹn 24 triệu đồng?

Sự lạc quan của “tân binh”

Vietravel Airlines (do công ty Du lịch & Tiếp thị Giao thông vận tải – Vietravel làm chủ đầu tư) vừa chính thức trở thành hãng hàng không nội địa thứ 6 của Việt Nam, sau khi được cấp phép bay vào chiều 29/10.

Được biết, hãng này sẽ kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu gửi để phục vụ một phần khách du lịch của Vietravel, còn lại phục vụ cộng đồng.

Dự kiến khai thác hơn 40 chuyến bay mỗi tuần, DN kỳ vọng đạt 1 triệu lượt khách trong năm đầu tiên và cho biết, sẽ mở bán vé ngay trong tháng 11, khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào giữa tháng 12 bằng tàu bay Airbus A321.

Mặc dù là DN lữ hành thuộc top đầu trên thị trường, song việc thành lập hãng bay của Vietravel vào thời điểm toàn ngành đang gặp khó vì dịch bệnh, đã khiến nhiều người e ngại về sự thành công của hãng này.

Đó là chưa kể, Vietravel Airlines ra đời vào thời điểm công ty mẹ Vietravel cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh. Tại quý 3/2020, Vietravel có mức doanh thu thuần 487 tỷ đồng, sụt giảm gần 80% so với quý 3/2019.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí và hạch toán thuế, lãi ròng của doanh nghiệp trong kỳ chỉ đạt con số khiêm tốn 24 triệu đồng (bằng 0,1% so với cùng kỳ năm trước).

Trước đó, Vietravel lỗ tổng cộng 74 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, cao gần gấp đôi lợi nhuận cả năm 2019 là 44 tỷ đồng.

Kinh doanh sa sút như vậy, Vietravel lấy đâu nguồn tiền đảm bảo cho mức vốn điều lệ tối thiểu của ngành Hàng không là 700 tỷ đồng? Đây cũng là mối băn khoăn của bộ Tài chính khi mới đây, Bộ này đã yêu cầu DN làm rõ năng lực tài chính của hãng bay.

Đầu tư - “Tân binh” Vietravel Airlines và cuộc chiến mới chia lại bầu trời

Chủ tịch HĐQT Viettravel kiêm Viettravel Airlines – ông Nguyễn Quốc Kỳ

Tuy nhiên, đáp lại văn bản của bộ Tài chính, Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định DN cam kết duy trì mức vốn tối thiểu trên 700 tỷ đồng cho hãng bay.

Theo ông Kỳ, đặc thù kinh doanh lữ hành là thu tiền trước của khách hàng và trả cho đối tác sau 45 - 60 ngày, do đó DN luôn có một nguồn vốn (tuy ngắn hạn nhưng lại ổn định vì được bổ sung thường xuyên) khá cao, chiếm trên 30% tổng nguồn vốn, xấp xỉ 700 tỷ đồng.

Ngoài ra, Chủ tịch Vietravel cho biết, hãng dự kiến huy động tiền bằng phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu (Vietravel niêm yết cuối năm 2019), đồng thời sẽ cổ phần hóa Vietravel Airlines sau một năm hoạt động.

Nhìn lại những hãng hàng không từng “chết yểu” ở Việt Nam

Hiện cả nước có 6 hãng vận chuyển hành khách nội địa, gồm: Vietnam Airlines (của tổng công ty Hàng không VN), Paciffic Airlines (tiền thân là Jetstar Paciffic, hiện có 2 cổ đông chính là Vietnam Airlines và hãng Quantas của Úc), Vietjet Air (công ty CP Hàng không Vietjet), Bamboo Air (công ty CP Tập đoàn FLC Việt Nam), Vietstar Airlines (hãng bay cho các VIP, sử dụng máy bay phản lực thương gia) và Vietravel Airlines.

Ngoài ra, có 3 hãng bay dịch vụ là công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO), công ty CP Hàng không Hải Âu (kinh doanh thủy phi cơ tại Việt Nam), tổng công ty Trực thăng Việt Nam và 2 hãng bay vận chuyển hàng hóa là Vietnam Airlines Cargo (công ty con của Vietnam Airlines), Vietjet Cargo (công ty con của Vietjet Air‭).

