Bốn thập niên qua, đảng Cộng hòa luôn theo chủ thuyết để thị trường tự do vận hành, giới hạn can thiệp của chính phủ, ủng hộ thương mại. Nhưng bốn năm qua, ông Trump thay đổi tất cả.
Gần bốn thập niên nay, trường phái chính trị bảo thủ ở
Tổng thống Trump có lập trường khác hẳn các ứng viên Cộng hòa điển hình trong nửa thế kỷ nay: cứng rắn với nhập cư và thương mại. Ông đánh bại các chính khách bảo thủ “chính thống” khác và bước vào Nhà Trắng. Trên tất cả, ông lái đảng Cộng hòa theo hướng khác sau bốn thập niên theo trường phái Ronald Reagan, đưa một đảng coi trọng tự do thương mại về phía của chủ nghĩa dân tộc và dân túy, theo Wall Street Journal.
Cùng lúc đó, ông gây nhiều phẫn nộ, dẫn đến sự hình thành cả một phong trào Never Trump (bác bỏ Trump) rộng rãi. Phong trào thu hút từ chính khách, chuyên gia phân tích, cố vấn chính trị, cả người trong đảng Cộng hòa.
Trên thực tế, sự dịch chuyển trên không chỉ do ông Trump, mà đã manh nha từ lâu. Những nhân vật tranh cãi “đi trước” như Pat Buchanan, Ross Perot, Sarah Palin, Mike Huckabee, phong trào Tiệc Trà, sự kỳ thị ngày càng tăng trong vấn đề nhập cư - tất cả đều là dấu hiệu về một cơn sóng sắp ập đến.
Nhưng ông Trump mới là người tận dụng rõ rệt nhất những thay đổi ngầm trong lòng đảng Cộng hòa: cảm giác xa lạ của người da trắng về một nước Mỹ mà số người da màu, thiểu số ngày càng tăng lên; sự bất mãn khi đường lối kinh tế bảo thủ không còn bảo đảm cho tầng lớp lao động được khấm khá.
Ngay lúc này, hàng loạt nhân vật bảo thủ trẻ và mới nổi đã “nhanh chân” thích ứng với thay đổi của thời Trump, và xa rời nguyên lý thị trường tự do vốn là cốt lõi của đảng Cộng hòa.Giờ đây chính trị kiểu Trump sẽ không thể biến mất dễ dàng, theo bình luận của Wall Street Journal. Ông nhận đề cử tại Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa diễn ra trong các ngày 24-27/8. Nếu ông đắc cử, đảng Cộng hòa và những người có chủ trương bảo thủ sẽ đứng trước các câu hỏi hệ trọng: tương lai của đảng Cộng hòa sẽ đi về đâu, làm sao để đường lối bảo thủ vẫn còn ý nghĩa trong thời Trump?
Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, bang Florida, nói về “chủ nghĩa tư bản với những lợi ích công”, trong đó chính phủ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn phải giúp các gia đình, người lao động và cộng đồng.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley của bang Missouri, người có thể sẽ tranh cử tổng thống, đang kêu gọi rời Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và siết chặt thị trường vốn, theo hướng kiểm soát dòng tiền vào Mỹ.
Thượng nghị sĩ Tim Scott của bang South Carolina, người da đen duy nhất của đảng Cộng hòa ở Thượng viện, đề ra kế hoạch dùng các ưu đãi của chính phủ để kêu gọi đầu tư vào các cộng đồng chưa phát triển.
Yuval Levin, cựu cố vấn của tổng thống George W. Bush, kêu gọi chính phủ có các chương trình hỗ trợ những người mới làm cha mẹ. Oren Cass, một trí thức bảo thủ, gần đây mở viện chính sách American Compass để vận động chính phủ can thiệp thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất - một ý tưởng khó chấp nhận trong giới bảo thủ, vốn luôn muốn để thị trường tự do vận hành.
Thông điệp từ những nhân vật mới này là rõ ràng: trường phái bảo thủ đang thất thế vì quá giữ lý tưởng toàn cầu hóa và tự do thương mại, nhưng lại quá thờ ơ với tác động lên người Mỹ.
Những nhân vật này lập luận rằng giới bảo thủ sẽ phải xuống khỏi “tháp ngà” của mình để trở nên thực tế hơn, sao cho vừa giữ các yếu tố cốt lõi từ thời Reagan nhưng vẫn đón nhận chủ nghĩa dân tộc và dân túy đang thịnh hành thời Donald Trump.
