Thông tin xung quanh văn bản trả lời của Tổng Cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường): Có sự gán ghép, lý giải sai lệch?

29/05/2020 09:27

Liên quan đến một số thông tin gây chú ý dư luận về văn bản của Tổng Cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trả lời cho UBND tỉnh Bình Dương về việc đăng ký biến động với trường hợp chuyển nhượng vốn góp trong doanh nghiệp (DN), PV Báo Bình Dương đã tiến hành thu thập tài liệu, xác minh và được biết: Văn bản này hoàn toàn không áp dụng tương tự cho vụ việc đang diễn ra tại khu đất 43ha, Khu đô thị Tân Phú, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một. Từ đây đặt ra câu hỏi, phải chăng có sự gán ghép trong lý giải văn bản của Tổng Cục quản lý đất đai nhằm thông tin sai lệch?

Văn bản của Tổng cục quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến các doanh nghiệp khác, không liên quan đến khu đất 43 ha

Văn bản không áp dụng tương tự cho khu đất 43ha

Ngày 12-3-2020, UBND tỉnh có văn bản số 1078/UBND-KT báo cáo, kiến nghị Bộ TN&MT về việc xin ý kiến để giải quyết vướng mắc về thủ tục đất đai khi chuyển nhượng vốn góp trong DN (đối với DN có vốn chuyển nhượng không phải là DN nhà nước; loại hình sau khi chuyển nhượng vốn không thay đổi).

Cụ thể, hiện nay trên địa bàn tỉnh có phát sinh nhiều trường hợp sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn góp (nhà đầu tư nước ngoài hoặc nhà đầu tư trong nước) trong DN. Sau khi nhận chuyển nhượng, nhà đầu tư được thừa hưởng quyền sử dụng đất (QSDĐ) của DN trước khi chuyển nhượng phần vốn góp và lập thủ tục đăng ký biến động. Tại báo cáo, kiến nghị Bộ TN&MT, UBND tỉnh đã nêu ví dụ 6 trường hợp là 6 DN có vốn chuyển nhượng không phải là DN nhà nước, loại hình sau khi chuyển nhượng vốn không thay đổi.

Trả lời văn bản của UBND tỉnh, ngày 1-4-2020, Tổng Cục Quản lý đất đai có Văn bản số 674/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐ như sau: Tại điểm a khoản 1 Điều 43 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 27 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP) quy định: “Trường hợp mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần trong DN, trong đó có giá trị QSDĐ, tài sản gắn liền với đất nhưng không thay đổi về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì không phải làm thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất”. 

Như vậy, văn bản mà Tổng Cục Quản lý đất đai thuộc Bộ TN&MT trả lời cho UBND tỉnh Bình Dương là nhằm hướng dẫn để giải quyết các vướng mắc đối với những trường hợp DN có vốn chuyển nhượng không phải là DN nhà nước; loại hình sau khi chuyển nhượng vốn không thay đổi. Trường hợp này không áp dụng tương tự cho khu đất 43ha tại Khu đô thị Tân Phú, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một. 

Cần nói thêm rằng, tại văn bản số 1078/UBND-KT gửi Bộ Tài nguyên -Môi trường, UBND tỉnh cũng không hề đề cập đến khu đất 43ha. Tuy nhiên, có một số thông tin lại cho rằng Văn bản số 674/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐ của Tổng Cục Quản lý đất đai là trả lời về vấn đề tương tự khu đất 43ha. Việc  tung những thông tin này phải chăng là sự cố tình gán ghép có ý đồ, muốn “mượn gió bẻ măng”?!

Doanh nghiệp sau khi chuyển đổi loại hình phải đăng ký biến động quyền sử dụng đất

Khu đất 43 ha hiện đang là vật chứng trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” 

Liên quan đến việc thông tin Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú (sau khi được Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.Hồ Chí Minh mua lại) có phải đăng ký biến động QSDĐ hay không, theo tài liệu phóng viên thu thu thập được, cho thấy:  Ngày 1-3-2017, trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa Tổng Công ty 3-2 và Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương ký chỉnh lý biến động tên chủ sử dụng đất là Công ty Tân Phú trên giấy chứng nhận QSDĐ. Thời điểm chỉnh lý biến động sang tên cho Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú gồm 2 thành viên góp vốn là Công ty Âu Lạc  (70% ) và Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3-2) là DN nhà nước (30% ), chưa phát sinh giao dịch chuyển nhượng vốn từ Tổng Công ty 3-2 sang Công ty Âu Lạc sang Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.Hồ Chí Minh.

Sau đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.Hồ Chí Minh đã nhận chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú. Hiện nay, Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú đã chuyển đổi loại hình DN từ Công ty TNHH hai thành viên trở lên thành Công ty TNHH một thành viên và được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN Công ty TNHH một thành viên đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 29-6-2018. 

