Vì sao Hưng Thắng Lợi Gia Lai “tháo chạy” khỏi công ty bầu Đức?

Admin

08/10/2020 07:12

Từng vừa là con nợ vừa là chủ nợ của nhau, với nhiều gắn bó sâu đậm..., mới đây, công ty Hưng Thắng Lợi Gia Lai bất ngờ bán phân nửa cổ phần tại Hoàng Anh Gia Lai.

Không còn là cổ đông lớn

Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) vừa thông báo về việc công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai (gọi tắt là Hưng Thắng Lợi) không còn là cổ đông lớn, thông qua việc rút hơn nửa phần vốn đầu tư ở HAGL Agrico.

Cụ thể, tại phiên giao dịch chứng khoán ngày 23/9/2020, Hưng Thắng Lợi đã bán hơn 49,5 triệu cổ phiếu HNG, tương đương tỉ lệ sở hữu là 4,47%. Sau giao dịch, công ty này thu về gần 600 tỷ đồng và không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức).

Về mối quan hệ liên quan đến vấn đề sở hữu, công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) của bầu Đức hiện là công ty mẹ của cả Hưng Thắng Lợi Gia Lai và HAGL Agrico thông qua việc sở hữu lần lượt 78,22% và 47,41% vốn.

Ngược lại, số lượng cổ phiếu HNG mà Hưng Thắng Lợi nắm giữ tại HAGL Agrico chỉ còn 43,6 triệu đơn vị, chiếm tỉ lệ 3,93%.

Mối quan hệ “con nợ đặc biệt

Khởi sự, công ty Hưng Thắng Lợi (địa chỉ tại 15 Trường Chinh, phường Phù Đổng, TP. Pleiku, Gia Lai) được thành lập vào ngày 12/10/2016 với ba cổ đông sáng lập là Võ Trọng Hoàng (30%), Dương Minh Thành (40%) và Cao Vĩnh Tuấn (30%). Hiện tại, chủ sở hữu/người đại diện theo pháp luật của Hưng Thắng Lợi là ông Thủy Ngọc Dũng.

Vài tháng sau khi thành lập, công ty đã tăng vốn lên 290 tỷ đồng, rồi 700 tỷ đồng (27/06/2017) và lên 785 tỷ đồng (24/07/2017). Đến tháng 5/2017, các cổ đông lớn này thoái hết vốn tại đây, “mở đường” cho Hoàng Anh Gia Lai mua toàn bộ số cổ phần tại Hưng Thắng Lợi.

Cụ thể, thời điểm năm 2018, khi đó công ty Hưng Thắng Lợi đang sở hữu dự án nông nghiệp tại huyện Paksong, tỉnh Chăm-pa-sắc, nước CHDCND Lào. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức đã mua gần 77 triệu cổ phần Hưng Thắng Lợi với mức giá 32.200 đồng/cổ phiếu, tương đương tỉ lệ sở hữu là 98% vốn. Tổng giá trị chuyển nhượng tương ứng 2.477 tỷ đồng. Phương thức thanh toán được tập đoàn cho biết đó là bù trừ với các khoản nợ phải thu.

Đáng lưu ý, trong đợt chào bán 149,7 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu từ 7/12/2017 đến 5/3/2018 của HNG,  để hoán đổi các khoản nợ vay có giá trị hơn 512 tỷ đồng (tại ngày 31/7/2017), Hưng Thắng Lợi đã sở hữu 50 triệu cổ phiếu HNG, tương đương 5,64% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của HAGL Agrico.

Đầu tư - Vì sao Hưng Thắng Lợi Gia Lai “tháo chạy” khỏi công ty bầu Đức?

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức (ảnh) từng chi 32.300 đồng/cổ phiếu để mua 98% cổ phần Hưng Thắng Lợi song công ty này chỉ chi 10.000 đồng/cổ phiếu để mua cổ phần HNG.

Như vậy là, trong khi HAGL phải chi 32.300 đồng/cổ phiếu để mua 98% cổ phần Hưng Thắng Lợi thì Hưng Thắng Lợi chỉ phải chi 10.000 đồng/cổ phiếu để mua cổ phần HNG.

Tiếp đó, trong hai ngày 15 và 16/5/2019, công ty Hưng Thắng Lợi tiếp tục mua vào 37 triệu cổ phiếu HNG, mục đích nhằm đầu tư tài chính, nâng tỉ lệ sở hữu HNG lên thành 9,8% (tương đương 87 triệu cổ phiếu). Thời điểm đó, thị giá mã HNG thông qua giao dịch thỏa thuận ở mức 16.300 đồng/cổ phiếu nên tổng cộng giá trị giao dịch hơn đạt 603,1 tỷ đồng.

Vì sao “tháo chạy”?

Lý do rút khỏi danh sách cổ đông lớn của HAGL Agrico không được công ty Hưng Thắng Lợi tiết lộ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả kinh doanh tại tập đoàn của ông bầu Phố Núi thời gian qua thì có thể thấy, dù tình hình có sáng sủa hơn nhưng vẫn khó mà trở thành nơi lý tưởng để doanh nghiệp “chọn mặt gửi vàng”.

Căn cứ báo cáo tài chính bán niên 2020 của HAGL Agrico, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 1.165 tỷ đồng và 11,4 tỷ đồng. Dù chỉ thu về khoản lãi khá nhỏ nhưng kết quả kinh doanh trên được cho là khá khả quan khi cùng kỳ năm 2019, HAGL Agrico chỉ ghi nhận 781 tỷ đồng doanh thu và khoản lỗ trước thuế hơn 730 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, so với kỳ vọng của ban lãnh đạo (kế hoạch doanh thu 4.307 tỷ đồng, gấp 2,3 lần doanh thu đạt được năm 2019, lãi trước thuế 566 tỷ đồng) thì HAGL Agrico mới chỉ thực hiện được 27% kế hoạch doanh thu và chỉ 2% kế hoạch lợi nhuận.

Mới đây, HAGL Agrico cho biết đã hủy kế hoạch huy động 800 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Đây là kế hoạch bổ sung vốn lưu động được HĐQT công ty thông qua hồi tháng 6, thời điểm mà HAGL Agrico phát hành 200 tỷ trái phiếu với lãi suất 9,5%/năm.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HNG đang được giao dịch ở mức giá 11.850 đồng/cổ phiếu (giá mở cửa phiên 1/10/2020). Giá trị vốn hóa ước tính 13.000 tỷ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) hồi đầu tháng 9 đã thông báo về việc chuyển cổ phiếu HNG từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo, thời gian thực hiện từ ngày 7/9/2020. Lý do là HAGL Agrico có lãi ròng 6 tháng đầu năm 2020, giúp lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2020 giảm về âm 2 tỷ đồng.

M.M (t/h)