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường Hàng không Việt Nam tuy nhiều dư địa phát triển nhưng lại khá kén “người chơi”. Trước đó, hàng loạt hãng bay đã “chết yểu” tại đây, mới nhất là hãng Vinpearl Air của Vingroup – tập đoàn đa ngành do người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng – sở hữu.

Cụ thể, ngày 14/1/2020, sau 2 tuần trình lên Chính phủ, Vingroup công bố dừng dự án Vinpearl Air. Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn - giải thích, thị trường hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh, nhưng cũng có các công ty lớn đang tham gia; việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, trong khi họ cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng công nghệ - công nghiệp.

Trước đó, AirAsia - hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á của Malaysia - đã xâm nhập thành công tại nhiều thị trường như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… nhưng lại có tới 4 lần thất bại trong nỗ lực mang thương hiệu vào Việt Nam, kéo dài từ năm 2005 đến năm 2019.

Đầu tư - “Tân binh” Vietravel Airlines và cuộc chiến mới chia lại bầu trời (Hình 2).

AirAsia - hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á của Malaysia - đã xâm nhập thành công tại nhiều thị trường nhưng lại có tới 4 lần thất bại trong nỗ lực mang thương hiệu vào Việt Nam.

Cụ thể, AirAsia đã thua dưới “tay” Qantas Airlines năm 2005 trong thương vụ đầu tư tái cấu trúc Pacific Airlines để trở thành Jetstar Pacific như hiện nay.

Ba lần tiếp theo, AirAsia thất bại khi muốn hợp tác với  tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) năm 2007, với Vietjet Air năm 2010, với Thiên Minh và Hải Âu năm 2017 vì vấp phải một số trở ngại.

Hãng Blue Sky Air (hàng không Bầu Trời Xanh) được cấp phép hoạt động vào tháng 8/2010 nhưng đã lập tức chìm nghỉm kể từ khi gây tiếng vang về việc ra mắt.

Trong năm 2008, có tới 3 hãng bay được cấp phép là Trãi Thiên Air Cargo, Indochina Airlines và Air Mekong, song số phận của cả 3 cũng không khá gì hơn.

Là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp phép chuyên vận chuyển hàng hóa –Trãi Thiên Air Cargo “chết yểu” vào năm 2011 vì sau 3 năm được cấp phép, nhưng không có bất cứ dấu hiệu gì về khả năng cất cánh.

Hãng Indochina Airlines của nhạc sỹ Hà Dũng (công ty Cổ phần Hàng không Tăng Tốc), về sau đổi tên thành Hàng không Đông Dương (Indochina Airlines) thì khá hơn, đã cất cánh lần đầu ngày 25/11/2008, nhưng cũng biến mất khỏi thị trường Hàng không sau đó 3 năm vì gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Hãng tư nhân Air Mekong với biệt danh “sếu đầu đỏ”, đại diện là công ty Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group), gắn với tên tuổi của chuyên gia giao thông - CEO Lương Hoài Nam - cũng sớm dừng bay sau hơn 5 năm ra mắt (tháng 2/2013) vì kinh tế khó khăn, hoạt động không hiệu quả.

Hàng không Việt Nam khó khăn vì Covid-19

Theo thống kê từ cục Hàng không, lượng hành khách hàng không 10 tháng đầu năm 2020 giảm 45,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, khách quốc tế giảm 79,4%, khách nội địa giảm 26,8%.

Các hãng hàng không Việt Nam giảm 44,1% lượng vận chuyển hành khách, trong đó tỷ lệ giảm vận chuyển ở nhóm khách quốc tế là 81,2%, khách nội địa là 26,8%.

Ngoại trừ Vietjet Air công bố có lãi (tuy nhiên do bán tài sản chứ không phải do lợi nhuận hàng không), tất cả các hãng bay còn lại đều báo lỗ, trong đó “ông lớn” Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hãng này dự kiến năm 2020 lỗ hợp nhất ở mức 10.750 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ hơn 8.700 tỷ đồng.