"Thử thách xem mình thay đổi" - lợi bất cập hại

Admin

20/11/2020 08:42

Trong tuần qua, một mạng xã hội (MXH) tràn ngập những status đu trend theo trào lưu gọi là Thử thách xem bạn thay đổi nhiều tới cỡ nào trong thời gian qua "HowMuchHaveYouChangedChallenge". Theo đó, họ tung lên mạng 2 ảnh của mình trước đây và hiện nay cách nhau 10 năm, 20 năm.

Nghĩ thì cũng thích, thêm một trò vui ảo diệu thư giãn và có dịp lục lại kho ảnh xưa để tìm lại những hình bóng tưởng chừng đã quên đi rồi so sánh coi sau ngần ấy thời gian xem mình thay đổi ra sao. Số người hưởng ứng trào lưu "thay đổi" này trên toàn cầu lên tới nhiều triệu người.

Trong khi quảng đại cư dân mạng hồ hởi, hí hửng khoe ảnh cá nhân, những chuyên gia cười mỉm chỉ cho rằng cộng đồng người dùng tự nguyện góp sức cung cấp cho MXH này một cơ sở dữ liệu (CSDL) cá nhân khổng lồ. Thay vì phải dùng thuật toán tìm kiếm trong kho ảnh dữ liệu người dùng khổng lồ rồi chọn lọc, MXH kia đã được người dùng "dâng" cho các hình ảnh có mốc thời gian cụ thể. Và không chỉ họ, công ty công nghệ nào có công cụ rà quét cũng có thể thu thập từ các MXH CSDL này. Mà CSDL người dùng trong nền kinh tế số là tiền và rất nhiều tiền.

Thật ra, trào lưu "thay đổi" này chỉ là một phiên bản mới của năm 2020. Hồi năm 2019, cũng trên MXH này đã có trào lưu "10YearChallenge" thu hút người dùng post ảnh của mình chụp vào 2 thời điểm 2009 và 2019. Rồi khi có ý kiến cảnh báo có mùi của "thuyết âm mưu", MXH này đã cho rằng mình vô can, không hề can thiệp hay giúp tạo ra trào lưu này. Họ biện minh: "Đây là một trào lưu do người dùng tạo ra rồi tự lan truyền." Thậm chí, đại gia công nghệ này còn giải thích các hình ảnh này đã có sẵn trong kho dữ liệu hình ảnh của người dùng mà giờ họ chỉ việc tìm và post lại. Còn nhớ, thời điểm ấy, trang công nghệ Wired đã có bài dài phân tích lợi hại của trào lưu post ảnh thay đổi 10 năm này đang rộ lên trên khắp các MXH có đông thành viên. Trong mục An ninh, tác giả Kate O’Neill nêu nghi vấn đây có thể là cách thu thập dữ liệu người dùng để giúp huấn luyện cho công nghệ nhận diện khuôn mặt của trí tuệ nhân tạo (AI).

Ai cũng biết là việc có được dữ liệu hình ảnh rộng lớn đầy đủ và có cả các mốc thời gian cụ thể sẽ giúp cho việc phát triển thuật toán dễ dàng và chính xác hơn. Tất nhiên, việc hoàn thiện công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ tùy vào mục đích sử dụng tích cực hay tiêu cực. Sau khi phát triển dịch vụ nhận diện khuôn mặt thời gian thực vào cuối năm 2016, Amazon đã bắt đầu bán các dịch vụ này cho các cơ quan nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật của Mỹ. Công nghệ này làm dấy lên mối lo ngại về quyền riêng tư và nhiều người cho rằng cảnh sát có thể không chỉ dùng công nghệ này để theo dõi tội phạm mà còn cả những người dân.

Vì thế, các nhà chuyên môn khuyến cáo rằng các cư dân mạng phải luôn cẩn trọng với các ứng dụng, phần mềm, trò chơi, trào lưu có điều kiện là phải chia sẻ dữ liệu cá nhân, kể cả hình ảnh. Kẻo lợi bất cập hại, vui trong chốc lát mà buồn dài lâu.

Bạn đang đọc bài viết ""Thử thách xem mình thay đổi" - lợi bất cập hại" tại chuyên mục CÔNG NGHỆ.