Tính năng đặc biệt của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos

Admin

06/01/2025 06:30

BrahMos là hệ thống tên lửa hành trình chống hạm/tấn công mặt đất siêu thanh tầm trung, do liên doanh giữa Ấn Độ và Nga nghiên cứu, phát triển.

Theo thông tin được Hãng Thông tấn quốc gia ANTARA (Indonesia) công bố ngày 17/12, Đô đốc Dinesh K. Tripathi, Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, gần đây đã đến thăm Jakarta để tìm hiểu các cơ hội hợp tác về công nghệ tên lửa BrahMos.

Vị quan chức Ấn Độ đã có các cuộc thảo luận với Đô đốc Muhammad Ali, Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia và Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Sjafrie Sjamsoeddin, tập trung vào việc tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước.

Trong chuyến thăm của mình, Đô đốc Tripathi đã gặp Đô đốc Ali tại Trụ sở Hải quân Indonesia ở Cilangkap, Jakarta. Các cuộc thảo luận tập trung vào các quan hệ đối tác công nghệ quốc phòng tiềm năng, với tâm điểm là hệ thống tên lửa BrahMos.

Vị quan chức Indonesia thừa nhận tầm quan trọng của tên lửa BrahMos như một chủ đề thảo luận nhưng làm rõ rằng các quyết định mua sắm là trách nhiệm của Bộ Quốc phòng.

Ông nhấn mạnh rằng tất cả các lựa chọn đang được xem xét và chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.

Tính năng đặc biệt của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos- Ảnh 1.

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được khai hỏa từ chiến hạm Ấn Độ. Ảnh: Force India

Tính năng đặc biệt của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos- Ảnh 2.

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos do Ấn Độ và Nga đồng phát triển. Ảnh: Naval Post

BrahMos là hệ thống tên lửa hành trình chống hạm/tấn công mặt đất siêu thanh tầm trung với động cơ phản lực luồng nhồi (ramjet) một đầu đạn, do Tập đoàn liên doanh hàng không BrahMos Aerospace giữa tổ hợp DRDO của Ấn Độ và NPO Mashinostroyenia (NPOM) của Nga nghiên cứu, phát triển.

Cái tên BrahMos là từ ghép được tạo thành từ tên của hai con sông, Brahmaputra của Ấn Độ và Moskva của Nga. Còn gọi là PJ-10, BrahMos dựa trên thiết kế trước đó của Nga cho tên lửa hành trình SS-N-26 (3M55 Oniks/Yakhont/Bastion).

BrahMos là tên lửa hai tầng với động cơ tăng áp nhiên liệu rắn làm tầng đầu tiên giúp tên lửa đạt tốc độ siêu thanh rồi tách ra. Động cơ phản lực tĩnh lỏng hoặc tầng thứ hai sau đó đưa tên lửa gần hơn tới tốc độ Mach 3 trong giai đoạn bay hành trình.

Công nghệ tàng hình và hệ thống dẫn đường với phần mềm nhúng tiên tiến cung cấp cho tên lửa các tính năng đặc biệt.

Tính năng đặc biệt của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos- Ảnh 3.
Tính năng đặc biệt của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos- Ảnh 4.

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos có thể khai hỏa từ mặt đất. Ảnh: Asian Military Review, Force India

Tên lửa có tầm bắn lên tới 300-500 km (290 km cho phiên bản xuất khẩu) với tốc độ siêu thanh trong suốt chuyến bay, giúp rút ngắn thời gian bay, do đó đảm bảo phân tán mục tiêu thấp hơn, thời gian giao tranh nhanh hơn và khó bị đánh chặn hơn.

Tên lửa hoạt động theo nguyên tắc "bắn và quên" (fire and forget), áp dụng nhiều loại chuyến bay khác nhau trên đường đến mục tiêu, giúp cho người vận hành có thể rút lui ngay sau khi bắn để đề phòng khả năng bị dội hỏa lực trả đũa.

Sức mạnh hủy diệt của tên lửa BrahMos được tăng cường do động năng lớn khi va chạm. Độ cao bay hành trình của tên lửa có thể lên tới 15 km và độ cao cuối cùng thấp tới 10 m. Tên lửa mang theo đầu đạn thông thường nặng 200-300 kg.

Tính năng đặc biệt của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos- Ảnh 5.

Mô hình hệ thống tên lửa BrahMos được trưng bày tại một triển lãm thương mại ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ảnh: Defense News

So với các tên lửa hành trình cận âm hiện đại, BrahMos có tốc độ cao hơn 3 lần, tầm bay xa hơn 2,5-3 lần, tầm tìm kiếm xa hơn 3-4 lần, động năng cao hơn 9 lần.

Tên lửa có cấu hình giống hệt nhau cho các bệ phóng trên đất liền, trên biển và dưới biển, và sử dụng hộp phóng chuyên dụng TLC để vận chuyển, lưu trữ và phóng tên lửa.

Ngoài ra, bên cạnh phiên bản siêu thanh với tốc độ Mach 3, Ấn Độ và Nga cũng đang hợp tác sản xuất phiên bản siêu vượt âm của tên lửa này. Các báo cáo cho thấy Brahmos-II sẽ được trang bị động cơ phản lực luồng tĩnh siêu âm (scramjet) thay vì phiên bản ramjet.

Các quan chức quốc phòng Nga cũng tuyên bố rằng tên lửa này sẽ đạt ngưỡng Mach 5 cần thiết để được phân loại là siêu vượt âm bằng cách sử dụng nhiên liệu mới đặc biệt.

Ấn Độ đã tích cực thúc đẩy xuất khẩu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos như một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm tăng cường xuất khẩu quốc phòng và khẳng định vị thế là một bên quan trọng trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Một cột mốc quan trọng trong nỗ lực này là thỏa thuận trị giá 375 triệu USD với Philippines vào tháng 1/2022, đánh dấu hợp đồng xuất khẩu quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ cho đến nay.

Cường quốc Nam Á cũng đang tham gia thảo luận với hơn một chục quốc gia, bao gồm Việt Nam, Indonesia và Ả Rập Xê-út, về mở rộng xuất khẩu hệ thống tên lửa BrahMos.

Minh Đức (Theo Army Recognition, BrahMos Aerospace, Missile Threat)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tham khảo thêm

Thử thành công hệ thống tên lửa với đầu đạn siêu vượt âm C-HGB “không thể bị đánh chặn”Thử thành công hệ thống tên lửa với đầu đạn siêu vượt âm C-HGB “không thể bị đánh chặn”
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thử thành công loại tên lửa đạn đạo phóng từ chiến hạm (SLBM) mới toanhThử thành công loại tên lửa đạn đạo phóng từ chiến hạm (SLBM) mới toanh