Christopher DeMuth, cựu chủ tịch Viện Doanh nghiệp Mỹ và giờ là nhà nghiên cứu ở Viện Hudson, nói cử tri giận dữ là do những người bảo thủ xa cách, không nhận ra họ đã bị thương mại ảnh hưởng thế nào. “Chủ nghĩa bảo thủ hiện thời ở Washington... đã quá xa cách với những khó khăn, vật lộn đang diễn ra ở Mỹ”, ông nói với Wall Street Journal.
Nhiều người bảo thủ nhận ra điều đó và đang suy nghĩ lại nguyên tắc “hạn chế can thiệp”, chấp nhận việc chính phủ mạnh tay hơn trong giải quyết các vấn đề kinh tế, theo ông DeMuth. Ngày càng nhiều người bảo thủ có thái độ mới là: “Mặc kệ quan niệm hạn chế dùng quyền lực chính phủ đi. Chúng ta có những vấn đề lớn, thì chúng ta phải dùng quyền hạn của chính phủ mà giải quyết chứ”.
Về phần mình, Tổng thống Trump rõ ràng không điều hành như những người trí thức. Ông điều hành theo bản năng.
Những quyết sách của ông đã đẩy trường phái bảo thủ vào cơn khủng hoảng bản sắc. Trong quá khứ, những người theo trường phái bảo thủ luôn ủng hộ giá trị kinh tế của nhập cư, nhưng ông Trump lại chống nhập cư. Họ muốn giảm chi tiêu chính phủ, còn ông Trump lại đang thâm hụt ngân sách hàng nghìn tỷ USD, kể cả trước dịch Covid-19. Họ muốn chính phủ hạn chế can thiệp, còn ông Trump thì tận dụng tối đa quyền hạn của mình - như dùng sắc lệnh để chi tiền hỗ trợ trong đại dịch, điều lính liên bang tới trấn áp người biểu tình dù các bang không hề muốn.
Cựu chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, đảng Cộng hòa, từng nói về ông Trump: “Ông không hề theo trường phái bảo thủ. Ông có ngồi đọc tạp chí bảo thủ National Review đâu”. Thay vào đó, Gingrich nhìn nhận về ông Trump dưới góc độ kiểu cách hơn là lý tưởng, gọi tổng thống là “một người chống chủ nghĩa tự do (anti-liberal)... một người thực tế, coi những tranh luận chính trị cao siêu là vớ vẩn”.
Điều đó có nghĩa ông Trump không có chung quan điểm ủng hộ thương mại tự do như giới doanh nhân. Ông cũng không chung quan điểm với giới bảo thủ là Mỹ phải đi can thiệp vào chính trường quốc tế.
Một ví dụ thể hiện rõ lối ra quyết định bản năng của ông Trump là mùa hè năm 2018, khi ông suýt rút Mỹ khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn là liên minh quân sự quý giá nhất của Mỹ lâu nay. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, ông chỉ trích gay gắt việc các nước dựa vào Mỹ và đóng góp ít cho NATO, đến mức các lãnh đạo phải họp phiên đặc biệt để thảo luận về những bất mãn của ông Trump.
Cuộc họp căng thẳng đến mức cố vấn an ninh quốc gia John Bolton phải gọi ngay cho John Kelly, khi ấy là chánh văn phòng Nhà Trắng. Ông Kelly đã định không dự cuộc họp để lo các chuyện khác. Nhưng ông Bolton nói: "Ông phải đến đây ngay, chúng ta chuẩn bị rút khỏi NATO đây này".
Tới nơi, Kelly thấy quả đúng là ông Trump định tuyên bố “chấm hết” với NATO. Ông Kelly thuyết phục được tổng thống đổi ý, rằng tổng thống sẽ bị chính giới Mỹ và báo chí Mỹ chỉ trích dồn dập nếu bỏ NATO. Nhưng một số cố vấn vẫn lo ngại đến lúc nào đó, ông Trump sẽ lại bỏ NATO.
Theo Wall Street Journal, lối hành xử của ông Trump mang tính bản năng hơn là một triết lý điều hành. Nhưng ông đang là lãnh đạo của đảng Cộng hòa, vì vậy một số người bảo thủ lại đang cố xây dựng một triết lý bao quanh để phù hợp các quan điểm của ông Trump.
Chẳng hạn, ông Oren Cass của viện chính sách American Compass lập luận rằng giới bảo thủ phải bỏ dần điều họ coi là hiển nhiên: bàn tay vô hình của thị trường sẽ luôn đem lại kết quả tốt nhất, phân bố tài nguyên tốt nhất giữa các ngành kinh tế.
