Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất thu phí xử lý rác thải theo khối lượng thay vì thu quân bình đầu người theo tháng. Đây là một trong những điểm mới trong luật Bảo vệ môi trường sửa đổi phù hợp với xu hướng trên thế giới.
Như chúng ta đã biết, kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được chi trả gần 100% bởi ngân sách nhà nước. Việc thu nguồn kinh phí này tại các địa phương được thực hiện thu bình quân theo hộ gia đình, một số địa phương thu theo số nhân khẩu của hộ gia đình mà chưa thu theo thực tế khối lượng chất thải phát sinh hoặc các loại chất thải phát sinh. Điều này dẫn đến không khuyến khích việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, đồng thời không khuyến khích việc phân loại chất thải tại nguồn.
Làm thế nào để tính được khối lượng?
Khi đề xuất được đưa ra, đã có rất nhiều người dân ủng hộ đề xuất trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, cụ thể những nhà hàng, cửa hàng ăn uống, kinh doanh sẽ phát sinh nhiều rác thải sinh hoạt cần phải nộp phí cao hơn so với các hộ gia đình nhằm đảm bảo sự công bằng.
Tuy nhiên, có không ít ý kiến băn khoăn là làm thế nào để tính được khối lượng rác phát sinh. Nếu các gia đình tự cân, tự ghi nhật ký sẽ mất thời gian, mất vệ sinh. Còn nếu để nhân viên thu gom tự cân, tự ghi sẽ khó tạo sự tin tưởng. Còn phương án cả 2 cùng cân, ghi sổ và ký nhận càng khó thực hiện.
Những nhà hàng, cửa hàng ăn uống, kinh doanh sẽ phát sinh nhiều rác thải sinh hoạt cần phải nộp phí cao hơn so với các hộ gia đình nhằm đảm bảo sự công bằng. |
Đề xuất trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải dựa theo khối lượng thay vì tính bình quân đầu người là cần thiết nhưng làm sao để đạt hiệu quả và tăng tính khả thi mới là câu chuyện khó cần tính đến. Bởi trong nhiều năm qua, lượng rác thải quá lớn và không ngừng tăng, tạo gánh nặng lớn cho nền kinh tế, đe dọa sự phát triển bền vững của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Tuy nhiên, thu phí rác theo khối lượng trong điều kiện chưa thể thực hiện phân loại rác tại nguồn, quá trình thu gom xử lý rác còn nhiều khó khăn... sẽ phải có các giải pháp đồng bộ từ kỹ thuật, truyền thông và đánh giá mức độ tác động phù hợp với từng địa phương, vùng miền.
Thu phí xử lý rác thải sẽ khó khả thi
Trao đổi nhanh với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về đề xuất thu phí xử lý rác thải theo khối lượng thay vì thu quân bình đầu người theo tháng như trước đây trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng:
“Theo tôi, đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra là tốt nhưng theo đánh giá của cá nhân tôi thì tính khả thi chưa cao. Tại sao là tốt, nếu thu phí xử lý rác theo khối lượng thì ai xả rác ra nhiều thì sẽ phải tính tiền nhiều, ai xả ít thì sẽ trả tiền ít. Điều này sẽ giúp người dân có ý thức trong việc xả rác ra bên ngoài hơn. Trở lại với câu chuyện thu phí theo khối lượng rác, ở Thành phố ai sẽ là người đi cân rác, làm sao để kiểm soát được lượng rác mà người dân đi đổ trộm, đây là việc rất khó, sẽ có rất nhiều vấn đề lộ ra khi đưa đề xuất vào thực hiện vì vậy theo tôi là nên thí điểm ở một khu phố nào đó, xem có những khó khăn, tồn tại những vấn đề gì để khắc phục. Nếu thí điểm đạt hiệu quả cao, sẽ nhân rộng ra các nơi khác”.
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng ( Ảnh: Internet). |
Dự thảo Luật cũng đưa ra một số quy định, để quy định này đi vào cuộc sống, đảm bảo tính khả thi. Cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể lộ trình, hình thức và mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh; đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật;
Bên cạnh đó, tổ dân phố, tổ chức chính trị xã hội phối hợp đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị thu gom, vận chuyển hoặc điểm tập kết đúng quy định; giám sát và công khai hành vi vi phạm của hộ gia đình, cá nhân trong phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.