Toàn cảnh sức ép thuế quan mới từ Mỹ lên châu Á

Admin

08/07/2025 20:30

Sau 90 ngày tạm hoãn áp thuế đối ứng, Nhà Trắng ngày 7/7 đưa ra "tối hậu thư" với 14 quốc gia, chủ yếu tại châu Á, nhằm thúc giục họ nhanh chóng đạt thỏa thuận với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Ngày 7/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đe dọa áp thuế đối ứng lên 14 quốc gia, trừ khi hai bên đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8. Mức thuế “có đi có lại” lên các đối tác thương mại của Mỹ được công bố lần đầu hồi tháng 4, sau đó được hoãn 90 ngày để đàm phán. Thời hạn này - ban đầu dự kiến kết thúc vào ngày 9/7 - được nới lỏng tới tháng 8.

Những quyết sách về thuế quan của Mỹ đã làm chao đảo thị trường toàn cầu và gây hoang mang trên diện rộng. Chính quyền Mỹ vẫn còn rất xa mục tiêu hoàn thành "90 thỏa thuận trong 90 ngày” như đã cam kết ban đầu.

Những quốc gia nào bị ảnh hưởng?

Đầu tuần này, ông Trump thông báo các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và 12 quốc gia khác sẽ đối mặt với mức thuế ít nhất 25% từ đầu tháng 8, nếu hai bên không nhanh chóng đàm phán thương mại. Ông cũng đe dọa sẽ tăng thuế nếu bất cứ nước nào trả đũa hoặc tìm cách lách thuế bằng cách gửi hàng qua các quốc gia khác.

Washington đang khiến cả thế giới phải “đoán già đoán non” về kết quả của nhiều tháng đàm phán. Mức thuế quan cao dao động từ 25-40%.

Đây là con số không dễ chịu với các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á, với Indonesia là 32%, Campuchia và Thái Lan là 36%, Lào và Myanmmar là 40%.

Trung tâm sản xuất Bangladesh đối mặt với mức thuế 35%, còn Tunisia, Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi và Bosnia và Herzegovina bị áp 30%. Trong khi đó, Hàn Quốc chịu mức thuế như ông Trump công bố ban đầu, còn mức thuế của Nhật Bản cao hơn 1%.

thue quan cua my anh 1

Mức thuế đối ứng được ông Trump công bố ngày 7/7 và 2/4. Đồ họa: Huy Hoàng.

Các quốc gia châu Á đang gánh chịu những đòn thuế quan nặng nề nhất, khi ông Trump lập luận các nước này gây thâm hụt thương mại không công bằng. Tuy nhiên, giới phân tích nghi ngại về tính xác đáng của những tuyên bố này. Họ còn đặt giả thuyết có thể ông Trump thực chất đang muốn trừng phạt Trung Quốc bằng cách nhắm vào các quốc gia nhận được nguồn đầu tư đáng kể từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một số quốc gia ở Đông Nam Á - khu vực đóng góp tới 7,2% GDP toàn cầu vào năm 2024 - là những trung tâm sản xuất lớn cho các mặt hàng như dệt may và giày dép. Điều này đồng nghĩa họ sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các mức thuế mới, song người tiêu dùng Mỹ cũng phải trả giá cao hơn cho các mặt hàng này.

Washington đã đạt được bao nhiêu thỏa thuận?

Theo Guardian, trong 90 ngày tạm hoãn quyết định áp thuế, Washington chỉ đạt được 2 thỏa thuận.

Thỏa thuận đầu tiên với Vương quốc Anh ký vào ngày 8/5. London và Washington nhất trí áp 10% thuế với hầu hết mặt hàng nhập khẩu của Anh vào Mỹ, còn riêng thép và nhôm sẽ miễn thuế. Thỏa thuận thứ 2 là với Việt Nam công bố hôm 2/7.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng hạ nhiệt sau khi hai bên bước đầu nhất trí trong một số lĩnh vực.

thue quan cua my anh 2

Sau 90 ngày, Mỹ mới đạt được 2 thỏa thuận thương mại, trái ngược với tuyên bố ban đầu "90 thỏa thuận trong 90 ngày". Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết ông sẽ đưa ra một số thông báo về thương mại trong 48 giờ tới, đồng thời nói thêm hòm thư đang chứa đầy những lời đề nghị từ các quốc gia bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho hay nhiều quốc gia khác sẽ nhận “tối hậu thư” trong tuần này. Bà nói thêm ông Trump “gần” đạt được các thỏa thuận khác, song “muốn đảm bảo nắm trong tay những thỏa thuận tốt nhất có thể”.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung triệu tập một cuộc họp khẩn cấp và Bộ Thương mại Hàn Quốc khẳng định sẽ tận dụng thời gian còn lại để đàm phán “những kết quả có lợi cho các hai bên”. EU được cho là đang gấp rút hoàn thiện và mong muốn đạt thỏa thuận vào ngày 9/7.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira ngày 8/7 bất ngờ trước quyết định của Mỹ, bất chấp những nỗ lực vào phút chót. Theo ông Pichai, Mỹ vẫn chưa phản hồi một đề xuất thương mại sửa đổi từ phía Thái Lan. Tuy nhiên, ông lạc quan mức thuế cao hiện tại sẽ được điều chỉnh giảm sau các cuộc trao đổi tiếp theo.

Trong khi đó, các quốc gia khác như Nam Phi đã phản ứng gay gắt. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết mức thuế 30% của Mỹ không hợp lý khi 77% hàng hóa Mỹ vào Nam Phi có mức thuế bằng 0.

Thị trường và doanh nghiệp phản ứng thế nào?

Chốt phiên giao dịch ngày 7/7, loạt chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ giảm gần 1%. Cụ thể, chỉ số Dow Jones giảm 422,17 điểm (-0,94%) xuống 44.406,36 điểm. S&P 500 mất 49,37 điểm (-0,79%) còn 6.229,98 điểm, trong khi Nasdaq Composite hạ 188,59 điểm (-0,91%) về mức 20.412,52 điểm. Cổ phiếu các hãng xe Nhật Bản niêm yết tại Mỹ lao dốc sau thông tin áp thuế với Toyota giảm 4%, Honda mất 3,9%.

Giới phân tích lo ngại việc áp thuế sẽ làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng và kìm hãm tăng trưởng. Song, điều đáng ngại hơn là sự mơ hồ trong định hướng chính sách có thể khiến doanh nghiệp trì hoãn các quyết định đầu tư then chốt.

Trong lúc cuộc chiến thuế quan leo thang, Tri thức - Znews giới thiệu tới độc giả tổng hợp 5 cuốn sách giải thích chính sách thương mại toàn cầu trong những thập kỷ gần đây, bao gồm cuộc chiến thương mại của ông Trump. Danh sách này do các chuyên gia của Financial Times đưa ra.

Bạn đang đọc bài viết "Toàn cảnh sức ép thuế quan mới từ Mỹ lên châu Á" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com; phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.