Ông lập luận rằng thị trường sẽ khiến ngành chế tạo bị thiếu đầu tư, và chính phủ nên có chính sách chủ động giúp mở rộng ngành chế tạo. Chẳng hạn, chính phủ nên cấp thêm vốn cho nghiên cứu, cho sinh viên kỹ thuật nhiều học bổng hơn các ngành khác, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp chế tạo, và dừng cấp visa cho người
Tổng thống Trump đã đem đến sự xáo trộn lớn về đường lối đảng Cộng hòa trong những năm qua, nhưng nếu nhìn vào thành phần cử tri, sự thay đổi có thể không lớn như trong quá khứ, theo bình luận của Michael Barone, nhà sử học bảo thủ, tác giả cuốn How America's Political Parties Change (and How They Don't) - tạm dịch: Các đảng chính trị Mỹ thay đổi và không thay đổi như thế nào.
Đúng là ông Trump giành được một số cử tri mà trước đây chưa ủng hộ đảng Cộng hòa, và cũng khiến một số cử tri khác ghét bỏ. Nhưng đó không phải con số khổng lồ. Tỷ lệ ủng hộ các đảng từng dao động mạnh hơn nhiều trong thập niên 1960, 1970, so với các năm 2004, 2008, 2012, 2016.
“Việc hỏi liệu đảng Cộng hòa có trở lại bình thường hay không (sau thời Trump) là một câu hỏi sai. Đối với các đảng lớn ở Mỹ, thay đổi mới là ‘điều bình thường’”, ông Barone viết trong bài bình luận trên Wall Street Journal. Họ liên tục thay đổi lập trường và ưu tiên các thách thức của thời đại, thu hút một số thành phần cử tri và đánh mất các thành phần khác, vừa cố giữ bản sắc của mình vừa cạnh tranh với các đảng đối thủ.
Chẳng hạn, trong vấn đề thương mại, đảng Cộng hòa từng ủng hộ hàng rào thuế quan trong cả một thế kỷ. Nhưng đến thập niên 1970, khi đảng Dân chủ ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, đảng Cộng hòa lại chuyển sang ủng hộ thương mại tự do. Đến ông Trump, muốn có sự ủng hộ của người lao động chân tay, ông lại quay lại chủ nghĩa bảo hộ - dù thực tế ông mạnh miệng nhiều hơn là thực sự theo đuổi các chính sách.
Trong các vấn đề khác, đảng Cộng hòa cũng đã thay đổi lập trường. Từng là những người phản đối việc mở rộng chế độ nô lệ sau cuộc Nội chiến Mỹ, đến năm 1890, đảng này lại từ bỏ việc theo đuổi quyền bình đẳng cho người da đen ở các bang phía nam. Để rồi đến năm 1964, đảng Cộng hòa bị coi là chống lại bình đẳng dân sự khi ứng viên tranh cử của đảng, Thượng nghị sĩ Barry Goldwater, bỏ phiếu chống lại một đạo luật năm 1964.
Qua tất cả những thay đổi này, đặc điểm chính của đảng Cộng hòa vẫn giữ nguyên, theo nhà sử học Barone. Đảng Dân chủ, thành lập năm 1828, luôn là liên minh của những nhóm “bên lề”, nhưng khi tập hợp lại, có thể thắng đa số. Còn đảng Cộng hòa luôn xoay quanh các nhóm cốt lõi của những người coi mình là “người Mỹ gốc”, nhưng chỉ riêng họ thì không chiếm đa số cử tri.
Thành phần của “nhóm cốt lõi” trong đảng Cộng hòa cũng thay đổi qua thời gian. Ban đầu đó là những người gốc gác ở vùng New England (gồm các bang ở Đông Bắc nước Mỹ), sinh sống ở vùng New England hay xa hơn là New York hoặc tận vùng Trung Tây. Đó cũng là những khu vực mà ứng viên tổng thống đầu tiên từ đảng Cộng hòa, John C. Frémont, thắng vào cuộc bầu cử năm 1856.
Bốn năm sau, Abraham Lincoln kêu gọi được cả thành phần người nhập cư gốc Đức về phe mình để đắc cử tổng thống. Đến năm 1900, William McKinley, với chế độ bản vị vàng (dùng vàng làm cơ sở định giá tiền tệ) và sự cảm thông với tầng lớp lao động, thu hút được những người theo trào lưu Kháng cách (Protestanism) của Cơ Đốc giáo.
