Tiếp bài “Tranh chấp đất ở xã Cửa Dương: UBND huyện Phú Quốc làm đúng”: Hồ sơ địa chính thể hiện “đất UBND quản lý”

Admin

14/05/2020 06:30

Ngày 2/4/2020, báo PLVN có bài “tranh chấp đất ở xã Cửa Dương: UBND huyện Phú Quốc làm đúng” phản ánh việc UBND huyện Phú Quốc giải quyết đơn tố cáo của công dân, kết luận việc ông Trần Văn Việt ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Trí Minh về hành vi “chiếm đất…” là đúng quy định

Trong diễn biến liên quan đến vụ việc này, vào tháng 10/2018, chủ cũ của thửa đất cũng đã bị Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc ra Quyết định định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (do hết thời hiệu xử phạt), buộc trả lại đất cho Nhà nước quản lý. 

Tiếp bài “Tranh chấp đất ở xã Cửa Dương: UBND huyện Phú Quốc làm đúng”: Hồ sơ địa chính thể hiện “đất UBND quản lý” - Ảnh 1

Hiện trường xây dựng hàng rào của ông Minh, bị UBND xã Cửa Dương xử lý 

Thửa đất chưa đứng tên cá nhân nào 

Kết luận nêu rõ, việc UBND xã Cửa Dương lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật vi phạm và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Trí Minh (SN 1970, trú tại tổ 4, ấp Ông Lang, xã Cửa Dương) về hành vi “chiếm đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng quản lý” là đúng quy định. 

Đối với diện tích tích 3.924m2 mà ông Minh cho rằng đã “sang nhượng hợp pháp” từ bà Trương Thị Hiền vào năm 2007 (thửa số 287, tờ bản đồ số 24, thuộc tổ 4, ấp Ông Lang), UBND xã Cửa Dương khẳng định, từ sau năm 1975, đất chưa có ai sử dụng và thuộc diện “nhà nước quản lý”. 

Đến năm 1992, thực hiện Chỉ thị số 14/UB-CT ngày 20/8/1992 của UBND tỉnh Kiên Giang (về việc tổ chức cấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời), đất vẫn chưa ai sử dụng nên không quy chủ và xác định vẫn do nhà nước quản lý.

Năm 2011, khi thực hiện đo đạc bản đồ địa chính diện tích đất nêu trên được xác định nằm trong thửa đất số 12, tờ bản đồ 24 (tổng diện tích 13.363,9 m2) do UBND xã quản lý.   

Theo sổ mục kê Quyển số 001 do Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang lập ngày 20/9/2011 thì diện tích 3.924m2 nằm trong thửa đất số 12, tờ bản đồ số 24 có diện tích 13.363,9m2 là đất do UBND xã quản lý.

Đối với bản trích đo địa chính do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ)  huyện Phú Quốc lập ngày 16/7/2018 (thửa đất số 287, là  một phần thửa 24- PV) UBND huyện Phú Quốc khẳng định văn bản này không hợp pháp vì chưa được cơ quan thẩm quyền ký xác nhận. Mặt khác quá trình đo đạc xác định ranh giới thửa đất này, Chi nhánh VPĐKĐĐ chưa phối hợp với UBND xã Cửa Dương để thực hiện dẫn đạc (không đúng theo quy định Điều 11, Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT).

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Trung Thành (Đoàn LS Hà Nội) cũng cho rằng, có thể hiểu, bản trích đo địa chính nêu trên được VPĐKĐĐ lập theo đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của công dân. Đây chỉ là một tài liệu để phục vụ việc cấp GCNQSĐĐ chứ không có giá trị pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất của người đề nghị trích đo. Sau khi có bản trích đo, phải qua nhiều thủ tục khác như: chính quyền địa phương xác định nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp… rồi mới tiến hành công khai hồ sơ. Tuy nhiên, ngay từ giai đoạn xác định nguồn gốc đất, chính quyền địa phương đã xác định đất không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ nên không thể lập hồ sơ và niêm yết công khai được

Tiếp bài “Tranh chấp đất ở xã Cửa Dương: UBND huyện Phú Quốc làm đúng”: Hồ sơ địa chính thể hiện “đất UBND quản lý” - Ảnh 2

Sổ mục kê năm 2011 thể hiện chủ sử dụng thửa đất số 12, tờ bản đồ 24 là UBND xã 

Người bị xử phạt không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định

Theo tìm hiểu của phóng viên, liên quan đến việc sử dụng đất tại thửa số 12 nêu trên, vào tháng 10/2018, UBND huyện Phú Quốc cũng đã ra Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (do hết thời hiệu xử phạt), buộc trả lại đất cho Nhà nước quản lý đối với bà Trương Thị Hiền (người đã từng viết giấy tay bán 3.000m2 đất cho ông Minh năm 2007- PV ).

