Trong đó, dư luận đang đặt dấu hỏi về một dự án sân golf 27 lỗ được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang vừa ký văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xin ý kiến thẩm định thực hiện tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.
Có cần thiết có dự án sân golf?
Dự án này do liên danh CTCP đầu tư và phát triển bất động sản HUDLand và CTCP tư vấn và thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư. Được biết, năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chấp thuận về mặt chủ trương cho liên danh này nghiên cứu khảo sát khu đất thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, có diện tích 170ha để lập quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng Sân golf Quốc tế Thuận Thành, thiết kế 27 lỗ.
Theo một số chuyên gia bất động sản, đằng sau mối lo ngại về môi trường bị ảnh hưởng, đề xuất xây dựng sân golf “khủng” của tỉnh Bắc Ninh còn làm dấy lên mối lo về sự phát triển ồ ạt, thiếu tầm nhìn, làm cạn kiệt nguồn lực đất đai khi tỉnh này có phần dễ dãi trong việc cho phép xây dựng dự án không thực sự cần thiết, xuất phát từ tư duy “trải thảm”, nóng lòng thu hút đầu tư.
Theo TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, xét về tổng thể, trong vùng Thủ đô Hà Nội (bao gồm 10 tỉnh, thành phố), hệ thống sân golf thời gian qua được xây dựng tương đối nhiều nhưng khai thác hiệu quả sân golf chưa cao, chưa khai thác hết quy mô, tần suất, còn lãng phí rất nhiều.
Dự án Sân golf Quốc tế Thuận Thành theo đề xuất có diện tích lên tới 170ha, được xây dựng tại vị trí ven sông Đuống, nơi đất đai thuộc loại trù phú nhất vùng, người dân đang sản xuất hoa màu, cây ăn quả rất tốt.
Ngoài phục vụ việc tưới tiêu, hiện nay, sông Đuống còn là nguồn trực tiếp của rất nhiều nhà máy nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhất là khu vực huyện Quế Võ và một phần của Hà Nội cũng đang sử dụng nước sông Đuống.
Bờ xôi ruộng mật sắp tới sẽ được quy hoạch trở thành sân golf 27 lỗ (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Như vậy, ngoài mối nguy hại đến môi trường, đến chất lượng nguồn nước, quy hoạch sân golf ở vị trí này cũng sẽ có thể gây ra tác động ngược là làm cạn kiệt nguồn lực đất đai thay vì phát huy giá trị của nó. Bởi nếu phát huy tiềm lực đất đai thì sân golf phải xây dựng ở những vùng đất cằn cỗi, không thể canh tác hoặc không thể sử dụng vào mục đích khác.
Với những lý do đó, TS. KTS. Trương Văn Quảng cho rằng, chính quyền tỉnh Bắc Ninh cần xác định lại sự cần thiết phải đầu tư sân golf và việc lựa chọn vị trí để xây dựng.
"Phải trả lời được câu hỏi tại sao lại xây dựng ở vị trí đó? Vị trí đó có đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của sân golf không, có ảnh hưởng đến cư dân, môi trường không, Luật Đê điều có cho phép không? Trong quy hoạch này thì bất động sản chiếm bao nhiêu phần trăm?...”, ông Quảng nhấn mạnh.
Bài học từ các đô thị khác
Theo chuyên gia này, Bắc Ninh đang quy hoạch phát triển đô thị loại 1, trực thuộc Trung ương. Do đó, tương lai của đô thị này cần phải được coi trọng, không thể vội vàng cho phát triển tràn lan, thiếu bền vững.
Nhiều lo ngại cũng được đặt ra về việc Bắc Ninh lên thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng phê duyệt dự án tràn lan, cấp phép ồ ạt dẫn đến đất đai không được khai thác hiệu quả, nhiều dự án bỏ hoang, chậm tiến độ như câu chuyện của Hà Tây, Mê Linh khi sáp nhập Hà Nội, không giải quyết hài hòa giữa phát triển đô thị và an sinh xã hội.
Bởi khi Bắc Ninh lên thành phố trực thuộc Trung ương, chắc chắn giá đất sẽ tăng, sẽ xuất hiện làn sóng đầu tư. Nếu phía chính quyền không định tâm, không toàn tâm toàn ý cho sự phát triển lâu dài của Bắc Ninh thì đó cũng là dịp để tranh thủ, có thể ồ ạt cho phát triển dự án vì một lợi ích nhóm nào đó (?).
Bắc Ninh sẽ trở thành đô thị loại I (Ảnh: Internet) |
Thực tế, sau 12 năm sáp nhập về Hà Nội, các dự án bất động sản “đình đám” một thời tại Mê Linh vẫn bị bỏ hoang. Trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có khoảng 50 dự án bất động sản lớn với quy mô 10 - 100ha nhưng sau nhiều năm giao đất, hầu hết đều đang “treo”, chưa có dấu hiệu triển khai.
Ngay tại Bắc Ninh, thời điểm tháng 8/2019 có 11 dự án cũng rơi vào tầm ngắm thanh tra khi các dự án này đều được “ngâm tôm”.
“Nhiều dự án lúc xin phép, quảng bá rất hoành tráng nhưng sau một thời gian lại biến tướng thành dự án khác hoặc bỏ hoang, chậm tiến độ. Quy hoạch “treo” thực tế đã “treo” cả cuộc sống của người dân, gây lãng phí đất đai”, TS. KTS. Trương Văn Quảng nói.
Theo Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương, làm tiền đề để xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022. Đặc biệt, phấn đấu đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của vùng kinh tế Bắc Bộ và trở thành đô thị thông minh, đô thị lớn trong vùng Thủ đô Hà Nội.
“Bắc Ninh là đô thị liền kề Hà Nội, có cả nền văn hóa rực rỡ, do đó cũng cần phải có một không gian đô thị xứng tầm, không thể để lặp lại tình trạng xây dựng ngổn ngang, băm nát quy hoạch như một số địa phương”, TS. KTS. Trương Văn Quảng nhấn mạnh.
Minh Sơn