Trung Quốc dùng 'át chủ bài' thế nào trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ

Admin

15/05/2025 12:13

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, Bắc Kinh đã có động thái nới lỏng một phần các biện pháp kiểm soát xuất khẩu một số loại đất hiếm - nguồn nguyên liệu quan trọng đối với ngành công nghệ cao và hàng không vũ trụ.

Một mỏ đất hiếm ở tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc. Ảnh: CGTN.

Trích dẫn nhận định của giới chuyên gia, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng động thái này được xem như một phần trong nỗ lực “đình chiến” nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Washington, dù Trung Quốc vẫn duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ đối với những kim loại chiến lược này.

Ngày 12/5, Trung Quốc tuyên bố sẽ tạm dừng hoặc gỡ bỏ các biện pháp phi thuế quan áp dụng từ ngày 2/4, đồng thời giảm phần lớn mức thuế đã áp lên hàng hóa Mỹ trong vòng 90 ngày, tính từ ngày 14/5.

Theo thỏa thuận không chính thức giữa hai bên, Trung Quốc đồng ý dỡ bỏ các hạn chế đối với bảy nguyên tố đất hiếm thuộc nhóm “trung bình và nặng” kể từ ngày 4/4. Tuy nhiên, các quy định kiểm soát với những khoáng sản chiến lược khác vẫn giữ nguyên.

“Chiến thuật thả diều” của Bắc Kinh

Ông Wang Xiaosong, Giáo sư kinh tế tại Đại học Nhân dân, nhận định thỏa thuận đình chiến thuế quan hiện tại và việc tạm dừng các biện pháp phi thuế quan là một chiến lược nhằm tạo ra “khoảng thở” cho phía Mỹ.

“Bằng cách nới lỏng các hạn chế một cách vừa phải, Trung Quốc đang áp dụng ‘chiến thuật thả diều’: không để dây đứt cũng không để diều bay mất kiểm soát. Chiến lược này giúp tránh kích động đối phương phải phản ứng tuyệt vọng - điều có thể vô tình giúp Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông Wang nhận định.

Ngay sau khi lệnh hạn chế được áp dụng vào ngày 4/4, giá của một số loại đất hiếm trung bình và nặng đã tăng hơn 200% trên thị trường quốc tế, theo báo cáo của công ty chứng khoán Zhongtai Securities ngày 11/5.

Nguyên nhân một phần là do các công ty đất hiếm nước ngoài - như Lynas Rare Earths và MP Materials - chỉ có khả năng tách chiết đất hiếm nhẹ, trong khi chưa làm chủ công nghệ xử lý nhóm đất hiếm trung bình và nặng.

Các kim loại như terbi và dysprosi - thuộc nhóm đất hiếm trung bình và nặng - rất khan hiếm và đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất nam châm mạnh, lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số, và nhiều ứng dụng công nghệ cao khác. Chính vì độ hiếm và khó thay thế, giá trị của chúng trên thị trường luôn ở mức cao.

cuoc chien thue quan anh 1

Mỏ khai thác đất hiếm ở Mountain Pass, California, Mỹ. Ảnh: Reuters/TTXVN.

Nguồn cung khó thay thế

Các nhà phân tích cho biết nhiều nhà sản xuất Mỹ vẫn đang trông cậy vào nguồn cung ổn định từ Trung Quốc - nơi chiếm tới 60% trữ lượng và 90% sản lượng đất hiếm tinh chế toàn cầu - mặc dù đã nỗ lực tìm nguồn thay thế từ châu Phi, Australia, Ukraine và Trung Á trong hai năm qua.

Tuy vậy, giới chuyên gia cảnh báo cho đến khi mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung thực sự hạ nhiệt, phía Mỹ vẫn cần duy trì cái nhìn thận trọng, dài hạn đối với sự phụ thuộc này.

Ông Jon Hykawy, Chủ tịch công ty tư vấn công nghiệp Stormcrow Capital có trụ sở tại Toronto, cho biết: “Dù các cuộc đàm phán có tạo ra sự ổn định bền vững hay không, vẫn phải thừa nhận rằng chỉ một biến động nhỏ cũng có thể khiến nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc bị gián đoạn hoàn toàn vào bất kỳ thời điểm nào”.

“Át chủ bài” trong tay Bắc Kinh

Đất hiếm từ lâu đã được coi là lá bài chiến lược của Trung Quốc trong đàm phán thương mại quốc tế. Chúng không thể thiếu trong sản xuất linh kiện cho xe hơi, điện thoại di động, tuabin gió và các thiết bị công nghệ hiện đại khác.

Giới phân tích nhận định Bắc Kinh vẫn có thể dùng lợi thế đất hiếm như một đòn bẩy trong các vòng đàm phán sắp tới với Washington.

Ông Wang cảnh báo: “Nếu trong vòng 90 ngày, Mỹ không có động thái tích cực về thuế quan và các lệnh trừng phạt công nghệ, Trung Quốc hoàn toàn có thể tái áp đặt các hạn chế xuất khẩu. Đây là chiến lược trao đổi tài nguyên để giành lấy thời gian và không gian”.

Cùng ngày công bố thỏa thuận thương mại, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ siết chặt kiểm soát tại các cảng, đồng thời đẩy mạnh ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp như khai báo sai, buôn lậu, hoặc lợi dụng tái xuất qua nước thứ ba để lách quy định xuất khẩu.

Trong tuyên bố ngày 14/5, bộ này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm soát xuất khẩu khoáng sản chiến lược: “Kiểm soát xuất khẩu các khoáng sản chiến lược này có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia và lợi ích phát triển. Việc ngăn chặn dòng chảy bất hợp pháp đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi cung ứng”.

Theo ông Pini Althaus, chuyên gia khoáng sản tại Mỹ và là Giám đốc điều hành của Công ty đầu tư khai khoáng Cove Capital, việc Trung Quốc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu có thể mang lại sự nhẹ nhõm tạm thời, đặc biệt cho các ngành quốc phòng, ô tô và điện tử vốn phụ thuộc lớn vào đất hiếm.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: “Từ góc độ an ninh quốc gia và khả năng phục hồi kinh tế, việc phụ thuộc trở lại vào nguồn cung Trung Quốc là con dao hai lưỡi. Nếu điều này dẫn đến sự tự mãn mới, điều đó cuối cùng sẽ làm suy yếu những nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng an toàn và độc lập”.

Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Bạn đang đọc bài viết "Trung Quốc dùng 'át chủ bài' thế nào trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ" tại chuyên mục TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com; phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.