Thót tim cảnh người dân liều mình vác nông sản đu dây qua sông

Admin

26/11/2020 19:12

Những trận lũ vừa qua đã cuốn phăng nhiều cây cầu để vào rẫy thu hoạch nông sản đang chín rộ, người dân còn cách liều mình đu dây qua sông.

Do bị ảnh hưởng của những trận lũ, nhiều cây cầu dân sinh trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum bị nước lũ cuốn trôi. Cũng thời điểm sau bão, lũ là lúc nông sản trên rẫy chín rộ. Để có thể vào được trong rẫy thu hoạch nông sản, người dân không còn cách nào khác đành liều mình đánh đu qua sông để thu hoạch nông sản, đến khu đất sản xuất.

Theo người dân địa phương, nguyên nhân dẫn tới việc này là do cơn bão số 9 vừa qua làm nước sông Pô Kô dâng lên cao, cuốn trôi mất cầu treo bắc qua sông nên không còn đường đi lại. Cầu bê tông cách rất xa, nên người dân góp tiền mua dây cáp, ròng rọc để đu qua sông.

Tin nhanh - Thót tim cảnh người dân liều mình vác nông sản đu dây qua sông

Người dân phải đu qua sông để đến rẫy thu hoạch nông sản.

Có mặt tại vị trí “cáp treo” nơi mà những ngày qua người dân nơi đây liều mình kẹp theo những bao nông sản đánh đu qua sông khiến chúng tôi cảm rấy rùng mình. Bên kia sông một thanh niên đang kẹp theo một bao đầy ắp nông sản đu mình ra giữa giòng sông chảy xiết. Bên này bờ, 1 thanh niên khác chờ sẵn đưa thanh sào dài ra làm chỗ đáp để người bạn bám kéo vào bờ.

Cứ theo cách vượt sông mạo hiểm hết lượt này đến lượt khác, nông sản được tập kết từ rẫy về bến sông trong sự hào hứng của mọi người.

Đưa vạt áo lau những giọt mồ hồi lả tả trên khuôn mặt, anh A Thế (thôn Tà Pook, xã Đắk Nông) chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật: “Rẫy mì của gia đình nằm phía bên kia sông. Nhưng do trận bão vừa qua câu dân sinh bị cuốn theo dòng nước lũ. Rẫy mì đã đến ngày thu hoạch, để lâu củ sẽ bị hư, xót ruột nên người dân chung nhau góp tiền mua sợi dây cáp dài hơn 200 mét làm dây đu qua sông”.

Tin nhanh - Thót tim cảnh người dân liều mình vác nông sản đu dây qua sông (Hình 2).

Người qua trước sẽ hỗ trợ những người qua sau.

“Riêng ròng rọc có gắn móc sắt thì mỗi người sắm riêng một cái, tự mang theo mỗi khi di chuyển. Trước đây khi chưa có cầu treo, người dân chúng tôi cũng dùng cách này để qua sông. Chỉ có người phụ nữ địu con mà đu qua sông, không may xảy ra chuyện rất nguy hiểm".

Anh Nguyễn Văn Đại, 32 tuổi, trú xã Đắk Ang cho biết, hằng ngày vẫn phải đu qua sông để đưa con tới trường học cho gần, vì nếu đi cầu bê tông, phải mất hơn 20km.

Đưa con đi học xong, anh lại dùng cáp treo chuyển hàng chục bao cà phê qua sông mang đi bán. Nhiều lúc cáp treo kẹt ở giữa sông, cách mặt nước cả chục mét. "Vừa ôm con tôi phải vừa dùng tay kéo dần dần để vào bờ. May mắn chưa bị rơi xuống sông lần nào", anh kể lại.

Ông Phan Thanh Tùng, Chánh văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi thông tin: “Cơn bão số 9 đã cuốn trôi, làm hư hỏng 6 cây cầu treo dân sinh. Do đang vào mùa thu hoạch nông sản nên người dân buộc phải tìm cách vận chuyển qua sông đi tiêu thụ.

Huyện, xã cũng đã khuyến cáo, cảnh báo rồi nhưng không cho người dân vận chuyển thì không được vì đây là nhu cầu thiết thực”.

Tin nhanh - Thót tim cảnh người dân liều mình vác nông sản đu dây qua sông (Hình 3).

Nông sản được vận chuyển qua sông theo đường cáp treo tự chế.

Cũng theo ông Tùng, UBND huyện Ngọc Hồi đã báo cáo, đề xuất lên UBND tỉnh Kon Tum có kế hoạch bố trí nguồn vốn xây dựng lại những cây cầu treo bị hư hỏng, cuốn trôi để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.