Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 1/2020 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội (NƠXH), quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, với tổng diện tích gần 4,3 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng gần 180.000 căn. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá kết quả trên chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Chật vật vay mua nhà
Trước những khó khăn, bất cập từ vốn cho NƠXH, mới đây, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT bố trí thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ cho vay mua NƠXH thực sự là tin mừng với nhiều người dân có thu nhập thấp muốn có chốn an cư.
Câu chuyện người có thu nhập thấp muốn mua NƠXH nhưng tài chính không đủ không phải là hiếm. Đơn cử, giữa năm 2019, anh Nguyễn Văn Minh, viên chức của một phường trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đủ điều kiện đăng ký mua NƠXH tại dự án Ecohome (Bắc Từ Liêm). Căn hộ mà anh dự kiến đăng ký 57m2 với giá 14 triệu đồng/m2, tổng số tiền phải trả là gần 800 triệu đồng. Tuy nhiên, vợ chồng anh mới tích cóp được 400 triệu đồng, còn lại 400 triệu đồng phải đi vay trả lãi suất thương mại 9%. Với số tiền đi vay này, dự kiến 6 năm sau, anh chị mới có thể trả hết cả gốc lẫn lãi.
Một điển hình khác là anh Đoàn Công Huy (quận Long Biên) được tiêu chuẩn mua NƠXH tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm). Thời điểm mua, anh vẫn được hưởng gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng nên lãi suất chỉ phải trả 5%/năm. Tuy nhiên, đến nay, sau 5 năm, anh phải xoay xở mới trả được hết nợ mua nhà.
Gần đây, vợ chồng chị Trần Thanh Xuân trú tại quận Hoàng Mai đang có nhu cầu nộp hồ sơ mua nhà tại một dự án ở huyện Thanh Trì. Tia hy vọng loé lên khi anh chị biết Chính phủ sắp tới sẽ có gói tín dụng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ vay mua nhà tại dự án NƠXH.
Vợ chồng chị cho biết, để mua được căn hộ hơn 50m2 với giá gần 1 tỷ đồng, gia đình vẫn phải vay hơn một nửa. Nếu được vay trong gói ưu đãi, anh chị mới có khả năng tiết kiệm chi trả hàng tháng.
“Chúng tôi mong mỏi Chính phủ sẽ sớm triển khai gói 3.000 tỷ đồng này để gia đình tôi có cơ hội mua được nhà, chứ nếu vay ngân hàng với mức lãi suất cao 9-10%, thậm chí hơn 11% thì vợ chồng tôi không đủ sức”, chị Xuân cho hay.
Không chỉ người dân có thu nhập thấp mong mỏi gói 3.000 tỷ đồng sớm được triển khai mà ngay cả các doanh nghiệp đã và đang phát triển các dự án NƠXH cũng đang rất kỳ vọng sẽ tháo được “nút thắt” bấy lâu nay.
Cả doanh nghiệp và người dân đều rất đang "khát" vốn NƠXH (Ảnh: Internet) |
Nhu cầu rất lớn
Thực tế, cơ chế chính sách ưu đãi phát triển NƠXH được quy định rất cụ thể trong Nghị định 100 năm 2015 của Chính phủ, nhưng không bố trí nguồn tái cấp vốn để hỗ trợ phát triển NƠXH nên các dự án rơi vào tình trạng đói vốn.
Theo một số chuyên gia, các doanh nghiệp chưa mặn mà trong đầu tư lĩnh vực NƠXH còn vì thủ tục cấp phép các dự án này phức tạp không kém gì với dự án nhà ở thương mại. Hơn nữa, với tình hình đất đai tăng giá chóng mặt thời gian qua, việc doanh nghiệp có thể xây nhà giá rẻ, NƠXH dưới 15 triệu đồng/m2 là bất khả thi.
Trao đổi với lãnh đạo một doanh nghiệp phát triển NƠXH, được biết doanh nghiệp này có dự án NƠXH bị “mắc kẹt” khi dự án đang bán thì hết hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Thông tin Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng mới sẽ là tín hiệu rất tốt đối với cả các đơn vị phát triển dự án NƠXH và các khách hàng.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp này cũng mong muốn gói tín dụng hỗ trợ mới ra đời, khi đưa vào triển khai làm sao vừa đảm bảo được quy định, cũng vừa thuận lợi nhất với người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận.
Đại diện CTCP BIC Việt Nam cho rằng, gói vay 3.000 tỷ đồng nếu sớm được giải ngân ở giai đoạn này thực sự rất hợp lý và phù hợp với yêu cầu cấp bách của thị trường.
Bởi nhu cầu cần vay mua nhà của các cá nhân có thu nhập thấp hiện vẫn rất nhiều. Chỉ tính riêng khu vực Hà Nội có khoảng 2,22 triệu hộ dân cư và trong năm 2020 đã có khoảng hơn 5.000 căn hộ NƠXH được tung ra thị trường. Hầu hết ở mỗi dự án, nhu cầu vay đều đạt đến con số trên 60%, nên số tiền 3.000 tỷ đồng có lẽ cũng là chưa nhiều đối với nhu cầu của người dân.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề xuất tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người dân thu nhập thấp mua NƠXH. Theo kiến nghị, hàng năm, Nhà nước cấp 50% vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua NƠXH.
Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại là Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank được cấp bù lãi suất vay 3% - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay.
Như vậy, nếu cấp 1.000 tỷ đồng với tỷ lệ bù lãi suất vay 3% - 4% thì mỗi năm có thể huy động thêm được 25.000 - 30.000 tỷ đồng cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho NƠXH. Tuy nhiên, theo VNREA, thực tế năm 2019 vẫn chưa có nguồn kinh phí này hỗ trợ cho người mua và doanh nghiệp xây dựng NƠXH.
Hải Sơn