Triển khai các hoạt động kiểm tra giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm dịp Tết

Admin

26/01/2025 06:30

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người.

Không ghi nhận các dịch bệnh nguy hiểm

Ngày 20/1, ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chủ trì hội nghị giao ban công tác chuyên môn về y tế cơ sở quý IV/2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2024, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Hà Nội cơ bản được kiểm soát. 

Thành phố duy trì được thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh; không ghi nhận các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, tái nổi như Cúm A/H5N1, bệnh do virus Marburg, Ebola, Mers-CoV, bệnh đậu mùa khỉ,…; bệnh Covid-19 được kiểm soát hiệu quả với số mắc duy trì ở mức thấp, không ghi nhận trường hợp tử vong. 

Triển khai các hoạt động kiểm tra giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm dịp Tết- Ảnh 1.

Ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại hội nghị.

Ngoài ra, thành phố không ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại; không ghi nhận trường hợp mắc bạch hầu. Hầu hết các dịch bệnh lưu hành khác đều ghi nhận số mắc giảm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, liên cầu lợn. 

Một số dịch bệnh như sởi, ho gà, não mô cầu có số mắc tăng nhưng đều ghi nhận tản phát, không ghi nhận ổ dịch lớn.

Công tác khám, chữa bệnh tại các trung tâm y tế đáp ứng được nhu cầu của người dân, không để xảy ra sai sót về chuyên môn. 

Tại 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã có 55 phòng khám đa khoa, 494/579 (85,3%) trạm y tế xã, phường, thị trấn tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Kết quả, tổng số lượt khám, chữa bệnh năm 2024 đạt trên 2,8 triệu lượt. Trong đó, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên 2,6 triệu lượt.

Quản lý và điều trị các bệnh mạn tính

Thực hiện quản lý sức khỏe, khám, điều trị các bệnh thường gặp cho người dân, quản lý và điều trị các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tại các phòng khám đa khoa và các trạm y tế trên địa bàn. 

Kết quả, sàng lọc nguy cơ cho 1,93 triệu người từ 18 tuổi trở lên; trong đó gần 49.000 người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu bia được tư vấn can thiệp; hơn 199.000 người thừa cân béo phì được tư vấn kiểm soát; 59.226 người cơ nguy cơ tim mạch được tư vấn điều trị dự phòng....

Triển khai các hoạt động kiểm tra giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm dịp Tết- Ảnh 2.

Y tế cơ sở góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Công tác xây dựng Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo quyết định 1300/QĐ-BYT đạt 573/579 xã, phường, thị trấn (98,96%). Hiện nay, toàn thành phố có 27 quận, huyện, thị xã có 100% xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã. 

Đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, toàn thành phố có 80.267 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, ngành y tế quản lý 46.105 cơ sở (thành phố: 3.874 cơ sở; quận/huyện/thị xã: 8.165 cơ sở; xã/phường/thị trấn: 34.066 cơ sở). 

Thành phố tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, dự án, đề án, mô hình điểm về an toàn thực phẩm như bảo đảm an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 100% các phường, thị trấn, 60 tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã. 

Duy trì mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người năm 2024 với 440 xã, phường, thị trấn/20 quận, huyện, thị xã. 

Duy trì mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học tại 20 bếp ăn tập thể trường học thuộc 10 quận, huyện. Nhân rộng mô hình tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường tiểu học tại 15 quận, huyện, thị xã với tổng số 324 trường...

Đối với công tác tổ chức cán bộ, trong năm 2024, ngành y tế đã hoàn thành chuyển các trung tâm y tế thuộc Sở Y tế về thuộc UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây quản lý theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố. 

Chấn chỉnh giết mổ động vật, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết 2025

Phối hợp chặt chẽ với UBND quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý về tổ chức, nhân lực; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ y tế và các công tác khác theo quy chế phối hợp giữa Sở Y tế và UBND các quận, huyện, thị xã trong quản lý hoạt động của trung tâm y tế.

Để nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn y tế cơ sở, phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Chung- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị giám đốc các đơn vị quan tâm thực hiện tốt 10 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện các chương trình, hoạt động y tế năm 2025. 

Trong đó, thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; chủ động dự báo tình hình dịch bệnh để ứng phó có hiệu quả trước mọi diễn biến của dịch bệnh; đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch.

Các trung tâm y tế tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế, phòng khám đa khoa nhằm thu hút người bệnh, tăng cường khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. 

Kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế chuyên môn, không để xảy ra các tai biến do sai sót về chuyên môn. 

Tiếp tục triển khai trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, thực hiện quản lý các bệnh không lây nhiễm, quản lý tốt sức khoẻ cho người dân ngay tại địa phương.

Ông Chung cũng lưu ý việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người, triển khai các hoạt động kiểm tra giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân năm 2025.