Bùng nổ bất ngờ tại Trung Quốc
Cho đến năm 2007, gần như vẫn chưa có nền tảng cho vay P2P nào hoạt động tại Trung Quốc. Thế nhưng, vào những năm đầu thập kỷ 2010, Trung Quốc đã thế chỗ Mỹ trở thành thị trường cho vay ngang hàng lớn nhất thế giới.
Thành công của kẻ tiên phong PPDAI Group, công ty ra mắt năm 2007 và IPO trên thị trường chứng khoán New York vào cuối năm 2017, càng khiến P2P trở thành ngành công nghiệp tài chính phát triển bậc nhất tại Trung Quốc, đặc biệt khi chế tài quy định cho loại hình này hầu như chưa có gì.
Trong nền kinh tế ngầm của Trung Quốc khi đó, P2P vừa mang dáng dấp của thói quen cho vay không qua trung gian đã tồn tại hàng chục thế kỷ tại quốc gia này, vừa được thực hiện thông qua các công cụ hiện đại, mang hơi thở của thế giới mới.
Chỉ trong vòng 5 năm, từ 2011 đến 2015, số lượng các công ty cho vay ngang hàng tại Trung Quốc đã nhảy vọt từ 50 lên tới 3.500, lôi kéo hơn 50 triệu người gia nhập, tạo nên thị trường có dư nợ tới 1.300 tỷ nhân dân tệ (tương ứng 192 tỷ USD) vào năm 2018.
Nếu so với mức lãi suất tiền gửi của các ngân hàng Trung Quốc chỉ loanh quanh 2-3% khi đó, thì lợi nhuận từ việc cho vay qua P2P cao hơn nhiều, lên tới 8-12%/năm. Ở quốc gia còn nặng tính phân biệt kinh tế tự doanh và quốc doanh, khả năng tiếp cận nguồn tiền vay đối với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ vẫn vô cùng khó khăn bởi các ngân hàng chỉ thích làm ăn với công ty lớn hoặc doanh nghiệp Nhà nước.
Báo cáo năm 2016 của Ngân hàng Phát triển Singapore và Ernst & Young chỉ ra rằng, chỉ có 20-25% khoản vay ngân hàng đã được giải ngân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặc dù các công ty này làm ra tới 60% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc.
Sức hút khổng lồ của P2P đã lôi kéo được rất nhiều người Trung Quốc đổ tiền tiết kiệm của mình để cho vay qua kênh này, từ tri thức tới những người chạy chợ nhỏ lẻ. Zhang Xue, một bà mẹ đơn thân 47 tuổi có một đứa con trai 13 tuổi, đã đổ toàn bộ 3,8 triệu nhân dân tệ vào một tài khoản cho vay trực tuyến.
Hay như Emily Zhang, một nhân viên của công ty P2P trụ sở tại Thượng Hải, đã rút toàn bộ tiền tiết kiệm để đổ vào công ty, chờ đợi khoản lãi lên tới 10% mỗi năm, khi cô tin rằng những kiến thức mà mình có được sẽ không khiến bản thân ra quyết định sai lầm.
Làn sóng sụp đổ đồng loạt
Mọi chuyện dường như êm thấm đến năm 2017, khi một nhóm các nhà đầu tư kéo đến thành phố Hàng Châu vào đầu tháng 7/2017 để khiếu nại về việc bị các trang web và ứng dụng cho vay ngang hàng lừa đảo. Chỉ trong vòng vài ngày, số lượng người tìm đến đã lấp đầy 2 sân vận động của thành phố, tạo ra cú sốc khủng khiếp lên thị trường tài chính ngầm tại Trung Quốc.
Trên báo chí năm ấy cũng tràn ngập các bài đăng về việc hàng triệu người bị lừa khi tham gia P2P. Zhang Xue mất hết 3,8 triệu nhân dân tệ, Emily Zhang không còn hi vọng lấy lại tiền gốc của mình. Với những người đi vay, Chen Baihua - 25 tuổi, ở tỉnh Chiết Giang - cũng khốn khổ với khoản nợ lên tới 130.000 nhân dân tệ và phải nhờ tới sự giúp đỡ của cha mẹ. Trong khi một cô gái 22 tuổi ở tình Sơn Đông từng chia sẻ với AFP câu chuyện về khoản vay nợ, nhanh chóng "lãi mẹ đẻ lãi con" lên tới 200.000 nhân dân tệ.
Trước tình hình hỗn loạn của thị trường, đến năm 2018, chính quyền Trung Quốc bắt đầu có những biện pháp kiểm soát chặt cho vay ngang hàng. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhà chức trách đã buộc nhiều đơn vị cho vay phải ngừng hoạt động
Đồng thời, chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các ngân hàng kiểm tra nghiêm ngặt các khoản vay P2P, đẩy mạnh chiến dịch truy quét nền tảng sai phạm
Lúc này, người Trung Quốc mới nhìn lại các chỉ dấu tiêu cực đã từng được báo chí nhắc tới. Ngay từ năm 2015, cứ 3 ứng dụng cho vay ngang hàng mới được mở tại Trung Quốc thì có 1 ứng dụng cũ đóng cửa. Số liệu thống kê do Ủy ban điều tiết ngân hàng Trung Quốc công bố cho thấy khoảng 40% nền tảng cho vay P2P trên thực tế là các chương trình Ponzi.
Ezubao, cái tên sừng sỏ trên thị trường sụp đổ vào năm 2015, khiến hàng trăm ngàn nhà nhà đầu tư mất trắng 7,6 tỷ USD. Tairan - sàn P2P tồn tại 5 năm, thực hiện 4,05 triệu giao dịch, với tổng giá trị khoản vay đạt 7,71 tỷ USD và thu hút 3,14 triệu người dùng, cũng tuyên bố vỡ nợ hồi năm ngoái. Đặc biệt, công ty này tuyên bố phá sản chỉ sau 2 tuần nộp đơn IPO trên sàn Nasdaq của Mỹ. Nhà sáng lập Pan Baofeng thú nhận họ có liên quan đến hoạt động gây quỹ bất hợp pháp.
Cổ phiếu của PPDAI đã giảm mạnh từ 13,88 USD xuống còn 4,77 USD vào ngày 30/7/2018, cổ phiếu của Yirendai, công ty cho vay trực tuyến đầu tiên của Trung Quốc ra nước ngoài, giảm xuống còn 19,33 USD so với 38,26 USD chỉ sau 2 năm. Tới cuối tháng 11/2019, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết số các nhà cung cấp dịch vụ cho vay P2P chỏ còn chưa đầy 1/3 so với thời vàng son.
Chiến dịch truy quét các nền tảng P2P sai phạm được tăng tốc thời gian qua. Đầu năm 2019, theo South China Morning Post, cảnh sát Trung Quốc đã điều tra hơn 380 nền tảng cho vay P2P vì nghi ngờ tổ chức gây quỹ bất hợp pháp và đóng băng số tài sản 1,5 tỷ USD.
Bộ Công an Trung Quốc mới đây cũng đã bắt giữ 62 nghi phạm là các chủ điều hành những nền tảng P2P gian lận tại 16 quốc gia, trong đó có Thái Lan và Campuchia, cho thấy nhóm tín dụng đen núp bóng P2P của Trung Quốc đã tìm cách đào thoát sang Đông Nam Á.