Tăng trưởng GRDP của Thanh Hóa dẫn đầu trong nhóm quy mô kinh tế lớn

25/06/2024 16:57

Sau 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của Thanh Hóa ước đạt 11,5%, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 3 cả nước.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 6 về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, thảo luận và quyết định các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2024 và một số nội dung quan trọng khác, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa đã có những báo cáo khái quát về tình hình phát triển kinh tế của địa phương trong 6 tháng qua. 

Theo đó, trong giai đoạn này, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa có nhiều điểm sáng, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 11,5%, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 3 cả nước (sau Bắc Giang với 14,14% và Khánh Hòa với 12,73%). Đồng thời, xét trong nhóm 10 tỉnh, thành có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước theo số liệu năm 2023 thì Thanh Hóa đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. 

Kinh tế vĩ mô - Tăng trưởng GRDP của Thanh Hóa dẫn đầu trong nhóm quy mô kinh tế lớn

Lĩnh vực công nghiệp đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP thần tốc của Thanh Hóa những năm qua.

Một trong những lĩnh vực có đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP của Thanh Hóa là lĩnh vực công nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 21,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng nêu trên của Thanh Hóa được thực hiện trong bối cảnh ngành công nghiệp đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp đã chủ động sản xuất, cơ cấu và tối ưu hóa quy trình sản xuất để thích ứng linh hoạt với biến động thị trường. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động nên sản xuất công nghiệp vẫn duy trì đà phát triển tốt.

Hoạt động thương mại nội địa diễn ra sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 94.392 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng găm hàng, sốt giá. 

Nổi bật là hoạt động du lịch khởi sắc ngay từ những tháng đầu năm với tổng lượng khách du lịch 6 tháng ước đạt gần 9,8 triệu lượt, tăng 16,1% so với cùng kỳ, bằng gần 71% kế hoạch. Tổng thu du lịch ước đạt 19.848 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ, bằng trên 61% kế hoạch.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 65.885 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ, bằng 48,8% kế hoạch. Đồng thời, trong giai đoạn này toàn tỉnh đã thu hút được 59 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 12 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.905 tỷ đồng và 177,5 triệu USD; tăng 78,8% về số dự án và tăng 25,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh duy trì đà phát triển ổn định; tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm ước đạt 3,4%. Trong đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được mùa; tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2024 đạt 237.700ha, sản lượng lương thực ước đạt 893.000 tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ; riêng năng suất lúa ước đạt 67,5 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, an ninh rừng được đảm bảo. Toàn tỉnh trồng được 6.100ha rừng tập trung, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kinh tế vĩ mô - Tăng trưởng GRDP của Thanh Hóa dẫn đầu trong nhóm quy mô kinh tế lớn (Hình 2).

Du lịch được dự báo sớm trở thành ngành mũi nhọn trong bức tranh kinh tế Thanh Hóa.

Với bức tranh kinh tế tươi sáng đã kéo theo ghi nhận tích cực từ hoạt động thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, khi ước đạt 27.348 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ, bằng 76,9% dự toán. Trong đó, thu nội địa ước đạt 16.673 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 10.675 tỷ đồng.

Về những tháng cuối năm, Thanh Hóa đạt mục tiêu yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục giữ vững tinh thần đoàn kết, nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã đề ra.

Yêu cầu các cấp, các ngành chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai hiệu quả các luật đã được Quốc hội thông qua, nhất là Luật Đất đai 2024. Đề nghị các ngành chức năng, các địa phương, đơn vị liên quan phải tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công các dự án lớn trên địa bàn tỉnh, như Trung tâm thương mại Aeon Thanh Hóa; Nhà máy hóa chất Đức Giang; Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa...; tiếp tục hoàn thiện một số quy hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, cũng lưu ý ngành chức năng chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc tuyển dụng lao động của một số công ty, doanh nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh trong những tháng cuối năm 2024.

Năm 2024, Thanh Hóa tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên. 

Theo số liệu được thống kê từ Người Đưa Tin, nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất trong năm 2023 lần lượt là: Thành phố Hồ Chí Minh 1.621 nghìn tỷ đồng, TP. Hà Nội 1.297 nghìn tỷ đồng, Bình Dương 487 nghìn tỷ đồng, Đồng Nai 455.990 tỷ đồng, Bà Rịa -Vũng Tàu 366 nghìn tỷ đồng, Tp.Hải Phòng 400 nghìn tỷ đồng, Quảng Ninh 315 nghìn tỷ đồng, Thanh Hóa 279 nghìn tỷ đồng, Bắc Ninh 220 nghìn tỷ đồng và Nghệ An 184,5 nghìn tỷ đồng.