Thời điểm 31 tuổi, giọng ca chính của nhóm nhạc rock The Rolling Stones Mick Jagger tuyên bố sẽ giải nghệ vào năm 45 tuổi. Ấy vậy mà gần nửa thế kỷ sau, ông Jagger, dù đã bước sang ngưỡng cửa U80 vẫn tiếp tục theo đuổi nghiệp ca hát. Quyết tâm thời trẻ của ông dần bị lãng quên, theo tờ The Guardian.
Ngày nay, câu chuyện nghỉ hưu sớm như mong muốn của Mick Jagger đã trở nên phổ biến. Ngay ở độ tuổi 25-30, nhiều người đã chọn gác lại sự nghiệp, dừng lo nghĩ về vật chất và bắt đầu sống một cuộc sống của riêng mình.
Ngôi sao quần vợt Australia Ash Barty là ví dụ điển hình. Giữa tháng 3/2022, thông tin cô gái trẻ này tuyên bố giải nghệ ở tuổi 25 đã khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Người ta bắt đầu thắc mắc về động lực thực sự trong quyết định bồng bột của Barty - tay vợt đang trong giai đoạn đỉnh cao nhất của sự nghiệp.
Đáp lại, Barty cho biết thành công đã không mang lại cho cô sự thỏa mãn. “Một phần trong tôi chưa hài lòng và cảm thấy mình chưa hoàn thành tốt. Bây giờ chính là lúc để tôi theo đuổi những giấc mơ khác”, Ash Barty nói.
Theo tay vợt người Anh Emma Raducanu, kế hoạch nghỉ hưu sớm của Barty minh chứng cho sự ưu tiên các mục tiêu cá nhân. Quan điểm này nhận được phần lớn sự đồng tình của người trẻ. Đa số đều liên tưởng ngay tới câu chuyện của “người nhện” Tom Holland - người từng cân nhắc từ bỏ nghiệp diễn để trở lại với đam mê khiêu vũ.
Brandon, một blogger người Mỹ cho biết mình đã tiết kiệm đủ tiền để nghỉ hưu ở độ tuổi 30. Thị trường việc làm hiện tại với đầy rẫy bất ổn đã khiến nhiều lao động trẻ như anh thay đổi lối suy nghĩ.
“Hãy nhìn vào sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu và bong bóng dotcom. Thế hệ chúng tôi nhận thức rất rõ, rằng công việc văn phòng 8 tiếng/ngày sẽ không thể mang lại sự đảm bảo về tài chính”, anh nói.
The Guardian cũng trích dẫn câu chuyện của Joe Olson, một giáo viên quyết định nghỉ hưu ở tuổi 29 sau khi đã tiết kiệm được một số tiền kha khá. Anh chia sẻ bạn bè mình cũng thường nói về các giá trị đích thực của cuộc sống thay vì cứ mãi theo đuổi vật chất.
“Chúng tôi đều đồng tình rằng ngoài công việc, cuộc sống này còn rất nhiều điều thú vị khác nữa”, Olson nói và cho biết bản thân nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần.
“Nghỉ hưu sớm không có nghĩa là buông xuôi hay bỏ cuộc. Chúng tôi chỉ không còn quan tâm nhiều đến tiền bạc nữa. Chúng tôi muốn một cuộc sống cân bằng hơn, hạnh phúc hơn”, anh kể.
Theo Eliza Filby, cựu giảng viên lịch sử tại King's College London, xu hướng nghỉ hưu sớm đang được thế hệ trẻ đặc biệt quan tâm.
“Họ đang tiếp thu 'chủ nghĩa nhiệt thành' mới bằng việc sống theo cách của riêng mình. Đối với nhiều người trẻ ngày nay, những gì họ đang làm đôi khi không phản ánh con người thật”, bà Eliza Filby nói.
Almuth McDowall, giáo sư tâm lý học tại trường Birkbeck thì cho rằng dịch COVID-19 đã trở thành động lực khiến nhiều người lựa chọn tạm dừng công việc hiện tại để định hướng lại cuộc sống: “So với các thế hệ trước, giới trẻ hiện nay đã hy sinh 2 năm thanh xuân của mình vì đại dịch. Họ đang suy nghĩ lại về cuộc đời và đưa ra những quyết định táo bạo”, giáo sư nhận định.
“Người trẻ giờ biết mình không thể mua được nhà, xe hơi và dần dần cũng không muốn làm những thứ đó nữa. Họ hài lòng với việc đi thuê nhà”, nhà tâm lý học Sherridan Hughes nói.
Ngoài ra, theo Cary Cooper, giáo sư tâm lý học tại Manchester (Anh), dịch COVID-19 cũng đã chứng minh được rằng làm việc linh hoạt là hoàn toàn có thể và điều này càng khiến nhiều người trẻ từ bỏ công việc văn phòng gò bó.
“Các công ty đang phải tranh giành để thu hút và giữ chân nhân sự. Nhưng giới trẻ ngày nay không còn muốn chịu đựng một môi trường làm việc sẽ hủy hoại cuộc sống của mình”, ông Cooper nói.
Dẫu vậy, bản thân quyết định nghỉ hưu sớm cũng có nhiều mặt trái. Thu nhập kiếm được trước đây giờ thực chất chỉ là tài sản hữu hạn. Dù có tiết kiệm và chi tiêu dè sẻn đến mấy, họ vẫn cảm thấy mình…thiếu tiền.
Câu chuyện về Sam Dogen là ví dụ điển hình. Anh quyết định nghỉ hưu sớm vào năm 2012 ở tuổi 34 - thời điểm nắm trong tay khối tài sản trị giá 3 triệu USD.
Tuy nhiên, 10 năm sau đó, chàng trai này khiến cả cộng đồng choáng váng với tuyên bố quay lại làm việc. Động lực được cho là đến từ danh mục đầu tư thua lỗ, cảm giác nhớ nơi làm việc và gánh nặng học phí của các con.
“Cuộc sống đầy những thăng trầm và ẩn số. Càng cố dự đoán tương lai thì bạn càng không biết điều gì sẽ xảy ra”, Dogen kể.
Thực tế, Dogen chưa bao giờ thực sự nghỉ hưu. Dù đã nghỉ làm công việc văn phòng và chủ yếu sống bằng thu nhập thụ động, song người đàn ông này vẫn làm cố vấn cho các startup, viết blog, viết sách giấy và e-book trong suốt 10 năm qua. Anh vẫn làm việc nhưng là ở nhà, một xu hướng trở nên phổ biến sau đại dịch.
“Đối với hầu hết những người muốn nghỉ hưu sớm, họ đều muốn cố gắng thoát khỏi môi trường làm việc tồi tệ. Nếu có thể linh hoạt như bây giờ vào năm 2010 và 2012, có lẽ tôi vẫn sẽ chọn tiếp tục làm việc”, Dogen nói.
Theo: The Guardian, Fortune