Tại điểm c khoản 1 Điều 43 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 27 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP) quy định: “Trường hợp mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần của Nhà nước tại DN thì việc xác định giá trị QSDĐ vào vốn hoặc cổ phần của nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và pháp luật về cổ phần hóa DN nhà nước.

Các trường hợp mua, bán, chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần của nhà nước quy định tại Điểm này phải xác định lại giá trị QSDĐ theo giá đất cụ thể tại thời điểm chuyển nhượng. Việc mua, bán, chuyển nhượng vốn góp hoặc cổ phần thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN”.

Theo Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29-9-2017 của Bộ TN&MT quy định trường hợp chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì DN sau khi chuyển đổi có trách nhiệm đăng ký biến động đất đai. Đối chiếu quy định nêu trên, trường hợp Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú (do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.Hồ Chí Minh làm chủ sở hữu) phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai theo quy định.

Hiện nay, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương chưa chỉnh lý biến động trên giấy chứng nhận QSDĐ mà chủ sở hữu là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.Hồ Chí Minh do nhận chuyển nhượng vốn 100% từ Công ty Âu Lạc. 

Ngoài ra, liên quan đến khu đất 43ha nêu trên, đối với trách nhiệm Tổng Công ty 3-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đang điều tra làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình chuyển nhượng QSDĐ 43 ha đất, chuyển nhượng vốn góp 30% của Tổng Công ty 3-2 trong Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú. Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, ngành chức năng sẽ giải quyết các thủ tục về đất đai theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, qua các vấn đề nêu trên cho thấy, văn bản của Tổng Cục Quản lý đất đai trả lời cho UBND tỉnh Bình Dương không áp dụng tương tự cho khu đất 43ha; cũng như việc Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú (do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh  TP.Hồ Chí Minh làm chủ sở hữu) phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai theo quy định.

Luật sư Nguyễn Doãn Hải, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Nam Việt Luật: Bên thứ 3 mua lại “không phải là bên thứ ba ngay tình”

Liên quan đến vụ việc khu đất 43 ha tại Khu đô thị Tân Phú, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (hiện đang là vật chứng trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”  tại Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương, gọi tắt là Tổng Công ty 3-2), Luật sư Nguyễn Doãn Hải, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Nam Việt Luật, nhận định:

Việc Tổng Công ty 3-2 chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty TNHH Đầu tư -Xây dựng Tân Phú (liên doanh giữa Tổng Công ty 3-2 và Công ty Âu Lạc - PV), sau đó bên thứ 3 mua lại 100% vốn (cổ phần) của Công ty Đầu tư –Xây dựng Tân Phú thì đây là loại hình mua bán chuyển nhượng cổ phần của doanh nghiệp, không phải là nhận chuyển nhượng QSDĐ theo quy định của Luật đất đai 2013.

Do đó, trong trường hợp này bên thứ 3 mua lại “không phải là bên thứ ba ngay tình” nên không thể áp dụng theo Điều 133 của Bộ luật dân sự 2015. Hơn nữa, việc Công ty Tân Phú chuyển nhượng 100% cổ phần cho bên thứ 3 không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của Công ty Đầu tư – Xây dựng Tân Phú, thay vào đó bên thứ 3 (doanh nghiệp mua lại cổ phần của Công ty Đầu tư – Xây dựng Tân Phú) phải kế thừa toàn bộ quyền của Công ty Đầu tư – Xây dựng Tân Phú. 

Do vậy, việc xác định các bên liên quan trong vụ án này sẽ được áp dụng bằng các luật chuyên ngành như Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng Hình sự.

Ngoài ra, theo thông tin mà báo chí đưa tin thì UBND tỉnh Bình Dương có công văn xin ý kiến của Tổng cục quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến các doanh nghiệp khác tại Bình Dương về việc đăng ký, biến động đất đai, không liên quan đến Công ty Đầu tư – Xây dựng Tân Phú. Do vậy, việc xử lý các sai phạm liên quan đến khu đất 43 ha tọa lạc tại phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương sẽ được xử lý, thực hiện trong quá trình điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.

http://baobinhduong.vn/thong-tin-xung-quanh-van-ban-tra-loi-cua-tong-cuc-quan-ly-dat-dai-bo-ta-i-nguyen-moi-truo-ng-co-su-gan-ghep-ly-giai-sai-lech-a223790.htm

Nhóm P.V
Bạn đang đọc bài viết "Thông tin xung quanh văn bản trả lời của Tổng Cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường): Có sự gán ghép, lý giải sai lệch?" tại chuyên mục CHUYỂN ĐỘNG 24H. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.