Vì thế, nếu ai hiểu đúng đắn và có trách nhiệm với cộng đồng thì cài đặt các ứng dụng truy vết chính thức được nhà chức trách khuyến nghị. Tuy nhiên, đừng gây cản trở người khác sử dụng ứng dụng này. Hiện trên cộng đồng mạng có những người trở thành "anti-bluezone" (đối kháng) chỉ vì nghĩ nó là một sản phẩm của một doanh nghiệp. Bà Lê Thu Hiền, Chánh Văn phòng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong một lần trả lời báo chí nói rõ rằng Bluezone tuy là một ứng dụng do Bkav đóng vai trò chính phát triển nhưng dựa trên ý tưởng và công sức đóng góp của nhiều doanh nghiệp, cá nhân khác, kể cả các chuyên gia nước ngoài. Có 2 nhận thức chưa đúng của cư dân mạng về Bluezone. Thứ nhất, thực chất ứng dụng không thể phát hiện người nhiễm - tức F0, mà chỉ hỗ trợ truy vết tiếp xúc, giúp bạn biết mình có nguy cơ là F1 hay không? Thứ hai, nó không thể giúp phòng bị nhiễm nhưng có thể giúp tránh nguy cơ gây lây nhiễm cho người khác khi sớm biết mình là F1 hay F2.
Nhưng có một thực tế, dù do ai phát triển, Bluezone giờ đây được công nhận là một ứng dụng chính thức của nhà chức trách trong cuộc chiến phòng chống Covid-19 ở Việt Nam. Ngày càng có nhiều nước phát triển những ứng dụng di động tương tự như Bluezone để phục vụ cho nỗ lực phòng chống dịch. Tháng 4 vừa qua, khi Bluezone mới bắt đầu được triển khai ở Việt Nam, thế giới đã có ít nhất 29 nước ứng dụng dữ liệu di động để truy vết các mối tiếp xúc phục vụ phòng dịch Covid-19. Theo các chuyên gia Việt Nam, Bluezone chỉ có thể đạt hiệu quả tối ưu khi có khoảng 1/3 dân số sử dụng, tức hơn 30 triệu người.
Điều này chỉ có thể đạt được nếu như mọi người, đặc biệt là những người có ảnh hưởng công chúng, tham gia vận động người dùng hay đơn giản là đừng cản trở.