Sau đó, bà Hiền đã khởi kiện vụ án hành chính đối với Quyết định nói trên. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời TAND tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc vẫn khẳng định việc ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là đúng hành vi, đúng đối tượng. Hồ sơ thể hiện 6.514,5m2 đất mà bà Hiền đã dựng công trình nằm trong diện tích 113.363,9m2 của thửa số 12, tờ bản đồ số 24 do UBND xã Cửa Dương quản lý.

Khẳng định việc bà Hiền sử dụng đất như trên đã không có giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, UBND huyện Phú Quốc còn cho biết, theo quy hoạch được duyệt thì chức năng của khu đất là “đất ở đô thị”

Bình luận về diễn biến này, luật sư Thành cũng cho rằng, bà Hiền cũng có thể được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 101 Luật đất đai (trường hợp không có giấy tờ) khi có đủ các điều kiện: đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004; không vi phạm pháp luật về đất đai; được UBND xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, bà Hiền đã không có giấy tờ chứng minh việc sử dụng đất ổn định trước 1/7/2004 (quy định tại Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, như: Biên lai thuế; Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ; Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của UBND cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký…).

Đã vậy, bà Hiền còn bị UBND xã coi là có vi phạm về đất đai (lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý) và không được xác nhận là “không có tranh chấp”. Nếu bà Hiền sử dụng đất không hợp pháp thì đương nhiên những người nhận chuyển nhượng đất từ bà này (bằng giấy tay) cũng bị coi là sử dụng không hợp pháp. 

Tiếp bài “Tranh chấp đất ở xã Cửa Dương: UBND huyện Phú Quốc làm đúng”: Hồ sơ địa chính thể hiện “đất UBND quản lý” - Ảnh 3

Được biết, trước khi bị UBND huyện Phú Quốc ra quyết định “áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả” như trên thì vào cuối năm 2015, đầu năm 2016, bà Hiền đã từng bị UBND xã Cửa Dương xử phạt vi phạm hành chính (về hành vi vi “chiếm đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng quản lý”) và quyết định buộc khôi phục lại tình trạng trước khi vi phạm.

Tuy nhiên, sau khi bà Hiền khởi kiện hành chính, hai Quyết định trên đã bị Tòa tuyên hủy. Tại bản án phúc thẩm, TAND tỉnh Kiên Giang cho rằng, trình tự thủ tục ban hành hai Quyết định trên vi phạm khoản 3, Điều 6, Nghị định 81/2013/NĐ-CP (lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính. 

Theo LS Thành, có thể hiểu hai Quyết định của UBND xã Cửa Dương bị hủy là do sai sót trong thủ tục lập biên bản và ra quyết định (chứ không phải sai sót về nội dung ). Trong khi đó, khoản 3, Điều 6b Nghị định 97/2017/NĐ-CP (sửa đổi bố sung Nghị định 81/2013/NĐ-CP) quy định rõ “Trong các trường hợp sau đây, nếu có căn cứ để ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới:.. Có bản án, quyết định của Tòa án về việc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định về xử lý vi phạm hành chính bị khởi kiện”.

Như vậy, trong vụ việc trên, khi Tòa cho rằng việc xử phạt bà Hiền năm 2015 là sai trình tự thì UBND xã Cửa Dương hoàn toàn có thể ra Quyết định xử phạt mới cho đúng thủ tục hoặc chuyển hồ sơ đến UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định khác theo thẩm quyền. Trong vụ việc này, do xác định hành vi của bà Hiền hết thời hiệu xử phạt nên Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc không xử phạt mà chỉ Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc trả lại đất cho Nhà nước quản lý.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin về phán quyết của TAND tỉnh Kiên Giang đối với việc khởi kiện của bà Hiền đối với Quyết định nêu trên.