Tesla lập kỷ lục về số xe được giao hàng, giá cổ phiếu cao chưa từng thấy

Admin

09/09/2020 12:35

Cổ phiếu Tesla lập đỉnh mới trong phiên ngày thứ Sáu, sau khi hãng công bố lượng xe được giao hàng lớn chưa từng thấy...

Giá cổ phiếu Tesla lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, sau khi hãng xe điện Mỹ tuyên bố đạt mức xe giao hàng lớn chưa từng thấy trong quý 4.

Hãng tin Bloomberg dẫn tuyên bố của Tesla cho biết hãng giao được 112.000 xe cho khách hàng trong 3 tháng cuối của năm 2019, bao gồm 92.550 chiếc Model 3 và 19.450 chiếc Model S và Model X. Lượng giao hàng này tăng 15% so với kỷ lục cũ là 97.000 xe được giao trong quý 3/2019.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lượng giao hàng Model S và Model X giảm gần 8.000 xe, nhưng lượng giao hàng Model 3 - mẫu xe chủ lực của Tesla hiện nay - tăng gần 50%.

Tính cả năm, Tesla giao hàng được 367.500 xe, cao hơn cận dưới của mức dự báo mà hãng đưa ra là giao được được từ 360.000-400.000 xe trong 2019.

Kết quả này bổ sung thêm vào dòng tin tốt từ Tesla kể từ khi hãng bất ngờ công bố đạt lợi nhuận quý 3 vào tháng 10 năm ngoái.

Để duy trì đà tăng trưởng ấn tượng này trong thời gian tới, Tesla sẽ phải vượt qua một số thách thức, bao gồm việc kết thúc chương trình tín dụng thuế liên bang dành cho xe Tesla tại Mỹ, và việc Chính phủ Hà Lan cắt giảm hỗ trợ cho xe Tesla. Năm ngoái, Hà Lan dành ưu đãi lớn về thuế cho xe Tesla, giúp doanh số của hãng tại nước này tăng mạnh, nhưng ưu đãi thuế đã hết hạn vào cuối năm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá cổ phiếu Tesla tăng gần 3%, đạt hơn 443 USD/cổ phiếu, mức cao chưa từng có trong lịch sử hãng. Năm ngoái, cổ phiếu Tesla tăng 26%.

2

Một chiếc xe điện Model 3 do Tesla sản xuất.

Với mức giá cổ phiếu hiện tại, vốn hóa thị trường của Tesla đạt xấp xỉ 80 tỷ USD, cao gấp đôi vốn hóa của Ford - một "đại gia" truyền thống của công nghiệp ô tô Mỹ.

Dù đang đối mặt với tình trạng suy giảm của doanh số thị trường ô tô toàn cầu nói chung, Tesla vẫn có không ít thuận lợi để đẩy mạnh doanh số. Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai và đang có kế hoạch triển khai các biện pháp hỗ trợ các nhà sản xuất xe chạy điện tăng doanh số, trong đó có Đức - nơi Tổng giám đốc (CEO) Elon Musk của Tesla dự kiến xây dựng siêu nhà máy tiếp theo của hãng.

Tại Trung Quốc, "bầu sữa" trợ cấp cho xe chạy điện đang giảm xuống, nhưng Tesla vẫn được Chính phủ nước này ưu ái nhiều kể từ khi xây dựng nhà máy sản xuất xe ở Thượng Hải. Xe Model 3 mà hãng sản xuất từ nhà máy này được hưởng trợ cấp 3.600 USD mỗi xe và còn được miễn thuế mua hàng (purchase tax).

Trong một động thái nhằm kích cầu Model 3 tại thị trường Trung Quốc, Tesla ngày 3/1 tuyên bố giảm 9% mẫu xe này sản xuất tại nhà máy Thượng Hải.

Tesla bắt đầu giao hàng Model 3 trên thị trường quốc tế từ đầu 2019 và mẫu xe này đã trở thành nguồn doanh số chủ lực của hãng trong năm qua.

Tại Hà Lan, 12.062 chiếc Model 3 được đăng ký chỉ trong tháng 12/2019, trước khi ưu đãi thuế cho mẫu xe này kết thúc - theo dữ liệu từ trang Kentekenradar. Tại Mỹ, người mua xe Tesla vẫn được hưởng khoản tín dụng thuế liên bang 1.875 USD mỗi xe, nhưng ưu đãi này đã chấm dứt ở nhiều bang từ ngày 1/1/2020.

Tesla cho biết Trung Quốc có thể sẽ trở thành thị trường lớn thứ ba cho Model 3. Triển vọng tăng trưởng doanh số tại thị trường này đang là nhân tố quan trọng nâng đỡ giá cổ phiếu Tesla.

Thời gian qua, nhiều hãng xe truyền thống đã đưa ra "câu trả lời" với Tesla bằng cách tung ra nhiều mẫu xe điện khác nhau. Tuy nhiên, hầu như chưa có mẫu nào đạt mức doanh số ấn tượng trong cuộc cạnh tranh với các mẫu xe do Tesla sản xuất, ít nhất là tại thị trường Mỹ.

Chẳng hạn, chiếc xe điện Chevrolet Bolt của hãng General Motors (GM) có doanh số tại Mỹ sụt giảm 47% trong quý 4 và giảm 9% trong cả năm 2019.

Giới phân tích ở Phố Wall hiện dự báo Tesla sẽ giao hàng được 463.000 xe trong 2020, tăng 28% so với năm ngoái. Con số dự báo này có thể trở thành hiện thực nếu mẫu SUV Model Y của Tesla bán tốt sau khi ra mắt dự kiến trong mùa hè năm nay.