Sự việc lùm xùm cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) từ tháng 4/2016 khi đơn vị này công bố Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) là đơn vị duy nhất đăng ký mua VFS và được chấp thuận trở thành cổ đông chiến lược. Theo công bố này, giá tài sản đất đai không được tính vào định giá hãng phim; thương hiệu của hãng phim hơn 60 năm tuổi được tính bằng con số 0. Từ đây, đã có nhiều ý kiến phản đối và không đồng tình về tính minh bạch của quá trình chọn cổ đông chiến lược.
Thu hồi cổ phần
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa (CPH) VFS, trong đó yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) thu hồi cổ phần đã bán tại VFS.
Theo đó, 2 lô đất vàng tại số 4 Thụy Khuê, Tp. Hà Nội và số 6 Thái Văn Lung, Tp. HCM sẽ được trả về cho VFS khi Bộ VH,TT&DL mua lại toàn bộ cổ phần đã bán cho Vivaso.
Cụ thể: 2 lô đất 5.443m2 tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Tp. Hà Nội, và 1.208m2 đất số 6 Thái Văn Lung, quận 1, Tp. HCM sẽ được trả về cho VFS tiếp tục sử dụng. Bên cạnh đó, các lô đất 904m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám và 6.382m2 đất ở Đông Anh (Tp. Hà Nội) cũng sẽ quay về với chủ cũ VFS.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ VH,TT&DL căn cứ kết luận thanh tra tháng 8/2018 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hồi tháng 8/2019 để thực hiện các quy trình, thủ tục nhằm thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư Vivaso.
Bộ VH,TT&DL làm việc với nhà đầu tư Vivaso để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Trường hợp Vivaso không chấp hành thì phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét áp dụng biện pháp cưỡng chế để thực hiện kết luận thanh tra. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về số tiền để hoàn trả cho nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, hướng dẫn Bộ VH,TT&DL thực hiện kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại thông báo trước đó.
Xác định cổ phần hoá có vấn đề sai phạm, Chính phủ yêu cầu Bộ VH,TT&DL trả lại 'đất vàng' cho VFS (Ảnh: Internet) |
VFS có khuyết điểm
Như báo Thời báo Kinh Doanh đã đưa tin, trước đó, tháng 8/2018, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về công tác CPH của VFS. Theo kết luận, VFS có một số tồn tại, khuyết điểm.
Thứ nhất, việc thực hiện các bước CPH, lựa chọn tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn CPH chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Ban Chỉ đạo CPH cho công ty tự lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn CPH là vi phạm Luật Đấu thầu 2013.
Thứ hai, việc công ty ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội); góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn) quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng hoặc thuê các công ty quản lý điều hành tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. HCM là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền.
Thứ ba, việc quản lý, theo dõi, hạch toán công nợ phải thu, phải trả tại công ty chưa đúng quy định, dẫn đến một số vi phạm như: quản lý và theo dõi khoản phải thu khác, đối tượng là Cục Điện ảnh chưa đúng; theo dõi khoản trả trước cho Chi nhánh Công ty Cổ phần Điện ảnh truyền hình (Tp. Hà Nội) chưa chính xác; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, kết quả kinh doanh các năm đều lỗ liên tiếp. Một số chi phí vượt so với được phê duyệt. Hàng năm, Công ty chưa thường xuyên đối chiếu công nợ với khách…
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, việc chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có nhiều sai sót, chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu thực tiễn với một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh.
Câu chuyện bắt đầu từ ngày 14/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ VH,TT&DL rà soát lại toàn bộ quá trình CPH, tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của VFS để điều chỉnh tăng giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định.
Đến ngày 29/12/2016, Bộ VH,TT&DL phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là Vivaso, công ty này đã thanh toán số tiền hơn 33 tỷ đồng để mua 65% vốn điều lệ của VFS. Đến tháng 9/2017, các nghệ sĩ trong hãng phim đồng loạt lên tiếng vì cho rằng Vivaso đã không thực hiện đúng cam kết với Bộ VH,TT&DL và VFS.
Đến 19/9/2017, ban lãnh đạo mới của VFS tổ chức một cuộc họp nhằm giải đáp thắc mắc của cán bộ, công nhân viên và truyền thông, cuộc họp đã đi đến bế tắc, do giới nghệ sĩ kỳ vọng việc CPH sẽ vực lại được hãng phim, nhưng cổ đông chiến lược không chắc về chuyện đầu tư và phát triển phim ảnh khi tình hình kinh doanh đang khó khăn.
Tuy nhiên, ở đây, một số lãnh đạo của Bộ VH, TT&DL ủng hộ việc làm này của VFS và cho rằng Bộ đã làm đúng quy trình, thủ tục. Phát biểu của lãnh đạo Bộ đã gây phản ứng trái chiều từ các nghệ sĩ.
Sự việc đã khiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải chủ trì một cuộc họp về CPH VFS tại Văn phòng Chính phủ. Phó Thủ tướng cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thanh tra toàn bộ quá trình CPH của VFS.
Minh Sơn