Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng thấp kỷ lục

Admin

24/01/2025 05:30

Các biện pháp kích thích kinh tế đã giúp Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng quan trọng, nhưng những thách thức lớn vẫn còn đó.

Kinh tế Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2024. Ảnh: Reuters.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết tăng trưởng kinh tế nước này năm 2024 đã đạt 5%, đúng với mục tiêu đề ra. Dù đạt được kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng này vẫn thuộc mức thấp nhất của Trung Quốc kể từ năm 1990 (ngoại trừ giai đoạn đại dịch Covid-19), theo The Guardian.

Tăng trưởng đã tăng tốc trong suốt năm, với mức tăng 5,4% trong quý IV, cao hơn so với 4,6% ở quý III, theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Đây được coi là kết quả từ những nỗ lực quyết liệt của chính phủ trong việc triển khai các biện pháp kích thích kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc đã triển khai loạt chính sách hỗ trợ quan trọng, bao gồm cắt giảm lãi suất, khuyến khích người dân đổi sản phẩm tiêu dùng cũ lấy mới và đưa ra các ưu đãi thuế lớn cho lĩnh vực bất động sản.

Dù vậy, Cục Thống kê Quốc gia cho biết kinh tế Trung Quốc đạt được “tiến bộ ổn định trong bối cảnh duy trì sự ổn định” nhưng cũng nhấn mạnh rằng môi trường quốc tế ngày càng “phức tạp và nghiêm trọng” với áp lực từ bên ngoài gia tăng và những khó khăn nội tại.

Trong cả năm 2024, sản lượng công nghiệp tăng 5,8%, được thúc đẩy bởi sự phát triển mạnh mẽ trong ngành sản xuất.

Tuy nhiên, doanh số bán lẻ - vốn là thước đo quan trọng cho tiêu dùng nội địa - chỉ tăng 3,5% dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ kích cầu tiêu dùng nội địa, phản ánh những thách thức trong việc khôi phục niềm tin tiêu dùng tại thị trường nước này.

Hiện Trung Quốc đang nỗ lực dịch chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang tập trung vào tiêu dùng nội địa. Song, sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản và ảnh hưởng kéo dài từ đại dịch đã gây áp lực lớn lên thị trường.

Chuyên gia kinh tế Lynn Song tại ING nhận định: “Điều quan trọng bây giờ là liệu niềm tin của người tiêu dùng có thể phục hồi mạnh mẽ hay không. Tâm lý bi quan đang chi phối và sẽ cần thời gian cùng những nỗ lực không ngừng để khắc phục điều này”.

Bên cạnh các vấn đề nội tại, Trung Quốc cũng đang đối diện với sức ép từ các chính sách thương mại mới của Mỹ. Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức Donald Trump đã đề xuất mức thuế 60% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này khiến nhiều công ty Mỹ gấp rút gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc để né tránh thuế quan.

Sam Jochim, chuyên gia kinh tế tại EFG Asset Management, cho biết: “Xuất khẩu mạnh trong quý IV phản ánh việc các đơn hàng từ Mỹ được tăng tốc để chuẩn bị cho thuế quan. Tuy nhiên, điều này chỉ mang tính tạm thời, việc duy trì động lực tăng trưởng sẽ là thách thức lớn trong năm 2025”.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.