TP HCM duy trì đà tăng trưởng

31/10/2023 12:30

Nhiều giải pháp như kiên trì mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, tăng nguồn thu... được TP HCM tập trung thực hiện để bảo đảm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023

Ngày 30-10, UBND TP HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 2 tháng cuối năm. Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp.

Nhiều điểm sáng

Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết thành phố duy trì đà tăng trưởng hoạt động sản xuất công nghiệp và sức mua trong nước, ổn định cung cầu hàng hóa, hoạt động ngân hàng ổn định. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 10 tháng tăng 3,7% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 372.000 tỉ đồng, đạt 79,35% dự toán. 

Thành phố cũng ghi nhận nhiều điểm sáng khi hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức có sự chuyển biến tích cực. Các chính sách, văn bản triển khai thực hiện thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố từng bước được hoàn thiện, tổ chức thực thi tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, thành phố còn một số hạn chế, nhất là kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt 24.199 tỉ đồng, đạt 35% kế hoạch vốn được giao.

TP HCM duy trì đà tăng trưởng - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp Ảnh: TTBC TP HCM

Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Nguyễn Khắc Hoàng nhìn nhận dù chịu tác động kép từ những bất lợi bên ngoài lẫn bên trong nhưng kinh tế thành phố vẫn có những điểm sáng. Tuy nhiên, so với trước dịch COVID-19 thì nhiều chỉ số kinh tế vẫn chưa được phục hồi. Điển hình như chỉ số IIP tăng 3,7% trong khi bình thường con số này phải 7%-8%. "Chúng ta đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều nhưng để phục hồi như giai đoạn năm 2019 thì chưa đạt được" - ông Hoàng nói và cho rằng thành phố vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn sau đại dịch. 

Về tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công, ông Hoàng cho biết dù cao hơn cùng kỳ 2022 nhưng tỉ lệ này vẫn thấp. Để đạt được tỉ lệ giải ngân khoảng 80%-90% vào cuối năm thì các tháng còn lại thành phố phải đạt trung bình 20%-30%.

Giám đốc Sở Tài chính Lê Duy Minh lo lắng với mức thu ngân sách trong 10 tháng, có khả năng hụt thu trong 2 tháng cuối năm.

Chạy nước rút

TP HCM: Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để góp phần tăng trưởng kinh tế

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai nhìn nhận các tháng còn lại của năm cực kỳ quan trọng cho giai đoạn chạy nước rút thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm. Do đó, thành phố đặt ra 10 nhóm giải pháp trọng tâm cho những tháng còn lại. 

Về giải pháp tăng nguồn thu, Giám đốc Sở Tài chính cho biết 2 tháng cuối năm, ngành tài chính sẽ tập trung vào các khoản nợ thuế với hơn 40.000 tỉ đồng, trong đó lĩnh vực hải quan là gần 2.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các sở, ngành cần cố gắng giải ngân vốn đầu tư công để đẩy thêm phần thuế đi vào trong tiêu dùng, các hoạt động của doanh nghiệp; thúc chi tiêu công, chi tiêu thường xuyên.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đánh giá kinh tế thành phố tiếp tục ổn định, tăng trưởng cải thiện dần. Đó là sự chuyển biến trong hệ thống chính trị, chính quyền và cán bộ, công chức, chất lượng công vụ được cải thiện với tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, kinh tế phục hồi chậm, xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng thấp... đã phản ánh sức khỏe của nền kinh tế thành phố cần được chăm sóc, bồi dưỡng. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, đạt thấp.

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo nhiều đầu việc cụ thể, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện trong 2 tháng còn lại của năm. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.

 "Phải kiên trì thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%. Một số dự án khó khăn, lý do khách quan vẫn phải quyết tâm không để dưới 80%" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh và yêu cầu các chủ đầu tư tổ chức phân công, rà soát để thi đua 60 ngày đêm thực hiện giải ngân đầu tư công. Riêng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, do số lượng vốn cần giải ngân lớn nên phải chủ động tính toán, không để tỉ lệ giải ngân chung dưới 80%.

Chủ tịch UBND thành phố cho biết đến chiều 30-10 vẫn còn 19 đơn vị chưa gửi cam kết tiến độ giải ngân đầu tư công. Ông Phan Văn Mãi đề nghị Văn phòng UBND thành phố phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh sách, làm rõ nguyên nhân, xem xét, đề xuất hình thức xử lý. Dẫn lời Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, ông Phan Văn Mãi khẳng định nếu cố tình, lý do chủ quan sẽ tiến hành xử lý kỷ luật, không phê bình nữa.

Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị các đơn vị tập trung triển khai những phần việc liên quan đến Nghị quyết 98; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch; cải cách hành chính, nhất là công tác phối hợp giữa các đơn vị; giải quyết những tồn đọng của doanh nghiệp, các vướng mắc của dự án bất động sản; hoàn thiện đề án nền công vụ thành phố... 

Chậm trả lời trong phối hợp giải quyết công việc sẽ bị xử lý

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Huỳnh Thanh Nhân báo cáo sơ kết việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành; UBND TP Thủ Đức, quận, huyện trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo Quyết định 2536.

Theo ông Nhân, vừa qua công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị đã được quan tâm, chủ động hơn; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì và cơ quan phối hợp được quy định rõ ràng, thời gian thực hiện quy định cụ thể.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, chậm trễ. Do đó, ông kiến nghị các cơ quan phối hợp cần đầu tư cho việc góp ý, bảo đảm nội dung trả lời theo yêu cầu của cơ quan chủ trì. Nếu quá thời hạn, cơ quan chủ trì tổng hợp báo cáo những cơ quan phối hợp không thực hiện hoặc không có văn bản phản hồi, gửi Chủ tịch UBND thành phố để xem xét, đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ quý, năm.

Bạn đang đọc bài viết "TP HCM duy trì đà tăng trưởng" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.