![]() |
Sam Dogen tin rằng suy thoái là cơ hội nếu biết chuẩn bị. Ảnh: Sam Dogen. |
Bài viết là quan điểm của Sam Dogen (Mỹ), nhà sáng lập blog tài chính cá nhân nổi tiếng Financial Samurai, được đăng tải trên CNBC. Trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động, ông chia sẻ các nguyên tắc ứng phó tài chính cá nhân mà bất kỳ ai cũng nên cân nhắc.
Tôi làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư suốt 13 năm trước khi đạt tự do tài chính và nghỉ hưu sớm vào năm 2012, ở tuổi 34. Lúc đó, kinh tế thế giới mới dần hồi phục sau cuộc Đại suy thoái.
Hôm nay, dù Mỹ chưa chính thức bước vào suy thoái hay giai đoạn lạm phát đình trệ (stagflation), các dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện: chi tiêu người tiêu dùng giảm, doanh nghiệp thắt chặt tuyển dụng, đầu tư chững lại.
Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng, theo tôi nếu biết nắm bắt, đây cũng là cơ hội để những ai giữ vững tâm lý và chủ động vươn lên. Trung bình, một cuộc suy thoái chỉ kéo dài khoảng 10 tháng. Điều quan trọng không phải là né tránh, mà là chuẩn bị kỹ lưỡng.
Dưới đây là 6 quy tắc tài chính tôi luôn áp dụng trong thời điểm kinh tế bất ổn:
1. Không trì hoãn các khoản chi cần thiết
Khi lạm phát leo thang, mọi thứ sẽ đắt đỏ hơn. Vì vậy, tôi luôn ưu tiên xử lý trước các khoản chi thiết yếu. Nếu xe hơi cần thay thắng, vỏ xe hay bình ắc quy, tôi làm ngay. Nếu mái nhà, cửa sổ hay các thiết bị gia dụng đã cũ, tôi cân nhắc thay mới khi còn chủ động được giá cả.
Tôi cũng không quên chăm sóc sức khỏe định kỳ hay thực hiện các thủ thuật y tế cần thiết trước khi chi phí bảo hiểm tăng thêm. Trì hoãn có thể khiến tôi trả giá nhiều hơn sau này.
2. Dự trữ tiền mặt đủ sinh hoạt trong 6-12 tháng
Tiền mặt là lớp đệm an toàn khi thị trường rơi vào biến động. Tôi luôn giữ một khoản tương đương chi phí sinh hoạt 6-12 tháng trong quỹ khẩn cấp, thường là ở tài khoản lãi suất cao hoặc trái phiếu kho bạc ngắn hạn, với mức sinh lời khoảng 4%.
Số tiền này giúp tôi tránh phải bán tháo cổ phiếu khi thị trường giảm điểm, cũng như không bị động nếu bất ngờ mất việc hoặc có chi tiêu khẩn cấp phát sinh.
![]() |
Khoản tiền mặt có thể sinh hoạt trong ít nhất 6 tháng là quỹ dự phòng cần thiết. Ảnh minh họa: Tima Miroshnichenko/Pexels. |
3. Đặt mục tiêu đầu tư rõ ràng
Tôi học cách phân biệt rõ giữa đầu tư ngắn hạn và dài hạn. Nếu tôi đầu tư cho tương lai 20 năm nữa, tôi sẽ tiếp tục giữ vững kế hoạch, không dao động vì biến động thị trường. Nhưng nếu tôi cần tiền trong 1-2 năm tới để mua nhà, chi trả học phí hoặc nghỉ hưu, tôi sẽ ưu tiên các tài sản an toàn, có tính thanh khoản cao như trái phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng, quỹ trái phiếu ngắn hạn hoặc tài khoản tiền gửi lãi suất cao.
Vạch rõ mục tiêu đầu tư giúp tôi giữ vững kỷ luật, kể cả khi thị trường chao đảo.
4. Nhìn rộng hơn về sự nghiệp
Trong giai đoạn kinh tế có dấu hiệu chững lại, tôi sẽ chủ động củng cố mối quan hệ với quản lý, đồng nghiệp và mở rộng mạng lưới trong ngành. Khi thị trường bắt đầu trở nên khó đoán, vũ khí mạnh nhất chính là việc hiểu rõ điểm mạnh của bản thân và giá trị mà mình có thể mang lại.
Nếu có khả năng chuyển ngành, tôi cũng không ngần ngại cân nhắc rẽ hướng sang lĩnh vực ổn định hơn khi thị trường tuyển dụng vẫn còn cơ hội. Tôi tin rằng dễ tìm việc hơn khi đang đi làm, thay vì chờ đến khi thất nghiệp.
Nếu buộc phải đối mặt với việc cắt giảm nhân sự, tôi luôn chuẩn bị trước kịch bản đàm phán để nhận được gói trợ cấp thôi việc hợp lý.
5. Tạo thêm nguồn thu nhập phụ
Tôi chưa bao giờ yên tâm khi chỉ dựa vào một nguồn thu nhập.
Thu nhập từ cho thuê bất động sản, cổ tức cổ phiếu, trái phiếu, công việc tư vấn, viết tự do, dạy kỹ năng hoặc thậm chí là các công việc thời vụ như giao hàng, lái xe, tất cả đều có thể trở thành mạng lưới an toàn tài chính.
Tôi cũng để ý tới các ngành chống suy thoái như y tế, giáo dục, dịch vụ thiết yếu hay năng lượng. Khi người tiêu dùng buộc phải cắt giảm chi tiêu không cần thiết, đây là những loại dịch vụ mà họ không thể không dùng.
6. Đầu tư cho tương lai ngay từ bây giờ
Sau nhiều đợt khủng hoảng tài chính khiến thị trường chứng khoán lao dốc, tôi rút ra bài học đầu tư đều đặn và có chiến lược, thay vì hoảng loạn rút lui. Thậm chí tôi còn tranh thủ mua vào khi thị trường đang giảm. Và tôi tin rằng, 10 năm sau tôi sẽ cảm ơn chính mình vì đã không bỏ cuộc.
Tuy nhiên, tôi không bao giờ “all in” (đặt cược tất cả). Trước khi đầu tư thêm, tôi luôn đảm bảo mình có sẵn ít nhất 6 tháng chi phí sinh hoạt bằng tiền mặt.
Nên đầu tư tiền vào đâu?
Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng để thành công trong mảng này, cần hiểu rõ các quy luật của thị trường, hiểu các mùa hoạt động của nó. Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tác giả Anthony Robbins trong cuốn Đầu tư thông minh, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.