Trả đũa Mỹ cấm Huawei, Trung Quốc cũng tính giáng đòn lên Boeing

Admin

19/05/2020 06:00

(Doanhnhan.vn) - Trung Quốc tính toán sẽ đình chỉ việc mua máy bay Boeing nếu Mỹ chặn nguồn cung cấp công nghệ chính cho Huawei.  

Những chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Bắc Kinh ngày càng nặng nề trong vài tuần gần đây khi đại dịch Covid-19 trở nên tồi tệ ở Mỹ, đặc biệt, quy định mới của Bộ Thương mại được công bố ngày 15/5 vừa qua là biện pháp kinh tế lớn đầu tiên của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc sau khi hai nước đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu hồi tháng 1.

Tuy nhiên, động thái này dường như đã tạo ra sự bất lợi khi các mối đe dọa trả thù từ Trung Quốc đối với Mỹ đang gia tăng. Bởi lẽ, Mỹ vốn cấm các công ty toàn cầu như Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan sử dụng công nghệ và phần mềm của Mỹ để sản xuất linh kiện cho Huawei mà không có giấy phép.  

“Dựa trên những gì tôi biết, nếu Mỹ chặn nguồn cung cấp công nghệ chính cho Huawei, Trung Quốc sẽ kích hoạt “danh sách không đáng tin cậy”, để hạn chế các công ty của Mỹ như Qualcomm, Cisco và Apple cũng như đình chỉ việc mua máy bay Boeing," Hu Xijin, tổng biên tập Thời báo Toàn cầu trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết trong báo cáo phát hành ngày 15/5.

Trả đũa Mỹ cấm Huawei, Trung Quốc cũng tính giáng đòn lên Boeing - Ảnh 1

Những lời phát biểu của Donald Trump đối với Trung Quốc đã gia tăng tính công kích khi Mỹ đang phải vật lộn đối phó với Covid-19

Điều này nếu được thực hiện sẽ tác động mạnh mẽ đến Boeing. Nhà sản xuất máy bay đã gặp rắc rối với hai vụ tai nạn liên quan tới 737 MAX khiến 346 người thiệt mạng và sự sụt giảm nghiêm trọng trong việc di chuyển bằng đường hàng không do đại dịch.

Tháng trước, Boeing cho biết họ đã cắt giảm 16.000 việc làm, tương đương 10% lực lượng lao động. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 13,6% tổng doanh thu của nhà sản xuất máy bay trong năm 2018, do vậy, những mâu thuẫn trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung cũng như nhiều vòng thuế quan “ăn miếng trả miếng” giữa hai nước sẽ khiến Boeing trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Qualcomm, đang đặt cược vào sự tăng trưởng của mình trong việc thương mại hóa công nghệ không dây thế hệ thứ năm, đặc biệt là ở Trung Quốc, cũng đang nghiên cứu để phục hồi nhu cầu, cải thiện mức giảm lợi nhuận 29% trong quý đầu tiên, chủ yếu là do đại dịch bùng phát. Nhưng "Trung Quốc có thể sẽ sớm quay lưng lại với Qualcomm," Brad Gastwirth, chiến lược gia trưởng công nghệ tại Wedbush Securities cho biết.

Đối với Apple, Trung Quốc đại lục hiện chiếm hơn 16% tổng doanh thu. Do vậy, Apple phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu dùng khổng lồ tại đây.

Boeing, Apple và Qualcomm cùng nhau mất 14 tỷ USD giá trị trường trong ngày 15/5 do lo ngại sự trả đũa của Trung Quốc.

Sau khi Mỹ có ý định tăng gấp đôi lệnh cấm Huawei đã được biết đến vào tháng 3, Chủ tịch luân phiên của Huawei, Eric Xu nói rằng ông không nghĩ rằng "chính phủ Trung Quốc sẽ ngồi và xem Huawei bị tàn sát" và cảnh báo về việc chia rẽ nếu Washington tiến lên như vậy.

Nhưng Trung Quốc có thể "tự bắn vào chân mình bằng cách trả đũa các công ty Mỹ", Wendy Cutler, cựu đàm phán viên thương mại Mỹ và Phó Chủ tịch tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á có trụ sở tại New York cho biết.

"Thực hiện những mục tiêu như vậy có thể dẫn đến việc đẩy các công ty Mỹ rút ra khỏi Trung Quốc vào thời điểm cần có họ để góp phần phục hồi nền kinh tế của Trung Quốc", Cutler nói.

Một cuộc xung đột ăn miếng trả miếng như này cũng có thể gây tốn kém cho Mỹ, nơi nền kinh tế đã phải chịu sự suy giảm 4,8% trong quý đầu tiên và hơn 36 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp kể từ khi các biện pháp phong tỏa vì Covid-19 bắt đầu.

Trả đũa Mỹ cấm Huawei, Trung Quốc cũng tính giáng đòn lên Boeing - Ảnh 2

Trung Quốc sẽ đình chỉ việc mua máy bay Boeing nếu Mỹ chặn nguồn cung cấp công nghệ chính cho Huawei.

Tuy nhiên, những cơn gió chính trị ở Washington đang thổi theo hướng phân tách nhanh, khi các nhà lập pháp kêu gọi các biện pháp từ trừng phạt kinh tế đến cắt giảm thị thực.

"Bằng chứng cho thấy Donald Trump quan tâm nhất đến triển vọng bầu cử của chính mình và thứ hai là về thương mại", Daniel Russel, một chuyên gia chính sách tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á, từng làm cố vấn dưới thời Obama cho biết.

"Trump đã nắm giữ các biện pháp cứng rắn từ Bộ Thương mại, hoặc Bộ Ngoại giao" khi cố gắng đàm phán một thỏa thuận với Bắc Kinh, nhưng "khi ông thấy có lợi về mặt chính trị, ông đã tìm cách tiến hành", Russel nói.

Trước sự bùng nổ của Covid-19, bắt đầu ở Trung Quốc và đã giết chết gần 90.000 người ở Mỹ, sự thù địch đã gia tăng giữa hai quốc gia, với mỗi bên lại có những câu chuyện của riêng mình về đại dịch để chỉ trích bên kia.

Ngày 14/5, Tổng thống Trump đã đe dọa rõ ràng mối quan hệ với Bắc Kinh, nói rằng Mỹ có thể "cắt đứt toàn bộ mối quan hệ" với Trung Quốc nếu muốn.