Chưa có giấy phép xây dựng, Salto Residence vẫn rầm rộ rao bán
Mới đây, Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC) đã tổ chức lễ ra mắt thương hiệu Salto Residence và ký kết hợp tác phát triển dự án với các đối tác chiến lược. Theo giới thiệu, Salto Residence tọa lạc mặt tiền đường Nguyễn Thị Định lộ giới 77 m và được phát triển theo mô hình phức hợp thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp. Dự án bao gồm 3 block cao 21 tầng với 483 căn hộ và 8 shophouse.
Dự án Salto Residence được quảng cáo là chung cư thông minh cao cấp đánh dấu sự thành công, sở hữu vị trí cao tầng tâm điểm đầu tiên tại Khu đô thị Xanh kiểu mẫu PhoDong Village 41 hecta, Trái tim thành phố trẻ” với cảm hứng Singapore tại khu vực Cát Lái, thuộc Thành phố mới – Thành phố Thủ Đức.
Theo lời của một nhân viên tên N. thuộc đơn vị triển khai kinh doanh dự án, Salto Residence có mức giá rất tốt khi chỉ giao động từ 59 triệu đồng/m2 đến 62 triệu đồng/m2. Môi giới còn cho biết, chủ đầu tư trước đó đã tung ra thị trường block B và hiện mở bán block đẹp nhất của dự án là block C. Quy trình mua bán hiện tại là booking giữ chỗ để số thứ tự và tới ngày mở bán sẽ có giá và ưu đãi chính thức cho từng căn.
Khi hỏi về pháp lý, môi giới này nói rằng, hiện tại dự án đã có quy hoạch 1/500 và cuối tháng 9 sẽ có giấy phép xây dựng để gửi đến khách hàng. Ghi nhận thực tế của Reatimes tại dự án cũng cho thấy, khu đất dự án hiện chỉ là bãi đất trống đã được quây rào kín. Mặc dù chưa có giấy phép xây dựng, nhưng chủ đầu tư đã tiến hành thi công, ép cọc thử tải.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1, Điều 55, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh khi có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án và phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đủ điều kiện để bán.
Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó... Ngoài ra, để được mở bán, chủ đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị Sở Xây dựng chấp thuận được phép bán và nhận được thông báo của Sở Xây dựng dự án đó đủ điều kiện thì mới được phép bán.
TP.HCM thanh tra việc lách luật, huy động vốn trái phép
Tại TP.HCM, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt xử lý nghiêm hành vi lừa bán các dự án nhà ở, thu lợi bất chính, trong đó cơ quan công an đã khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng nhiều khách hàng vẫn tiếp tục rơi vào “bẫy” của nhiều chủ đầu tư.
Theo quy định của pháp luật, đối với bất động sản hình thành trong tương lai, chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi đã hoàn thành xong phần hạ tầng và phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đủ điều kiện để bán. Tuy nhiên, nhiều dự án chưa đủ điều mở bán vẫn nhận đặt tiền cọc của khách hàng.
Việc huy động vốn này thường núp dưới dạng “hợp đồng đặt cọc giữ chỗ”, “hợp đồng góp vốn”, “đặt cọc ưu tiên”… có khi lên đến 20%-30% giá trị căn hộ. Trên thực tế, không ít trường hợp chủ đầu tư đã chiếm dụng vốn của người mua, thậm chí lừa đảo, chiếm đoạt khoản tiền đặt cọc. Điển hình như hàng trăm khách hàng của Công ty Địa ốc Alibaba đã ký kết các hợp đồng góp vốn, đặt cọc giữ chỗ, ưu tiên quyền mua rồi sau đó chờ đợi mãi cũng không thấy bất động sản.
Bên cạnh đó, trên thị trường, thời gian qua đã xuất hiện một số doanh nghiệp bất động sản đưa dự án thế chấp ngân hàng 2 lần. Cụ thể, doanh nghiệp đem sổ đỏ của dự án đi thế chấp vay tiền lần thứ nhất và tiếp tục thế chấp những căn hộ đã bán cho khách hàng để vay tiền lần thứ hai, trong khi pháp luật chỉ cho phép dự án thế chấp một lần.
“Đây là hình thức làm ăn không đàng hoàng, lừa dối khách hàng, ảnh hưởng xấu đến thị trường. Hình thức thế chấp dự án này sẽ gây rủi ro rất lớn cho khách hàng, vì nếu dự án không thực hiện được, khách hàng sẽ mất trắng”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định.
Trước thực trạng nhiều dự án bất động sản có dấu hiệu huy động vốn trái phép, vào tháng 3/2021, lãnh đạo UBND TP.HCM đã có chỉ đạo thanh tra việc lách luật, huy động vốn trái phép và yêu cầu Sở Công Thương TP.HCM tiếp tục tổ chức triển khai đến các chủ đầu tư dự án nhà ở, đảm bảo thực hiện theo quy định về mẫu các loại hợp đồng đã được quy định cụ thể theo Nghị định 76/2015 hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản. Tất cả chủ đầu tư có trách nhiệm phải đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư theo mẫu quy định (đảm bảo về hình thức, nội dung và thủ tục đăng ký hợp đồng).
Đặc biệt, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở Công Thương phải tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với các trường hợp báo chí hoặc người dân phản ánh để kịp thời xử lý theo quy định. Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng mua bán nhà ở (người tiêu dùng), tránh xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Lãnh đạo UBND TP.HCM còn yêu cầu, Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản. Được biết, chỉ đạo này của lãnh đạo UBND TP.HCM được thực hiện theo đề nghị của Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, nhằm chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố./.
TP.HCM: Bất chấp chỉ đạo thanh tra, dự án Salto Residence vẫn rầm rộ rao bán (vietnamindex.vn)