Chiều 31/8, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết đơn vị này đang điều trị bệnh nhân bị ngộ độc do ăn pate Minh Chay. Đây là trường hợp thứ 8 được ghi nhận tại TP.HCM.
Trước đó, ngày 25/8, bệnh nhân nam, 54 tuổi, ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ăn pate Minh Chay. Sau một ngày, ông bị đau bụng, nôn ói, mệt mỏi, sụp mí mắt, nuốt, nói khó.
Người đàn ông này đến Bệnh viện Bà Rịa và được chẩn đoán liệt cơ. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng dần, tứ chi yếu liệt. Đến tối 27/8, ông được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Nam bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay. Ảnh: BVCC. |
TS Hùng cho biết ban đầu, bệnh nhân được chuyển đến khoa Nội thần kinh do yếu liệt chi. Tuy nhiên, các bác sĩ tại đây không tìm thấy dấu hiệu bất thường và nghi ngờ nguyên nhân khác. Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ quyết định đưa bệnh nhân đến đơn vị Chống độc, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.
"Ngay trong đêm, tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu, phải thở máy. Theo dõi tình trạng của bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy các dấu hiệu điển hình của ngộ độc Clostridium botulinum", TS Hùng nhận định.
Hiện người đàn ông này tỉnh táo, không sốt, thở máy, tình trạng liệt chưa cải thiện. Các bác sĩ lên kế hoạch lọc máu, duy trì dinh dưỡng, vật lý trị liệu và kiểm soát biến chứng cho người bệnh.
TS Hùng cho biết hơn 30 năm công tác, ông chưa từng gặp bệnh nhân ngộ độc do Clostridium botulinum. Theo tìm hiểu của chuyên gia này, năm 1975, các bác sĩ là thầy của ông từng gặp một số ca ngộ độc tương tự. Thời gian đó, việc điều trị không mang lại kết quả khả quan.
"Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cũng trao đổi với tôi là chưa bao giờ gặp ca ngộ độc này. Do đó, chúng tôi không ngạc nhiên khi bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác. Nhờ phương tiện kỹ thuật hiện đại, các bác sĩ mới xác định được vi khuẩn gây ra tình trạng ngộ độc này", TS Hùng cho biết thêm.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị cho 5 người ngộ độc pate Minh Chay. Các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân về bệnh viện địa phương để tiếp tục theo dõi, điều trị.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, TS.BS Dương Bích Thủy, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, cho biết trong 2 nữ bệnh nhân đang điều trị tại đơn vị này, người em hồi phục tốt hơn.
Về sức khỏe của người còn lại, bác sĩ thông tin bệnh nhân cử động được các đầu chi và mấp máy môi, mi còn sụp. Người này được các bác sĩ chăm sóc tích cực và phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở.
Cùng ngày, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM cho biết đơn vị này đang điều trị bệnh nhân 41 tuổi, ở Bình Dương, bị ngộ độc do ăn pate Minh Chay.
Trước đó, bệnh nhân bị hoa mắt, chóng mặt, yếu cơ tứ chi kèm khó thở. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân bị suy hô hấp phải đặt nội khí quản.
Ngoài ra, bệnh nhân được thay huyết tương nhiều lần, truyền dịch, kháng sinh… Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo nhưng vẫn thở máy.
Clostridium botulinum type B là vi khuẩn có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và dễ gây tử vong. Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng tạm thời không mua và sử dụng các sản phẩm của công ty này.