Trong giai đoạn giàu có hậu Thế chiến II, nhóm nòng cốt của đảng Cộng hòa chuyển sang những người giàu có ngoại ô, bao gồm cả ở các bang phía nam. Khi phá thai trở thành vấn đề chính trị, nhóm nòng cốt của đảng Cộng hòa lại là người da trắng theo Cơ Đốc giáo.
Việc ông Trump nổi lên là ví dụ mới nhất. Ông xúc phạm các đối thủ cùng đảng và các cựu tổng thống Cộng hòa. Ông có những lập trường hoàn toàn khác, lấy lòng người lao động bằng cách đổ lỗi cho người nhập cư và cho Trung Quốc đã làm mất việc làm ở Mỹ. Ông lên án những thương vong mà sự can thiệp của Mỹ tại Iraq, Afghanistan đã gây ra.
Theo ông Barone, dường như đảng Cộng hòa đang dịch chuyển theo hướng thu hút thêm các cử tri thu nhập thấp - xu hướng đã diễn ra từ trước do các vấn đề văn hóa như phá thai.
Bang Pennsylvania là một ví dụ. Thành phố Pittsburgh, với nền kinh tế dựa vào khai thác than và sắt, trước đây không ưa Ronald Reagan hay George H. W. Bush (Bush cha). Ông Bush cha chỉ được 40% số phiếu vào năm 1988. Nhưng đến 2004, ông Bush con giành được 48% số phiếu, và đến 2016, ông Trump thắng ở đây với 50% số phiếu - trong khi tỷ lệ người theo đảng Cộng hòa ở đây vẫn giữ nguyên.
Trong khi đó, ở bốn hạt ngoại ô giàu có xung quanh thành phố Philadelphia, tỷ lệ bầu Cộng hòa lại giảm dần: 61% cho Bush cha năm 1988, 46% cho Bush con năm 2004, và 41% cho ông Donald Trump năm 2016.
Ảnh hưởng hoặc vai trò sau này của ông Trump lên những lãnh đạo tương lai của đảng Cộng hòa là khó đoán. Theo ông Barone, không tổng thống Cộng hòa nào trước đây chọn được người mà đảng sẽ đề cử sau này. Và người được đề cử sau này của đảng chắc cũng không muốn hình ảnh của mình quá gắn với ông Trump.
Ngay cả nếu ông Trump thất bại, chưa chắc những tiếng nói chống ông Trump trong đảng Cộng hòa có thể khôi phục đảng này về như trước, cây viết Ronald Brownstein của Atlantic bình luận. Phe chống Trump trong đảng cần phải tập hợp được đa số trước kỳ bầu cử năm 2024 - một đa số sẵn sàng bác bỏ sự kỳ thị, dân tộc chủ nghĩa mà ông Trump đã dùng để kích động cử tri thành công.
“Tôi không tin chính trị kiểu Trump sẽ biến mất”, Mike Madrid, quan chức của đảng Cộng hòa ở bang California, cũng là người sáng lập Lincoln Project nhằm chống lại ông Trump, nói với Atlantic. “Sẽ có các tiếng nói khác theo nhiều hướng khác nhau. Nhưng sẽ không đủ lớn, vì fan của ông Trump vẫn còn đó, và chiếm tới 75% (trong đảng)”.
Chưa ứng viên tiềm năng nào của đảng Cộng hòa cho năm 2024 tỏ ý phê phán hay rời bỏ ông Trump.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton, bang Arkansas, gần đây có bài bình luận trên New York Times, kêu gọi điều lính liên bang tới các thành phố ở Mỹ. Đây là dấu hiệu cho thấy khi tranh cử, ông sẽ thể hiện mình là người tiếp nối chính trị kiểu Trump. Ông cũng phủ nhận nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống ở nước Mỹ, và đang là người chống nhập cư nổi bật của đảng Cộng hòa.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley của bang Missouri đang tiếp tục cổ xúy khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” của ông Trump, kêu gọi cắt nhập cư một nửa.
Với bằng cấp từ Đại học Harvard, Yale, Stanford, các chính khách này “đang muốn thể hiện mình là phiên bản tinh vi hơn, hiệu quả hơn của ông Trump”, Geoffrey Kabaservice, tác giả cuốn Rule and Ruin, về lịch sử những nhân vật ôn hòa trong đảng Cộng hòa, bình luận.