![]() |
Tài sản của các tỷ phú Việt Nam "bốc hơi" hàng trăm triệu USD sau 4 ngày. Ảnh: VIC. |
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua phiên giao dịch tồi tệ ngày 9/4. Trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư bị đè nén, áp lực bán tháo một lần nữa khiến VN-Index đánh rơi hơn 70 điểm buổi sáng.
Việc VN-Index thủng mốc 1.100 điểm đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy, qua đó tạo điều kiện để chỉ số chính thu hẹp mức độ thiệt hại. Thậm chí, có thời điểm cvươn lên khỏi tham chiếu lấy lại sắc xanh.
Song, trạng thái này không duy trì quá lâu. VN-Index tiếp tục bị dìm xuống dưới tham chiếu và bắt đầu giằng co quanh mốc 1.100 điểm.
Giảm hơn 220 điểm sau 4 phiên
Kết phiên, VN-Index giảm 38,49 điểm (-3,4%) xuống mốc 1.094 điểm. Trong 4 phiên giao dịch kể từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, VN-Index đã bị “thổi bay” hơn 220 điểm và đang tạm dừng ở vùng thấp nhất 1,5 năm.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCoM-Index cũng bị bán tháo không nương tay, giảm lần lượt 8,47 điểm (-4,2%) xuống 192,58 điểm và 0,09 điểm (-0,1%) xuống 84,41 điểm.
Với sự hiện diện của lực cầu, giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đã cải thiện lên mức 35.300 tỷ đồng.
Trên bảng điện tử, sự chênh lệch giữa số lượng mã tăng - giảm đã được thu hẹp nhưng vẫn ở mức lớn. Toàn thị trường chỉ ghi nhận 246 mã tăng (gồm 14 mã tăng trần), 731 mã giữ tham chiếu và 634 mã giảm (gồm 219 mã giảm sàn).
Tương tự, sắc xanh đã trở lại rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 với 7 mã tăng nhưng vẫn còn 23 mã giảm (gồm 8 mã giảm sàn). Chỉ số đại diện rổ vì thế giảm gần 29 điểm và dao động quanh mốc 1.168 điểm.
![]() |
VN-Index rơi thủng mốc 1.100 điểm. Ảnh: TradingView. |
Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là mục tiêu “xả hàng” của nhà đầu tư, điển hình như HPG, MSN, DXG, PNJ, DBC, SSI… Mặt khác, một số bluechip đã đứng ra đảm nhiệm vai trò trụ đỡ bảo vệ thị trường, tiêu biểu nhất là nhóm “họ Vin” VIC, VHM, VRE hay FPT, SAB, LPB.
Đối với VIC, mã chứng khoán của tập đoàn đa ngành Vingroup tăng giảm đan xen và là cổ phiếu vốn hóa lớn hiếm hoi không chịu nhiều thiệt hại từ đợt bán tháo diễn ra 4 phiên gần đây.
Hiện thị giá VIC tạm dừng ở mốc 57.000 đồng/cổ phiếu, giảm gần 6% kể từ sau tuyên bố đánh thuế của Tổng thống Trump. Vốn hóa của VIC cũng không biến động quá nhiều và giữ vững ở mốc 218.000 tỷ đồng.
Tài sản đại gia Việt Nam mất hàng nghìn tỷ đồng
Nếu tính riêng 691 triệu cổ phiếu VIC sở hữu trực tiếp (tương đương 18,08% vốn Vingroup), tài sản của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng chỉ giảm 2.300 tỷ đồng trong đợt bán tháo vừa qua, hiện ở mức 39.300 tỷ đồng.
Tạp chí Forbes cũng thống kê khối tài sản ròng của ông Vượng vẫn dao động quanh mốc 7,4 tỷ USD, giảm 106 triệu USD trong 24 giờ qua.
Trong khi đó, khối tài sản dựa trên cổ phiếu VIC của Phó chủ tịch Vingroup Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) cũng chỉ giảm gần 600 tỷ đồng sau 4 phiên VN-Index lao dốc, hiện ở mức 9.700 tỷ đồng. Bà Hương đang nắm khoảng 170,6 triệu cổ phiếu VIC, chiếm 4,46% vốn tập đoàn.
Tuy nhiên, một số tỷ phú Việt khác như Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long lại chứng kiến khối tài sản giảm sâu hơn nhiều.
Trong 4 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu HPG giảm sàn 3 phiên và ghi nhận một phiên giảm với biên độ gần 3%. Hiện thị giá HPG đã lùi về 21.300 đồng/cổ phiếu, giảm 22% sau 4 phiên và rơi về vùng thấp nhất 1,5 năm qua.
Việc cổ phiếu HPG liên tục giảm sàn đã khiến tài sản của tỷ phú Trần Đình Long giảm gần 10.000 tỷ đồng xuống còn 35.100 tỷ đồng. Theo dữ liệu từ Forbes, so với năm ngoái, tài sản của ông Long đã giảm 600 triệu USD và là tỷ phú mất nhiều tiền nhất Việt Nam giai đoạn này.
Tương tự, bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Long) cũng mất 2.600 tỷ đồng. Tổng giá trị lượng cổ phiếu mà bà nắm giữ thu hẹp còn 9.300 tỷ đồng.
Dù cổ phiếu FPT giữ được sắc xanh hôm nay, khối tài sản của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cũng không khá hơn khi thị giá cổ phiếu công nghệ này đã rơi xuống vùng 105.300 đồng/cổ phiếu. Tổng cộng, tài sản của ông Bình đã giảm hơn 1.700 tỷ đồng, còn 10.700 tỷ.
Tương tự, tài sản của Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cũng giảm đáng kể từ 2 tỷ USD xuống còn 1,5 tỷ USD theo dữ liệu của Forbes. Nếu tính riêng phần tài sản dựa trên 1,26 tỷ cổ phiếu TCB mà gia đình ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ, tổng thiệt hại sau 4 phiên giao dịch gần nhất là 5.400 tỷ đồng.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.