Trung Quốc đưa ra quy định gắt gao, tham vọng của hàng loạt 'ông lớn' fintech bị chặn đứng

Admin

29/11/2020 15:29

Tầm nhìn của Jack Ma cùng những kế hoạch của các tập đoàn cùng ngành tài chính đang bị cơ quan quản lý Trung Quốc giám sát chặt chẽ.

Ant Group hiện đang đàm phán với các nhà quản lý về việc bơm vốn vào mảng cho vay vi mô, chỉ vài tuần sau thương vụ IPO 35 tỷ USD bị hoãn. Ngoài ra, kế hoạch niêm yết của tỷ phú ngành thương mại điện tử Richard Liu cho JD Digits cũng rơi vào tình trạng "lấp lửng". Còn Lufax Holding - được kiểm soát bởi Ping An, đã phải thương lượng lại các điều khoản với một số cổ đông sau khi đợt IPO gần đây được định giá thấp hơn vòng gọi vốn trước đó.

Tất cả những khó khăn này là một phần của bối cảnh đang thay đổi nhanh chóng đối với các công ty dẫn đầu ngành fintech của Trung Quốc. Đây là những doanh nghiệp tận dụng sức mạnh của họ để thay đổi các dịch vụ tài chính truyền thống tại đại lục.

Hiện tại, họ đang gấp rút huy động vốn, cân nhắc về các cuộc đại tu hoạt động kinh doanh và chuẩn bị cho nhiều khó khăn trước mắt, khi các cơ quan giám sát ngành chú ý hơn đến các lĩnh vực bao gồm cho vay, quan hệ đối tác ngân hàng và bảo mật dữ liệu.

Sean Ding – nhà phân tích của công ty nghiên cứu chính trị và kinh tế Trung Quốc Pelnum, cho hay: "Sự ổn định tài chính là vấn đề về chính trị ở Trung Quốc. Toàn bộ mục đích của việc gửi đi những thông điệp cứng rắn như vậy là để các công ty fintech trong tương lai phải cẩn trọng hơn, hiểu rằng sản phẩm của họ có thể mang lại rủi ro tài chính."

Sau lời kêu gọi về việc giám sát chặt chẽ ngành tài chính của Chủ tịch Tập Cận Bình, ngành cho vay trực tuyến trị giá 1,2 nghìn tỷ USD là ngành đầu tiên bắt đầu rung chuyển. Trong đó, nhiều công ty đã nỗ lực đáp ứng các quy tắc nghiêm ngặt chưa được hoàn thiện trước đây.

Trong khi đó, Ant – công ty lớn nhất ngành fintech Trung Quốc, là "nạn nhân" nổi bật khi phải đột ngột dừng thực hiện IPO vào tháng này. Ngoài các cuộc thảo luận về bổ sung vốn, Ant cũng giảm tốc độ cung cấp các khoản vay sang chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản để bán cho nhà đầu tư.

Kevin Kwek – nhà phân tích của Berstein, cho hay: "Khi Ant trở lại thị trường, tâm lý nhà đầu tư sẽ cẩn trọng hơn." Ngoài ra, ông dự đoán, định giá của công ty này có thể giảm tới 28%.

Thái độ cẩn trọng hơn của giới chức đối với ngành fintech cũng là yếu tố cản trở JD Digits – chi nhánh tài chính của JD.com. Công ty này đã nộp đơn IPO lên sàn STAR vào tháng 9. JD Digits đang cân nhắc những thay đổi với kế hoạch niêm yết và thảo luận các lựa chọn đối cổ đông hiện tại. Theo nguồn tin thân cận, mục tiêu "lên sàn" vào năm 2021 dường như rất khó khăn.

Mảng fintech của Ping An Insurance Group đã cảnh báo nhà đầu tư trước khi niêm yết rằng họ có kế hoạch tăng rủi ro cho vay đối với các đối tác cho vay từ mức 2% lên 20% vì quy định thay đổi.

Trong khi đó, Lufax là một ví dụ về sự nguy hiểm của việc niêm yết khi phạm vi thay đổi chưa được rõ ràng. Lufax được định giá thấp hơn khi niêm yết so với vòng gọi vốn trước đó và cho phép các cổ đông hoán đổi cổ phiếu thành trái phiếu chuyển đổi, nhằm bù đắp cho khoản lỗ có thể có. Cổ phiếu của công ty này đã "rung lắc" dữ dội trong những ngày gần đây khi trở thành mục tiêu của giới bán khống.

Một công ty con của Ping An, cùng 1 số ngân hàng khác, đã bị cơ quan giám sát ngân hàng khiển trách trong tháng này vì đã sử dụng sản phẩm bảo hiểm của mình khi cung cấp gói vay vi mô. Ngoài ra, công ty bảo lãnh tài chính Ping An Puhui – thuộc Lufax, cũng tăng phí dịch vụ.

Ken Peng – trưởng nhóm chiến lược gia đầu tư châu Á tại Citigroup, cho biết: "Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể không chắc chắn về tính minh bạch của các quy định tài chính ở Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách đang thận trọng về fintech, bởi đây là một ngành mới và cần thời gian để đưa ra quy định phù hợp."