Trung Quốc tìm kiếm giải pháp kinh tế từ các ngân hàng nước ngoài

Admin

22/11/2024 06:00

Qua việc tăng cường tần suất trao đổi, Trung Quốc đang tìm kiếm giải pháp từ các ngân hàng nước ngoài nhằm nâng cao niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.

Trung Quốc tăng cường đối thoại với các ngân hàng và tổ chức tài chính toàn cầu. Ảnh: The Leaders Magazine.

Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc đã tăng tần suất tương tác với các ngân hàng quốc tế, chuyển từ các cuộc trao đổi hàng quý lên thành các buổi hỏi đáp hàng tuần hoặc các cuộc trao đổi đột xuất khi cần thiết để thu thập ý kiến về các biện pháp kích thích kinh tế gần đây, Bloomberg dẫn lời các nguồn tin thân cận cho biết.

Trong vài tuần qua, cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến việc điều chỉnh dự báo kinh tế của các ngân hàng quốc tế và phân tích dòng vốn đầu tư. Mục đích là để cơ quan này hiểu rõ hơn về xu hướng đầu tư nước ngoài.

Hiện tại, dù Trung Quốc đã tung ra gói kích thích mới trị giá 1.400 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế, các nhà đầu tư lại có phản ứng trái chiều với gói kích thích mới. Họ cho rằng gói kích thích vốn chỉ mang lại phần nào hỗ trợ cho khoản nợ của chính quyền địa phương chứ chưa đạt được mức hỗ trợ tài khóa mạnh mẽ như kỳ vọng.

Việc thu thập dữ liệu và ý kiến phản hồi cho thấy sự cấp bách ngày càng cao của Bắc Kinh trong việc phục hồi nền kinh tế. Được biết, các cơ quan quản lý trước đây chủ yếu chỉ tổ chức các cuộc họp hàng quý với các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.

Một nguồn tin của Bloomberg cho biết trong cuộc trao đổi với một ngân hàng nước ngoài, cơ quan quản lý Trung Quốc đã tìm kiếm lời khuyên về cách tăng cường sự quan tâm và lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Trung Quốc. Các ngân hàng sau đó đã đề xuất tổ chức các buổi giới thiệu quốc tế để giải thích rõ các chính sách mới và cải thiện việc truyền thông tới thị trường.

Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) hiện không phản hồi về những thông tin trên.

Trước đó, trong cuộc họp báo cuối tháng 9, 3 cơ quan quản lý tài chính hàng đầu Trung Quốc đã công bố gói kích thích toàn diện nhằm hỗ trợ nền kinh tế trị giá 18.000 tỷ USD, bao gồm các giải pháp cắt giảm lãi suất, hỗ trợ thị trường chứng khoán và bất động sản, các biện pháp giảm thiểu rủi ro nợ của địa phương và các khoản tái cấp vốn cho ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước.

Các động thái này đã thúc đẩy nhiều nhà kinh tế nâng dự báo tăng trưởng và tăng triển vọng với thị trường chứng khoán Trung Quốc. Tuy nhiên, sự mong đợi đã nhanh chóng giảm sút khi các nhà đầu tư có xu hướng chờ đợi xem liệu các cơ quan chức năng có đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài khóa mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh đó, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể dẫn đến mức thuế quan cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc, cũng làm gia tăng sự bất ổn đối với nền kinh tế nước này.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mới đây đã tổ chức hội nghị chuyên đề với đại diện từ các tổ chức tài chính nước ngoài bao gồm HSBC, Standard Chartered và Citigroup... Thống đốc PBoC Phan Công Thắng cho biết ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ hỗ trợ, mở rộng kết nối giữa thị trường tài chính trong nước và quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin với thị trường.

Tuần trước, Thủ tướng Lý Cường đã bày tỏ niềm tin rằng chính phủ có thể thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Trung Quốc.

Một báo cáo khác cũng cho biết tăng trưởng xuất khẩu của nước này đã tăng tốc vào tháng 10, đạt tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2022.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.