Tỉ giá "nổi sóng", liệu áp lực có kéo dài?

Admin

13/02/2025 12:11

Theo chuyên gia, tỉ giá tiếp tục duy trì ở mức cao bởi các chính sách điều hành của ông Donald Trump và căng thẳng thương mại đang tác động đến kinh tế toàn cầu.

Tỉ giá USD/VND tăng mạnh

Những ngày gần đây, thị trường ngoại hối chứng kiến nhiều biến động đáng chú ý khi tỉ giá USD so với các đồng tiền chủ chốt có sự thay đổi rõ rệt. 

Các yếu tố như chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), diễn biến kinh tế toàn cầu và biến động địa chính trị đã góp phần tác động mạnh đến đồng bạc xanh. Tại Việt Nam, tỉ giá USD/VND cũng có xu hướng điều chỉnh, phản ánh sức ép từ thị trường quốc tế.

Ngày 12/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỉ giá trung tâm ở mức 24.550 đồng/USD, tăng 28 đồng so với hôm qua. Tỉ giá trung tâm gần đây liên tục được điều chỉnh tăng, với mức tăng tổng cộng 225 đồng kể từ phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (3/2).

Về phía khối ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang niêm yết giá USD ở 25.310 - 25.700 VND/USD, tăng 140 đồng mỗi chiều so với đầu giờ sáng qua.

Tỉ giá "nổi sóng", liệu áp lực có kéo dài?- Ảnh 1.

Tỉ giá USD/VND tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) ghi nhận chiều mua vào - bán ra USD đang ở mức 25.210 - 25.748 VND/USD, tăng 145 đồng chiều mua và 103 đồng chiều bán so với cập nhật đầu giờ sáng qua.

Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân,giá USD mua/bán tại Techcombank lần lượt ở mức 25.274 - 25.748 VND/USD. Tại Eximbank, tỉ giá USD ở mức 25.320 - 25.760 VND/USD.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 11/2, để ổn định tỉ giá trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục can thiệp vào thị trường mở. Trên kênh mua kỳ hạn, NHNN chào thầu 9.797,71 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4%/năm và 12.692,51 tỷ đồng với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 4%.

Kết quả, toàn bộ 22.487,22 tỷ đồng được trúng thầu. Đồng thời, nhà điều hành phát hành một loại tín phiếu kỳ hạn 7 ngày với quy mô 2.999,8 tỷ đồng, lãi suất 4%.

Bài toán đánh đổi giữa tăng trưởng tín dụng và ổn định tỉ giá

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế Tp.HCM nhận định, tỉ giá USD/VND tiếp tục duy trì ở mức cao trong đầu năm nay bởi các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ đang tác động đến kinh tế toàn cầu và việc nhà đầu tư ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn ra từ đầu năm đến nay.

Mặt khác, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước vẫn tiếp tục diễn ra có thể khiến lạm phát của Mỹ duy trì ở mức cao, khiến Cục Dự trữ liên bang (Fed) giữ nguyên lãi suất thì đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên.

Tỉ giá "nổi sóng", liệu áp lực có kéo dài?- Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế Tp.HCM.

Về tỉ giá trong nước, ngoài ảnh hưởng từ đà tăng của đồng USD, các yếu tố như xuất nhập khẩu và cán cân thanh toán cũng đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, khối ngoại đang bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tạo áp lực lên cán cân tài khoản vốn. 

Xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi cũng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam, phần nào gây áp lực lên đồng nội tệ của nhiều quốc gia.

Đồng thời trong năm 2025, Việt Nam đang ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đầy tham vọng khoảng 8%. Để đạt được mức tăng trưởng này, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tăng trưởng tín dụng cần đạt khoảng 16% hoặc thậm chí cao hơn. Điều này đòi hỏi phải bơm thêm tiền ra nền kinh tế và duy trì mức lãi suất thấp, thậm chí có thể tiếp tục giảm lãi suất.

Muốn giảm lãi suất thì cần hy sinh tỉ giá hoặc ngược lại. Chính sách này vô hình trung tạo thêm áp lực lên tỉ giá, đặt ra bài toán đánh đổi giữa tăng trưởng và ổn định tỉ giá.

Với những cơ hội và thách thức đan xen, TS. Châu Đình Linh - Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM cho rằng, đồng USD trên thế giới tăng mạnh tác động tới toàn bộ các nước không chỉ riêng Việt Nam. Nếu như tỉ giá tăng nhanh, không có sự "ra tay" của Ngân hàng Nhà nước sẽ dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực.

Chính vì vậy, NHNN phải linh hoạt và có nhiều kịch bản ứng phó với diễn biến tỉ giá. Bởi nếu tỉ giá tăng thì mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất mà Chính phủ và NHNN đặt ra khó đạt được, nên phải có sự điều hành hài hoà, thậm chí một số thời điểm NHNN phải nâng lãi suất để hạ nhiệt tỉ giá.

MBS cho rằng thách thức đối với tỉ giá USD/VND vẫn còn khi cuộc chiến thương mại được dự báo sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đồng USD trong thời gian tới.

Lãi suất, tỉ giá sẽ ra sao trong năm 2025?Thống đốc: Ổn định thị trường ngoại hối, tỉ giá trong nước là câu chuyện rất khó khăn

"Những rủi ro liên quan đến chính sách thuế quan của Trump sẽ tiếp tục củng cố vị thế của đồng USD. Do đó, rủi ro tỉ giá vẫn sẽ cần được chú ý trong thời gian tới", MBS nhận định.

Dựa trên những phân tích trên, MBS kỳ vọng tỉ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 25.800 VND/USD trong quý I/2025 khi các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao của Mỹ so với các nước khác và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng VND như thặng dư thương mại tích cực (khoảng 3,03 tỷ USD trong T1/2025), lượng vốn FDI giải ngân dồi dào (1,51 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (tăng 36,9% so với cùng kỳ trong T1/2025). Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỉ giá trong năm 2025.