Anh ta đã vi phạm quy định phòng dịch trong thời gian phải cách ly tập trung lẫn lúc tự cách ly tại nhà. Hậu quả là người này đã bị lây nhiễm SARS-CoV-2 từ một tiếp viên khác mà anh ta đã "vượt rào" tiếp xúc ngay tại nơi cách ly của hãng. Nguy hiểm hơn, sau đó, anh ta đã lây nhiễm cho một người bạn đến nhà người này đang cách ly.
Khu cách ly đoàn tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines tại quận Tân Bình (TP HCM) tạm đóng cửa - Ảnh: Hoàng Triều
Sự vi phạm của cả hai đã gây hậu quả cho cộng đồng khi tiếp tục lây nhiễm cho 2 người khác khiến 2.000 người thuộc diện F1, F2 của 4 ca bệnh phải thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Hàng trăm ngàn sinh viên và học sinh tại TP HCM phải tạm nghỉ học. Không có gì có thể biện minh cho tiếp viên hàng không kia. Cộng đồng mạng đã yêu cầu xử lý hình sự anh ta. Trưa 3-12, Công an TP HCM cũng đã họp báo công bố khởi tố vụ án này.
Hãng hàng không sau sự việc đã lên tiếng xin lỗi người dân. Nhưng ngay sau đó, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt lời xin lỗi được cho là của các nhân viên hãng dù họ chẳng hề phạm lỗi. Chuyện các nhân viên khác nói lời xin lỗi thay cho đồng nghiệp của mình khiến nhiều người nghĩ có sự tác động của "ai đó". Rồi ít hôm sau, mạng xã hội lại xuất hiện cả một chương trình "giải cứu" với thông điệp - được cho là của một nhân viên của hãng - kể lể công ơn đã thực hiện nhiều chuyến bay "giải cứu" đưa những người Việt Nam kẹt ở nước ngoài vì đại dịch về nước. Chẳng hiểu có "tác động" hay không mà nhiều nhân vật của công chúng, người có tầm ảnh hưởng lớn đã viết bài ủng hộ hãng hàng không. Việc xử lý khủng hoảng truyền thông khiến cộng đồng mạng nổi giận.
Tuy nhiên, không ít "thánh bàn phím" công kích tất tần tật những nhân viên của hãng với những lời lẽ cực đoan, quá khích. Trong đó, có những nhân vật công chúng vốn có uy tín đã để bị lôi kéo vào chuyện thị phi làm sai lệch bản chất vấn đề, gây phản cảm cho công chúng và đặc biệt là giảm đi ý nghĩa xử lý nghiêm minh những người vi phạm gây nguy hiểm cho xã hội.