Về quê ăn Tết: “Thích ứng an toàn” thay vì “ngăn sông cấm chợ”

23/01/2022 20:30

Nhiều địa phương đã đưa ra các quy định khác nhau về việc cách ly y tế đối với người dân về quê đón Tết. Các chuyên gia, luật sư cho rằng cần thống nhất quy định.

Cần chấn chỉnh lại

Thời gian gần đây, câu chuyện người dân đi làm ăn xa quê muốn trở về quê hương để đón Tết nhưng lại vướng phải các quy định cách ly khác nhau của các địa phương đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Không ít địa phương đưa ra những quy định “tự phát” đối với người dân trở về quê đón Tết.  

Sự kiện - Về quê ăn Tết: “Thích ứng an toàn” thay vì “ngăn sông cấm chợ”

Gần 30 hộ dân ở xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá được vận động và đồng ý cho chính quyền địa phương khoá cổng nhà để phòng dịch Covid-19.

Về sớm để kịp cách ly

Gia đình anh T. quê ở Hà Tĩnh tối ngày 18/1 đã lên xe khách về quê để kịp cách ly theo quy định trước đó. Chia sẻ với Người Đưa Tin, anh T. cho hay: “Dù còn nhiều việc ở ngoài Hà Nội nhưng tôi đành tạm gác lại đưa vợ con về quê để kịp cách ly đón Tết. Con gái thứ hai của chúng tôi sinh ra đã được gần 1 tuổi nhưng ông bà nội vẫn chưa được ẵm bế ngày nào, nghĩ thương bố mẹ và Tết ai cũng muốn sum vầy nên chúng tôi cũng thu xếp để về sớm”.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang, đoàn luật sư Tp.Hà Nội cho biết, để đảm bảo thống nhất phù hợp với quy định của pháp luật và áp dụng phòng chống dịch hiệu quả, các địa phương cần hạn chế tối đa phiền hà, trở ngại, khó khăn cho người dân về quê đón tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022. 

“Các địa phương cần căn cứ theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, nếu địa phương làm khác theo Nghị quyết 128 là vi phạm và phải chấn chỉnh lại ngay”, luật sư Vinh cho biết.

Bên cạnh đó, vị luật sư này cũng nhấn mạnh các địa phương có tâm lý sợ dịch, có những quy định phòng chống dịch không phù hợp sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống tâm lý. Vì vậy, chính quyền địa phương cần xem xét lại các quy định, công bố sớm các quy định để người dân đi làm ăn xa còn biết để thu xếp về, không gây phiền hà, trở ngại cho người dân.

Tạo điều kiện cho người dân về đón Tết 

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, việc di chuyển giữa các tỉnh không thể làm bùng dịch, nếu người dân thực hiện nghiêm quy định phòng ngừa. Không sợ tình trạng dịch lan truyền từ tỉnh này sang tỉnh kia bởi giờ tỉnh nào cũng có dịch.

Vị chuyên gia dịch tễ này nhấn mạnh là cần thích ứng an toàn trong điều kiện mới, nâng cao thói quen phòng ngừa dịch bệnh.  

Sự kiện - Về quê ăn Tết: “Thích ứng an toàn” thay vì “ngăn sông cấm chợ” (Hình 2).

Người dân cần thực hiện nghiêm quy định phòng, ngừa dịch.

Trong khi đó, trao đổi thêm với Người Đưa Tin, BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng I – Tp.HCM) cho rằng các địa phương nên làm theo hướng dẫn của Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế chứ không nên tự lập ra quy định.

“Theo tôi, các địa phương cần xem xét người về từ vùng nào và xem họ đã tiêm đủ mũi vắc-xin hay chưa, chứ không nên tự chế ra các quy định gây khó dễ cho người dân”, BS. Khanh cho hay.

Theo bác sĩ Khanh, đã có hướng dẫn chung của ngành y tế cứ theo đó mà áp dụng, chúng ta đã chuyển sang “thích ứng an toàn” thay vì “ngăn sông cấm chợ”.

Sự kiện - Về quê ăn Tết: “Thích ứng an toàn” thay vì “ngăn sông cấm chợ” (Hình 3).

Tạo điều kiện cho người dân về quê đón Tết an toàn (Ảnh: Hữu Thắng).

“Tôi cho rằng, nếu các địa phương làm khó cho người dân thì các nhà quản lý cần xem lại. Ngoài ra, hiện chúng ta vừa chống dịch vừa phát triển nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn, thực hiện thống nhất, tránh mỗi nơi mỗi kiểu”, BS. Khanh nhấn mạnh.

