Vì sao Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op bị tạm đình chỉ chức vụ?

Admin

30/07/2020 05:38

Liên quan đến vụ việc xảy ra tại Saigon Co.op, chiều 27/7, ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, chủ trì buổi họp triển khai quyết định của ban Thường vụ Thành ủy về việc đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với ông Diệp Dũng, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Liên hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).

Theo TTO, ông Dũng bị tạm đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy và các vai trò trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Saigon Co.op.

Ông Diệp Dũng sinh năm 1968, tốt nghiệp Đại học Y khoa, Th.S Khoa học. Giai đoạn 2002 - 2008 ông còn là giảng viên thỉnh giảng - Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright.

Trước khi chuyển công tác về Saigon Co.op, ông Diệp Dũng là Thành ủy viên, Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM. Vị này cũng từng đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận.

Như Người Đưa Tin Pháp luật đã đưa, sáng 27/7, Thanh tra TP.HCM công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP (Saigon Co.op).

Cụ thể, việc tăng vốn điều lệ năm 2014 không được thể hiện tại biên bản đại hội thành viên. Số vốn 2.328 tỷ đồng từ nguồn vốn tích lũy thuộc sở hữu chung không chia của Saigon Co.op được dùng để tăng vốn điều lệ là không đúng với Luật Hợp tác xã về vốn điều lệ.

Đến năm 2015, Hội đồng quản trị Saigon Co.op thống nhất tăng vốn điều lệ nhưng nội dung này không được trình và thông qua tại Đại hội thành viên, vi phạm Luật Hợp tác xã.

Theo đó, số vốn 3.180 tỷ đồng từ vốn tích luỹ thuộc sở hữu chung không chia của Saigon Co.op được dùng để tăng vốn điều lệ là không đúng với Luật Hợp tác xã.

Trong năm 2020, Saigon Co.op tăng vốn điều lệ 3.597 tỷ đồng, tuy nhiên lại chưa xây dựng phương án huy động vốn trình đại hội thành viên thông qua. 

Đồng thời, các HTX thành viên góp vốn trước khi thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận, cũng không cung cấp các hồ sơ liên quan việc góp vốn và huy động vốn.

Đặc biệt, một số HTX thành viên đạt mức lợi nhuận sau thuế dưới 6 tỷ đồng nhưng không tham gia góp vốn, trong khi phần lớn HTX có lợi nhuận chỉ 24-500 triệu đồng lại góp hàng trăm tỷ đồng. Trong các năm 2018, 2019, 6 HTX thành viên kinh doanh không hiệu quả.

Đáng chú ý, các Hợp tác xã cho biết, có trường hợp huy động từ các thành viên bên ngoài và có trường hợp ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các cá nhân bên ngoài Hợp tác xã.

"Điều này cho thấy đã có các cá nhân, tổ chức thông qua các hợp tác xã thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op", kết luận thanh tra nêu rõ.

Liên quan đến việc phân phối lợi nhuận, Thanh tra TP nhận thấy trong năm 2015, Saigon Co.op đã kết chuyển số tiền hơn 1 tỷ đồng sang quỹ đầu tư phát triển, đồng thời không trích lập quỹ dự phòng tài chính, trái với quy định tại Khoản 2, Điều 23 và Khoản 5, Điều 21 của Thông tư 83/2015/TT-BTC.

Đến nay, đơn vị cũng chưa xây dựng quy chế quản lý nguồn vốn và chưa mở sổ theo dõi khi tiếp nhận tài sản không chia từ Liên hiệp HTX mua bán TP và nguồn tài trợ khác theo quy định.

"Có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến sở hữu tài sản chung không chia và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự", Thanh tra TP kết luận.

Kết luận thanh tra khẳng định những sai phạm này thuộc trách nhiệm của HĐQT Liên hiệp HTX, Thành viên Liên hiệp HTX, ban tổng giám đốc, các phòng ban chức năng và cá nhân có liên quan các thời kỳ.

Minh Lan (Tổng hợp)