Gia đình sẽ đón Tết ở Hà Nội

Gia đình chị Nguyễn Lan Anh (quê Tuyên Quang) chia sẻ đến 28 âm lịch chị mới được nghỉ Tết, cộng với quy định cách ly tại nhà 7 ngày của địa phương khiến đường về thăm quê dịp Tết của gia đình chị càng xa hơn. Chị tâm sự: "Vợ chồng con cái chúng tôi đều học tập và làm việc tại Hà Nội, Tết nhất ai cũng muốn về quê nhưng vì dịch bệnh nên chúng tôi cũng đang rất băn khoăn, ở nhà thì ông bà ngóng con cháu về nhưng về thì lại sợ ảnh hưởng đến người thân, nên có lẽ năm nay vợ chồng tôi sẽ đón Tết ở Hà Nội".

Ngày 17/1, Bộ Y tế đã có văn bản gửi chủ tịch UBND tỉnh, thành về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp.  

Theo Bộ Y tế, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 242 ngày 11/1/2022 của Văn phòng Chính phủ về một số sự việc theo báo chí phản ánh như: "Mệt mỏi vì quy định bán tại chỗ mua hàng về thay đổi liên tục", "Trạm y tế ở Bình Dương tự ý thu tiền xét nghiệm khi đến tiêm vắc-xin", người dân phản ánh một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp. 

Trước đó, ngày 19/1 Thủ tướng Chính phủ ký công điện yêu cầu các địa phương không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, công nhân, người lao động thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là trong quá trình di chuyển về quê, sinh hoạt trong dịp Tết và trở lại nơi làm việc sau Tết.

Nơi nới lỏng, nơi vẫn siết chặt

Quảng Ninh

Từ bắt buộc cách ly tập trung 7 ngày người về từ vùng cam, đỏ, Quảng Ninh sẽ cách ly tại nhà với người có nguy cơ cao.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 20/1 ban hành văn bản hỏa tốc, áp dụng một số biện pháp với người về địa bàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tỉnh yêu cầu người dân về Quảng Ninh khai báo di chuyển nội địa với trạm y tế xã, phường nơi lưu trú, xét nghiệm nhanh Covid-19 hoặc tự test nhanh tại nhà, báo lại kết quả cho địa phương. Chính quyền khuyến khích người dân tự theo dõi sức khỏe, test nhanh 2 ngày một lần; thực hiện 5K.

Người chưa tiêm đủ ít nhất hai mũi vắc-xin (trừ trường hợp chống chỉ định) liên hệ ngay trạm y tế trên địa bàn nơi lưu trú hoặc trung tâm y tế, các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, CDC Quảng Ninh để được tiêm sớm.

Yên Bái

Người về không phải trình phiếu xét nghiệm âm tính, chỉ khai báo y tế tại trạm xá xã. Người về từ vùng cam, đỏ đã tiêm đủ hai liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh thì theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.

Hà Tĩnh

Lãnh đạo sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, địa phương chỉ thực hiện cách ly y tế đối với F1. Những người về từ vùng dịch chưa tiêm đủ liều vắc-xin mới phải cách ly tại nhà 7 ngày.

Tuy nhiên, một số địa phương vẫn siết chặt biện pháp phòng dịch trước Tết với người về quê như:

Từ 20 giờ ngày 15/1, tất cả người đến lưu trú, trở về tỉnh Tuyên Quang phải tự xét nghiệm, báo cáo kết quả với chính quyền địa phương. Nếu kết quả dương tính, người dân phải cách ly, điều trị theo quy định; nếu có kết quả âm tính sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Trường hợp gặp các vấn đề bất thường về sức khỏe như sốt, ho, đau họng, người dân phải báo ngay đến trạm y tế gần nhất.

Bắc Kạn bắt buộc người dân về phải có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực 72 giờ, nếu không có giấy phải xét nghiệm tại nơi khai báo y tế. Người vùng xanh, vùng vàng, vùng cam tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Người từ vùng đỏ cách ly 7 - 14 ngày tùy vào đã tiêm mấy mũi vắc-xin…

 

Bạn đang đọc bài viết "Về quê ăn Tết: “Thích ứng an toàn” thay vì “ngăn sông cấm chợ”" tại chuyên mục CHUYỂN ĐỘNG 24H. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903781209, hoặc gửi về địa chỉ email: chuyendongthitruong.vn@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com.